Thứ sáu 03/01/2025 09:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hàng loạt công viên ở TP Rạch Giá bị chiếm dụng trái phép

14:42 | 09/07/2015

Hầu hết các công viên trên địa bàn TP Rạch Giá (Kiên Giang) bị chiếm dụng trái phép, thay đổi công năng thành nhà hàng, quán nhậu, quán cà-phê. Trong khi người dân thành phố thiếu nơi sinh hoạt công cộng, thì chính quyền địa phương lại e dè trong xử lý vi phạm.


Toàn bộ không gian của Công viên Trần Hưng Đạo đã bị nhiều hộ dân chiếm dụng kinh doanh nhà hàng.

Công viên thành... tư viên

Đường Tôn Đức Thắng được kỳ vọng đẹp nhất TP Rạch Giá, với quy hoạch đường rộng, vỉa hè thông thoáng, phía giáp biển là Công viên Hàng Dương, phía trong là dãy biệt thự, nhưng đã trở nên xấu xí, nhếch nhác, ô nhiễm. Hàng loạt cây dương cao lớn bị đốn hạ, nhường đất xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh hàng quán. Các cửa hàng kinh doanh đã bít lối đi bộ dọc bờ biển, đặt biển quảng cáo trên vỉa hè. Đêm xuống, cả khu vực dài gần hai km (từ đường Chi Lăng đến đến Lạc Hồng) các thể loại nhạc, mở oang oang, đinh tai nhức óc. Nhiều quán sau một thời gian kinh doanh khi "rút dù" bỏ lại như một bãi phế thải dơ bẩn, xuống cấp.

Nỗi bức xúc của người dân chưa lắng, thì cũng con đường này, công viên này (đoạn từ đường Lạc Hồng đến đường Đống Đa), mới đây một doanh nghiệp tiếp tục cho xây dựng nhà, quán, với quy mô lớn, để kinh doanh nhà hàng. Chủ doanh nghiệp còn đưa đến khu vực xây dựng sai phép những tảng đá to nặng hàng chục tấn làm biển hiệu, như một cách thể hiện chủ quyền. Có những thời điểm, toàn bộ khu vực công viên được chủ nhà hàng bày biện bàn ghế đãi khách, khu vực vỉa hè và cả lòng đường bị chiếm làm nơi giữ xe, trở nên chật chội, lắm lúc bị ách tắc.

Tại Công viên Trần Hưng Đạo, đoạn dưới chân cầu Ba Tháng Hai, bên bờ sông Kinh Nhánh cũng bị nhiều hộ dân chiếm giữ, che dù, cất lều, bày biện bàn ghế kinh doanh. Tương tự tại Công viên Nguyễn An Ninh (C22) đang tồn tại Nhà hàng Hoa Hồng. Tại công viên H21a tồn tại quán cà-phê Không Gian Xanh, với hai khung tiền chế, mỗi khung có diện tích 4m x 8m bằng vật liệu cột gạch, mái ngói. Tại khu vực các công viên này, hoạt động mua bán nhộn nhịp chiếm toàn bô mặt bằng và tồn tại khá lâu. Và hàng loạt các công viên như: D8, E19, F20, G17, F21, F22, F19, H21b, H22... cũng đang bị chiếm dụng. Vì thế, người dân lầm tưởng, đất những nơi này thuộc quyền sở hữu tư nhân...

Ai chiếm đất công viên?

Mở đầu cho phong trào biến công viên thành... cửa hàng kinh doanh là Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang. Năm 2008, doanh nghiệp này cùng lúc được chính quyền sở tại giao đầu tư khai khác hai công viên: Lạc Hồng và Hàng Dương (giai đoạn 1), với tổng diện tích 10,5 ha. Bỏ qua các thủ tục, doanh nghiệp cho xây dựng nhà hàng, quầy pha chế trên diện tích quy hoạch trồng cây xanh tại Công viên Lạc Hồng. Còn ở Công viên Hàng Dương, doanh nghiệp này cho san lấp mặt bằng, chặt đi một số cây dương để xây ki-ốt, bãi để xe, tum lều, lối đi và cho hàng chục hộ thuê đất sử dụng kinh doanh dịch vụ ăn uống, ca hát... Nhưng doanh nghiêp lại "quên" nghĩa vụ nộp hơn một tỷ đồng tiền thuê đất. Theo Phòng Quản lý đô thị TP Rạch Giá, sau khi thanh tra, kiểm tra, chính quyền địa phương đã có lệnh tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép và truy thu tiền thuê đất nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện xong, tại Công viên Hàng Dương vẫn tồn tại đến 16 ki-ốt.

