Thứ sáu 29/03/2024 07:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lãnh đạo quận Ba Đình nhận trách nhiệm về sai phạm công trình 8B Lê Trực

09:28 | 26/02/2020

(Xây dựng) – Ngày 25/2 tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình thẳng thắn thừa nhận: “Về công trình 8B Lê Trực, trách nhiệm để xảy ra vi phạm thuộc trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, trước hết là quận Ba Đình. Có thể nói thẳng thắn như vậy”.

lanh dao quan ba dinh nhan trach nhiem ve sai pham cong trinh 8b le truc
Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình trả lời báo chí chiều 25/2.

Hơn 30 đơn vị tư vấn từ chối

Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 25/2, nhiều câu hỏi về xử lý vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực đã được các phóng viên báo đài đề nghị làm rõ.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, tân Chủ tịch UBND quận Ba Đình thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm và cho biết: “Về công tác xử lý vi phạm, tôi cũng đã thông tin là gặp vướng mắc nhiều về mặt kỹ thuật. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa có phương án thiết kế để đảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là tháo dỡ bộ phận vi phạm của công trình nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bộ phận còn lại”.

“Chúng tôi đã có báo cáo thành phố về khó khăn vướng mắc, đề nghị chỉ đạo các Sở, ngành cùng vào cuộc. Hiện nay, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp với quận để có giải pháp”, ông Chiến thông tin thêm.

Cũng theo ông Tạ Nam Chiến, quận Ba Đình đã tìm kiếm rất nhiều đơn vị tư vấn, có hơn 30 văn bản gửi đến các đơn vị trên cả nước, nhưng có công ty trả lời là không tham gia, có công ty không trả lời.

“Chúng tôi đã báo cáo thành phố về hướng xử lý nếu không tìm được tư vấn”, ông Chiến nói.

Công trình 8B Lê Trực có kết cấu dầm treo, không phải là kết cấu bình thường

Đây cũng là nguyên do khiến cho các đơn vị tư vấn từ chối không tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2, bởi sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu và chất lượng công trình.

Trước đó, theo tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần Hạ tầng Phương Bắc (Công ty Phương Bắc) - Đơn vị được giao thực hiện phá dỡ sai phạm giai đoạn 1 công trình 8B Lê Trực đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét dừng tháo dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực. Văn bản của Công ty Phương Bắc theo đó nêu rõ: “Công trình 8B Lê Trực là kết cấu dầm treo nên không phải là một công trình kết cấu bình thường”.

Cụ thể, căn cứ hồ sơ thiết kế phương án sơ bộ phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực theo các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư kết cấu và chuyên gia của Công ty TNHH tư vấn Đại học xây dựng thì tại nóc tầng 18 tòa nhà còn dầm treo cao 1,8m, vượt nhịp 17m thiết kế treo 2 cột công trình mặt đường Trần Phú.

Do vậy, việc phá dỡ dầm, sàn, cột, vách từ tầng 18 tới cao độ +55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 ảnh hướng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá dỡ mất dầm treo trên nóc tầng 18), mất nút giằng định vị đầu cột tổng thể của công trình.

Theo Công ty Phương Bắc, để phá dỡ được từ tầng 18 đến hết tầng 17 phải gia cố 2 cột từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng chạm sỏi cuội.

“Để gia cố được 2 cột này thì phải đưa máy móc thiết bị vào, bao gồm máy khoan bê tông, máy khoan cọc nhồi cỡ lớn... Nhưng công trình đã thi công hoàn thiện rồi nên không thể đưa máy móc vào để thi công. Do vậy, không thể gia cố được 2 cột dầm đảm bảo kỹ thuật an toàn”, Công ty Phương Bắc nhận định.

Cũng theo Công ty Phương Bắc, công trình 8B Lê Trực có kết cấu dầm treo (tương tự kết cấu cầu treo), cho nên không phải là một công trình kết cấu bình thường hay như một đống gạch cứ dỡ từ trên xuống là được. Muốn phá dỡ phải gia cố thêm 2 cột để thay cho dầm treo, việc gia cố 2 cột là hoàn toàn không khả thi.

Do đó, Công ty Phương Bắc cho rằng, việc phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực vô cùng khó khăn vì công trình có kết cấu phức tạp. Thậm chí, việc phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực buộc phải phá bỏ cả tòa nhà.

