(Xây dựng) - Báo điện tử Xây dựng đã có bài “Hà Tĩnh: Dự án hơn trăm tỷ đang gấp rút hoàn thiện khi chưa có phê duyệt điều chỉnh dự toán” phản ánh về việc sai phạm trong hoạt động xây dựng tại Dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Trụ Sở làm việc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đang hoàn thiện khi chưa có phê duyệt điều chỉnh dự toán. |
Làm việc với ông Hà Văn Trà - Giám đốc và một số cán bộ chuyên môn Ban Quản lý dự án khẳng định, việc ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và chưa có Quyết định điều chỉnh kinh phí là đúng quy định pháp luật về xây dựng. Để rộng đường dư luận, Báo điện tử Xây dựng tiếp tục thông tin đến bạn đọc các nội dung liên quan đến vấn đề này.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh sau hơn 2 năm thực hiện kiện toàn, sáp nhập tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban Quản lý dự án chuyên ngành, nhưng đến nay vẫn chưa hình dung ra quy định chức năng, nhiệm vụ và quy trình thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2015/QH13; Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/04/2017 về quản lý dự án đầu tư; Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 15/9/2018 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư; Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và pháp luật liên quan về xây dựng.
Chủ đầu tư chỉ đạo thi công công trình khi chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý. |
Sau khi xem xét các quy định hiện hành, chúng tôi tự hỏi việc chủ đầu tư khẳng định việc cho tiếp tục thi công hoàn thiện công trình khi chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh kinh phí của UBND tỉnh đúng quy định là chủ đầu tư cố tình lấp liếm sai phạm hay không hiểu các quy định hướng dẫn bởi pháp luật quy định rất rõ?
Theo quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư đối với Ban Quản lý dự án chuyên ngành thuộc UBND tỉnh phải đáp ứng điều kiện năng lực Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định tại Điều 64, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 và Khoản 2, Điều 57 của Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 15/9/2018 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư. Như vậy việc UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư là không sai nhưng hiện tại Ban Quản lý dự án đang tự tổ chức thực hiện quản lý dự án liệu có đủ điều kiện năng lực để thực hiện không? Hay phải thực hiện ủy thác cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng – Công nghiệp thực hiện là cả một vấn đề cần xem xét chứ không phải như lời Giám đốc Ban Quản lý dự án và các cán bộ chuyên môn của Ban khẳng định là đúng quy định.
Mặt khác, theo Văn bản số 5588/UBND-XD về việc điều chỉnh dự án trụ sở làm việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu Ban Quản lý dự án “Kiểm tra cụ thể năng lực của đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong việc đáp ứng yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký”; Văn bản số 1671/SKHĐT-TĐGSĐT ngày 02/7/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc tổ chức, triển khai thực hiện.
Tại Mục 2 của văn bản này có ghi “Để tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của hợp đồng đã ký có thể thực hiện theo 02 phương án: Phương án một, hình thành gói thầu mới để tổ chức lựa chọn nhà thầu trên cơ sở thống nhất và quyết toán khối lượng hoàn thành với đơn vị thi công đã thực hiện trước đó. Phương án hai, cho phép kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng để tiếp tục thi công hoàn thành khối lượng công việc còn lại.
Tại Mục 3 về sự cần thiết và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các hạng mục còn lại thì đã xác định giá trị dự toán cụ thể từng hạng mục. Tại Mục 4.2 Ban Quản lý dự án “Căn cứ nguồn vốn được bố trí để tổ chức triển khai thực hiện các hạng mục còn lại theo thứ tự ưu tiên xác định tại Mục 3, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”.
Văn bản cũng nêu rõ: “Trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư” và “tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”. Việc chưa có quyết định điều chỉnh kinh phí mà chủ đầu tư vẫn khẳng định hợp đồng điều chỉnh sau là hoàn toàn khó chấp nhận. Nếu tiếp tục phát sinh dự toán, tiếp tục nợ đọng xây dựng cơ bản khi công trình đang hoàn thiện mà chưa có phê duyệt quyết định điều chỉnh kinh phí của UBND tỉnh thì chủ đầu tư có gánh nổi trách nhiệm? Chưa nói đến việc có thể hợp đồng điều chỉnh sau vượt giá gói thầu được duyệt gấp nhiều lần thì sao?
Như vậy, theo các quy định trên thì việc chủ đầu tư khẳng định thực hiện đúng quy định là không nắm rõ chủ trương của cấp có thẩm quyền và của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, liệu rằng chủ đầu tư có dám khẳng định rằng thực hiện đúng theo Khoản 3, Điều 36 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng hay không?
Việc Ban Quản lý dự án thực hiện một dự án không đúng chuyên ngành ai dám khẳng định chất lượng đảm bảo? Những bất cập hệ lụy trong việc thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng chưa đảm bảo các thủ tục pháp lý, chứng chỉ năng lực hoạt động của Ban Quản lý dự án sau 2 năm thành lập vẫn chưa có…? Liệu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh có đủ điều kiện để làm chủ đầu tư các công trình đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật Xây dựng?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.
Tuyết Mây
Theo