(Xây dựng) - Dự án công trình đường giao thông liên xã Cẩm Phúc - Cẩm Nam do UBND huyện Cẩm Xuyên làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu và thi công là Công ty TNHH Như Nam, có trụ sở tại TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Tuy mới thi công nhưng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất thường trong quy trình thi công, cũng như loại vật liệu sử dụng thi công làm dấy lên những lo ngại về chất lượng công trình.
Nhiều đoạn của công trình, đất phong hóa của nền đường cũ, đất đá vật liệu mới lẫn lộn với cỏ dại, không thể phân biệt đâu là phần của công trình đang thi công.
Thi công không theo thiết kế
Ngày 7/7/2015, phóng viên Báo Xây dựng có mặt tại hiện trường để tìm hiểu theo những nội dung mà người dân phản ánh. Cụ thể, đây là tuyến đường quan trọng nối liền xã Cẩm Phúc và xã Cẩm Nam, có nhiều đoạn đi qua khu dân cư, giao cắt với các tuyến đường dân sinh, có lưu lượng người và phương tiện qua lại lớn.
Theo quan sát và ghi nhận thực tế, tại hiện trường, nhà thầu thực hiện một cách sơ sài và có dấu hiệu “phớt lờ”việc cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân. Tại thời điểm phóng viên có mặt, trên toàn tuyến không có biển cảnh báo công trường đang thi công, biển cảnh báo hạn chế tốc độ, cọc tiêu, rào chắn công trình thi công, mặc dù trong dự toán gói thầu có hạng mục sản xuất, lắp đặt các loại cột đỡ và biển báo với kinh phí hàng chục triệu đồng.
Theo quy định: “Trong công trình thi công, tại những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố ga phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn, ban đêm phải có đèn tín hiệu” đã không được nhà thầu thực hiện. Nhiều đoạn nhà thầu thi công cống nhưng không có rào chắn, cảnh báo. Vì thế có thể gây nguy hiểm bất kỳ lúc nào cho người dân và phương tiện. Ngoài ra, cũng theo người dân thì dù là môt công trình lớn thế nhưng biển công trình ghi các thông tin như: chủ đầu tư, đơn vị giám sát, đơn vị thi công cũng không được nhà thầu thực hiện.
Đặc biệt, người dân đang đặt dấu hỏi có hay không việc nhà thầu sử dụng không đúng loại nguyên vật liệu tiêu chuẩn như trong thiết kế, đặc biệt loại đất dùng để đắp nền đường. Đất được nhà thầu sử dụng đa số là loại đá Bazan phong hóa, đá tảng lẫn lộn được lấy từ khắp nơi xung quanh khu vực các xã lân cận, không theo nguyên tắc thiết kế là loại đất đắp nền phải lấy từ mỏ đất đã được cấp phép đạt tiêu chuẩn K95. Với những loại “đá trơ” trộn lẫn như thế, liệu rằng công trình có đảm bảo chất lượng?
Theo lời của người dân thì “Quá trình bóc phong hóa nền đường được nhà thầu Như Nam thực hiện một cách sơ sài, phần bóc phong hóa được bóc theo kiểu “bóc cho có”. Tại công trường, PV nhận thấy nhiều nơi đất phong hóa của nền đường cũ, đất đá vật liệu mới lẫn lộn với cỏ dại, không thể phân biệt đâu là phần của công trình đang thi công.
Giám sát bằng kinh nghiệm
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Cẩm Nam, Tổ trưởng tổ giám sát cộng đồng (đoạn thuộc địa phận xã Cẩm Nam) cho biết: “Theo quyết định thì tổ giám sát cộng đồng của xã gồm ba người, tôi cùng với hai thành viên khác rất chú ý đến việc thi công của nhà thầu. Do là những người không có chuyên môn về xây dựng, nên việc giám sát của chúng tôi cũng hạn chế. Tuy nhiên trong quá trình thi công có nhiều ý kiến của người dân trong xã đã phản ánh đến tổ giám sát của chúng tôi. Những ý kiến của người dân sau khi phản ánh chúng tôi đều xem xét, thực hiện nhiệm vụ của mình. Có những đoạn chúng tôi phải yêu cầu nhà thầu “bù đi bù lại” làm đến ba lần mới đảm bảo yêu cầu…”.
Trước ý kiến cho rằng nhà thầu quá sơ sài trong quy trình bóc lớp phong hóa, bà Hải cho biết: “Về vấn đề này thì chúng tôi cũng không nắm rõ lắm, nhưng có lúc chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công, đến khi nhân dân đồng tình thì để nhà thầu thi công lại…”.
Dù rằng với những giám sát cộng đồng không có chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng, giao thông nhưng họ có kinh nghiệm thực tế nhưng chỉ bằng mắt thường họ cũng đã phát hiện được những dấu hiệu sai sót của nhà thầu trong quá trình thi công công trình.
Thực tế, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một công trình bộc lộ các sai phạm như: Nguyên tắc an toàn thi công bằng không; quy trình thi công quá ẩu; nguyên vật liệu dùng để thi công không đúng theo yêu cầu là có thật; không có nhà lán trại phục vụ thi công và phục vụ quản lý hoạt động tại công trường; giám sát không có mặt tại công trường trong khi công nhân đang thi công phần cống…
Với tất cả những vấn đề bộc lộ, có dấu hiệu sai phạm của một công trình vừa mới bắt đầu thi công mà toàn bộ kinh phí thi công là tiền thuế của nhân dân đóng góp cho ngân sách nhà nước. Rất mong các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh sớm vào cuộc, kịp thời xử lý và chấn chỉnh để không lãng phí thêm một đồng nào nữa tiền thuế của nhân dân.
Sau đây là hình ảnh PV ghi lại tại công trình:
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc những nội dung trong bài tiếp theo.
Tuyết Mây - Phi Long
Theo