Mời quân đội tham gia xử lý vi phạm trật tự xây dựng, liệu có phù hợp?

Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau khi quận Ba Đình đề xuất cho lực lượng công binh của Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia tháo dỡ phần sai phạm công trình 8B Lê Trực.

Tại buổi giao ban báo chí, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết UBND quận Ba Đình đã có 3 đề xuất lên thành phố. Thứ nhất là cho phép lực lượng công binh của Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia tháo dỡ, “nếu cần thiết, thậm chí đề xuất Bộ Tư lệnh công binh vào cuộc”.

Thứ hai là đề xuất Bộ Xây dựng chỉ định một đơn vị tư vấn, thiết kế có năng lực tham gia phá dỡ phần sai phạm.

Thứ ba, đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn quận việc đấu thầu chọn đơn vị tháo dỡ để “cam kết phá dỡ đảm bảo tiến độ, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn trong quá trình phá dỡ và khi công trình đi vào hoạt động”.

Trước đó, theo tìm hiểu được biết, cho ý kiến về lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực, Viện Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng đã 2 lần có văn bản trả lời. Theo đó, Viện này cho biết, việc phá dỡ giai đoạn 2 là cực kỳ phức tạp và tốn kém, thậm chí gây ảnh hưởng kết cấu, chất lượng công trình nên họ đã từ chối và không tham gia.

Việc một đơn vị chuyên ngành đã phân tích rõ những nguy hiểm và cho biết không thể thực hiện phá dỡ khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc cho lực lượng quân đội vào tham gia phá dỡ, xử lý một công trình vi phạm. Bởi quân đội thuộc lực lượng vũ trang, lâu nay mục tiêu chính là bảo vệ và chiến đấu, nay lại “kiêm” luôn việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng thì đây quả là việc “xưa nay hiếm”.

Chủ đầu tư tố chính quyền cấp phép trái luật

Theo tìm hiểu được biết, sau khi quận Ba Đình có buổi trao đổi với báo chí về việc phá dỡ phần vi phạm của công trình 8B Lê Trực hôm 12/2, Công ty Cổ phần May Lê Trực đã có văn bản gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí phản hồi về việc chính quyền quận này cho rằng chủ đầu tư “không hợp tác”, “tự trình xin giấy phép xây dựng”, “cố tình sai ngay từ đầu”… khiến việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, Công ty Cổ phần May Lê Trực cho rằng, theo khoản c, Điều 19, Nghị định 12/2009, dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng nên việc UBND quận Ba Đình ra quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu phải xin cấp giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật.

Đơn vị này cũng cho rằng 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của quận Ba Đình vào tháng 10/2015 và tháng 1/2016 cũng là trái pháp luật, đến nay đã hết hiệu lực thi hành vì đã quá 2 năm (theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính) nên không còn giá trị thực hiện. Cả 2 quyết định này cũng không có nội dung phá dỡ tầng 17, 18 của tòa nhà.

Thêm vào đó, giấy phép xây dựng số 11 cấp ngày 24/3/2014 cho công trình này cũng được chủ đầu tư cho là sai pháp luật vì không đúng với Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 323/2004 và sai Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, với các dẫn giải cụ thể chứng minh cho nội dung này.

Công ty Cổ phần May Lê Trực cũng cho rằng việc UBND quận không căn cứ vào quy hoạch mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng để chỉ đạo phá từ 53m trở lên (đồng nghĩa với việc phá dỡ tầng 17 và 18) là không có căn cứ, trái quy định của pháp luật.

Công ty Cổ phần May Lê Trực đồng thời phủ nhận thông tin của Hà Nội cho rằng mình không hợp tác và khẳng định khi xảy ra vụ việc đã lập phương án tháo dỡ và đang tháo dỡ tầng 20 thì bị UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế, lập chốt bảo vệ không cho người dân và doanh nghiệp vào.

“Việc Công ty chưa trả chi phí phá dỡ công trình cho thành phố là do hơn 4 năm qua Hà Nội chưa có phương án phá dỡ và chưa có hồ sơ thanh toán, nên Công ty không thể quyết toán”, thông cáo nêu rõ.

Bảo Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load