(Xây dựng) - Không những mặt đường bị hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, mà còn nhiều sai phạm được phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hậu Lộc kiểm tra và phát hiện như: Chiều rộng mặt đường bê tông, lề đường và mác bê tông đều bị “rút ruột” trắng trợn, nhưng chủ đầu tư không hề hay biết.
Phát hiện thêm nhiều sai phạm tại đường giao thông nông thôn từ đường Phú Mỹ đi cầu Đông Thịnh, xã Xuân Lộc. |
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin tại bài viết: “Hậu Lộc (Thanh Hóa): Chuyện lạ, đường bê tông “biến” thành đường đá dăm láng nhựa” phản ánh về việc công trình: Đường giao thông nông thôn từ đường Phú Mỹ đi cầu Đông Thịnh, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, mặt đường đã bong tróc, nhà thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hoàng Long có địa chỉ: Khu mới, xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã “che đậy” bằng cách tưới nhựa và dải đá dăm.
Sau khi bài viết đăng tải, ngày 10/12/2019, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hậu Lộc đã phối hợp với chủ đầu tư, đại diện nhà thầu thi công kiểm tra thực địa. Qua đó, phát hiện thêm nhiều sai phạm tại công trình trên như: Chiều rộng mặt đường tại 3 vị trí đo đều là 4,3m (theo hồ sơ thiết kế được thẩm định 4,5m); đắp lề chưa đảm bảo; nghiêm trọng hơn tại một số vị trí đo cường độ bê tông chỉ đạt mác từ 200 đến 230 (trong hồ sơ thiết kết mác 250)...
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trinh Quang Minh - Chuyên viên phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hậu Lộc cho biết: “Sau khi báo phản ánh, chúng tôi đã liên hệ với xã để kiểm tra thực địa, qua kiểm tra phát hiện thêm mác bê tông, chiều rộng mặt đường, đắp lề đường đều không đảm bảo”.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc phương án xử lý những sai phạm như trên sẽ như thế nào? Ông Minh cho biết: “Những vị trí mặt đường bị rỗ nhà thầu có ý kiến xin về tính toán lại và có hai phương án. Phương án 1 là cắt và đào bỏ toàn bộ những vị trí bê tông rỗ đi và đổ lại; phương án thứ 2 là tưới láng nhựa và dải đá dăm lên mặt đường bê tông lại toàn tuyến với một lớp dày khoảng 3cm. Còn đối với thiếu chiều rộng mặt đường bê tông thì sẽ yêu cầu nhà thầu đắp lề đảm bảo và bù vào hai bên lề mỗi bên 10cm của phần bê tông bị đổ thiếu, sau này quyết toán sẽ khấu trừ phần bê tông thiếu đi”.
Như vậy, việc sai phạm tại công trình: Đường giao thông nông thôn từ đường Phú Mỹ đi cầu Đông Thịnh, xã Xuân Lộc, huyện Hâu Lộc đã rõ. Tuy nhiên, câu trả lời của đại diện phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hậu Lộc về việc xử lý những sai phạm như trên liệu đã đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật? Ngoài ra, một công trình có mức đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng chỉ bị phát hiện sau khi báo chí phản ánh điều này không khỏi đặt câu hỏi trách nhiệm của tư vấn giám sát, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ở đâu để cho nhà thầu “rút ruột” công trình? Và có hay không sự “ăn dơ” của các bên liên quan nhằm “chia chác” dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước? Những câu hỏi trên xin gửi đến các đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hóa.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin nội dung trên.
Theo Điểm b, Khoản 5, Điều 32 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thi công sai thiết kế đã được phê duyệt hoặc sai chỉ dẫn kỹ thuật. |
Trần Cường
Theo