(Xây dựng) - Cầu vượt bộ hành được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn khi di chuyển cho người đi bộ, tránh ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay đó là sự xuống cấp của những cầu vượt bộ hành tại những tuyến phố trọng điểm.
Cầu vượt bộ hành là công trình nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông. |
Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay, có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn, và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học. Những cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ được xây dựng nhằm giúp cải thiện ùn tắc giao thông giờ cao điểm, đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi qua đường và người tham gia giao thông.
Là một sinh viên đang theo học tại trường Đại học Công đoàn, bạn Ngân chia sẻ: “Em thường xuyên sử dụng cầu vượt đi bộ để qua đường. Em thấy khi mà đi qua cầu vượt rất thuận tiện, nhanh chóng và không tắc đường vào giờ cao điểm”.
Bạn Quỳnh Trang (sinh viên Học viện Ngân hàng) bày tỏ: “Cầu vượt đi bộ luôn là sự lựa chọn của em mỗi khi qua đường. Thứ nhất, khi sử dụng cầu vượt sẽ giúp chúng ta có thể tránh nắng, tránh mưa. Thứ hai, là vào những giờ cao điểm, mật độ lưu thông của các phương tiện rất lớn, thay vì mình đừng chờ để sang đường thì việc di chuyển bằng cầu vượt đi bộ sẽ nhanh và an toàn hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, do được xây dựng và đi hoạt động từ rất lâu, nên hiện nay, một số cầu vượt bộ hành tại những tuyến phố trọng điểm đang bị xuống cấp gây nguy hại cho người tham gia. Người dân gần đấy cho biết, tình trạng những cầu vượt xuống cấp đã làm mất đi thẩm mỹ của cây cầu, gây nguy hiểm cho người tham gia đặc biệt là người già và trẻ em. Họ sẽ rất khó chú ý, có thể sẽ bị trượt chân hoặc vấp ngã.
Tình trạng cầu vượt đi bộ bị bong tróc những lớp bê tông gây nguy hiểm cho người tham gia nhất là người già và trẻ nhỏ. |
Theo như ghi nhận, một số cầu vượt bộ hành đang có tình trạng xuống cấp như tại cầu vượt Đại học Công Đoàn, cầu vượt Tây Sơn (gần Đại học Thủy Lợi), cầu vượt gần hồ Ngọc Khánh (Ba Đình),...
Vào những ngày mưa, ngay từ lối lên cầu, rác trải từng bậc, nước đọng thành vũng như muốn chắn lối người lên. Qua nhiều năm chịu mưa chịu nắng, từ bậc thang lên đến trên cầu đã có các vệt ố vàng, bong tróc.
Những bậc thang vẫn còn đọng nước sau những ngày mưa. |
Bậc thang di chuyển lên cầu vượt bị bong tróc khiến việc di chuyển khó khăn. |
Nhiều vị trí như thành cầu xuất hiện những vết rạn, tróc sơn, lộ phần hoen gỉ bên trong. Dưới sàn, là hiện tượng bong tróc những lớp bê tông, hay bị hoen gỉ bề mặt. Chỉ cần đi mạnh là cây cầu bắt đầu kêu và có thể cảm thấy sự rung lắc nhẹ.
Bên trong cầu vượt đường đi cũng xuất hiện những vết bong lớp bê tông lớn bé làm mất thẩm mỹ của cầu. |
Những thanh sắt dưới các trụ bị mòn gây mất an toàn. |
Dưới sàn của một số cầu vượt đi bộ lộ ra những vết hoen gỉ do mưa nắng. |
Tại chân của một số cầu vượt đi bộ là nơi tập kết của những xe chở rác. |
Tại cầu vượt đi bộ Tây Sơn (gần Đại học Thủy Lợi), những tấm sắt ở dưới sàn bị bung lên, khi di chuyển nhiều và mạnh bắt đầu kêu và tạo sự rung lắc nhẹ. |
Có thể nói, một phần là do sự xuống cấp đáng báo động của những cây cầu vượt đi bộ, mặt khác ý thức của một bộ phận dân cư chưa nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn khi tắt ngang qua đường, nên những hệ thống cầu vượt bộ hành chưa phát huy hết công dụng. Vì vậy, hy vọng trong thời gian tới, những công trình cầu vượt dành cho người đi bộ sẽ được kiểm tra và tu sửa lại để người dân có thể an tâm sử dụng và giảm thiểu được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trần Thị Thu Hiền
Sinh viên thực tập
Theo