Xử lý những sai phạm tại Công viên Hàng Dương giai đoạn 1 của Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang chưa dứt điểm, thì UBND thành phố Rạch Giá tiếp tục cho Công ty TNHH Năm Nhỏ đầu tư và sử dụng Công viên Hàng Dương giai đoạn 2, tiếp tục dẫn đến sai phạm. Theo quy hoạch, tổng diện tích khu đất là hơn 5.500 m2; trong đó, đất xây dựng công trình 165,5 m2 (3%), mặt nước 270 m2 (5%), đất giao thông 1.820 m2 (33%), đất cây xanh, sân bãi 3.249 m2 (59%). Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng, hoàn thành, thực tế chênh lệch rất nhiều so với quy hoạch. Mặc dù doanh nghiệp đã khắc phục tháo dỡ một số công trình, nhưng hiện trạng mật độ xây dựng vẫn vượt mức cho phép. Cụ thể diện tích xây dựng công trình là 280,32 m2 (5,08%), gồm: nhà vệ sinh, kho, phòng ăn, nhà đãi tiệc, sân khấu ngoài trời... vật liệu xây dựng tường gạch, mái ngói, cột bê-tông cốt thép. Toàn bộ diện tích cây xanh, đường giao thông, doanh nghiệp này đã và đang sử dụng khai thác kinh doanh.

Số phận của Công viên Nguyễn An Ninh còn bi đát hơn khi bị sang nhượng nhiều lần. Một trưởng phòng trực tiếp quản lý lĩnh vực này cũng không nhớ đơn vị đang đầu tư khai thác công viên này, chỉ nhớ "Công viên Nguyễn An Ninh giờ là Nhà hàng Hoa Hồng". Theo điều tra của phóng viên Báo Nhân Dân, ngày 30-1-2008, UBND thành phố Rạch Giá chấp thuận cho Công ty TNHH tư vấn xây dựng Bách Kiến đầu tư và khai thác với nội dung: Xây dựng đường nội bộ, cổng hàng rào, trồng cây xanh, thảm cỏ, tổ chức kinh doanh các công trình công cộng và công ích xã hội phục vụ cộng đồng, thời gian thực hiện 15 tháng. Nhưng trên thực tế khi xây dựng và khai thác là Công ty TNHH Nguyễn Phú Minh Tâm và quá trình thực hiện hoàn toàn không theo quy hoạch phê duyệt. Toàn bộ diện tích khu đất 5.809 m2, trong đó diện tích xây dựng lên đến 1.155 m2 (gần 20%, vượt gần 10%) và công trình kiên cố là 684,2 m2. Diện tích sử dụng khai thác kinh doanh là 100%, vượt hơn 50% quy định cho phép.

Trong số các cá nhân ngang nhiên chiếm đất tại Công viên Trần Hưng Đạo để bán quán có người nhà của cán bộ, đảng viên, có người đang là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Rạch Giá, cho nên chính quyền TP Rạch Giá còn e dè trong xử lý. Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Rạch Giá Dương Hồng Tuấn cho biết, Đội trật tự đô thị thành phố đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với việc sử dụng đất tại Công viên Trần Hưng Đạo, nhưng không xử lý được. Hiện, vốn đầu tư xây dựng công viên đã có nhưng không thể triển khai xây dựng do vướng các hộ này.

Nơi thì dẹp, chỗ thì chừa

Ngày 23-3-2015, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có Thông báo số 154, ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Huỳnh tại buổi làm việc nghe báo cáo kết quả kiểm tra xây dựng theo quy hoạch đối với các công viên tại khu lấn biển TP Rạch Giá. Theo thông báo này, Công viên Hàng Dương giai đoạn 1, giao UBND thành phố Rạch Giá tổ chức xử lý dứt điểm và quản lý để triển khai đầu tư công viên theo quy hoạch, hoàn thành trong tháng 4-2015, nhưng để lại hai khu nhà làm trụ sở văn phòng. Đối với khu đất cho Công ty TNHH Năm Nhỏ làm chủ đầu tư (Công viên Hàng Dương, giai đoạn 2), đồng ý cho tồn tại 5 năm (2015-2020), nhưng phải tháo dỡ toàn bộ các công trình không phù hợp, bàn giao cho TP Rạch Giá quản lý và thực hiện chức năng công viên phục vụ cộng đồng. Đối với Công viên Nguyễn An Ninh (C22), cho tồn tại trong ba năm (2015-2018), nhưng phải tháo dỡ toàn bộ các công trình không phù hợp quy hoạch. Sau ba năm, nếu doanh nghiệp chưa thu hồi được vốn thì nghiên cứu thực hiện chức năng hoa viên, cây cảnh. Theo quan sát của chúng tôi đến đầu tháng 7, các công trình xây dựng trái phép tại Công viên Hàng Dương (giai đoạn 1 và 2) và Công viên Nguyễn An Ninh vẫn tồn tại nguyên trạng, chưa có dấu hiệu tháo dỡ, vì kết luận chỉ riêng Công viên Bãi Dương (giai đoạn 1) có mốc thời gian tháng 4-2015, các công viên khác thì không có thời gian cụ thể, được giữ nguyên hiện trạng đến ngày 31-12-2015.

Cá biệt, tại Công viên Trần Hưng Đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thành phố Rạch Giá chỉ đạo các đơn vị tư vấn sớm hoàn chỉnh quy hoạch, trình thông qua và tổ chức công bố quy hoạch trong tháng 6-2015, nhưng lại không đả động gì đến việc xử lý các hộ vi phạm, hay quy định thời gian tháo dỡ các công trình che cất trái phép. Với cách giải quyết thiếu nhất quán nêu trên, không biết đến bao giờ Công viên Tôn Đức Thắng nói riêng và các công viên trên địa bàn TP Rạch Giá nói chung mới phục hồi được công năng?

Nguồn: Báo Nhân Dân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load