(Xây dựng) – Sáng 13/11, đại diện Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có buổi làm việc với một số cơ quan báo chí để thông tin về tình hình đầu tư, quản lý đường gom cao tốc Bắc Giang.
Hình ảnh xe quá tải đi vào đường gom do chủ đầu tư ghi lại. |
Thay đổi thiết kế, tăng tải trọng nhưng vẫn bất lực
Đại diện Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, ông Đặng Tiến Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty trình bày: Đây là dự án do UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất thực hiện. Toàn bộ kinh phí thực hiện tuyến đường ước tính khoảng 70 tỷ đồng do chủ đầu tư tự túc. Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 nông thôn với khả năng chịu tải trọng khoảng 16 - 17 tấn. Ngay khu vực đầu vào đường gom cũng đã được đặt một tấm biển cấm tải trọng trên 16 tấn. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải thường xuyên đi lại qua tuyến đường này khiến cho con đường bị “cày” nát một cách không thương xót. Theo trích xuất từ các camera đặt tại Ban quản lý dự án ở khu vực gần điểm thu phí đường bộ đoạn đầu Bắc Giang đã cho thấy, nhiều xe vận tải 3 - 4 “chân” với tải trọng khoảng 40 - 50 tấn thường xuyên xuất hiện trên tuyến đường này. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều đoạn đường bị cày xới nghiêm trọng như các cơ quan báo chí đã thông tin.
Tuy nhiên, với việc các đoạn đường xuống cấp, xếp hình “sống trâu” tại một số điểm cục bộ, dư luận không khỏi băn khoăn liệu có tình trạng thi công kém chất lượng của đơn vị chủ đầu tư? Một số hộ dân và đại diện chính quyền địa phương cũng cho rằng đơn vị thi công ẩu mới dẫn đến tình trạng trên? Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đặng Tiến Thắng cho rằng, đơn vị đã thi công theo đúng thiết kế. Thậm chí, đơn vị đã xin phép và được sự thống nhất của chính quyền địa phương thay đổi phương án thiết kế ban đầu, tăng độ dày của các lớp kết cấu để tăng khả năng chịu lực của con đường như tăng gấp đôi độ dày của lớp đá răm và lớp bê tông nhựa. Song với sự “tra tấn” liên tục của các xe quá tải thì nhiều đoạn xung yếu đã không thể chống đỡ được.
Bó tay trước xe quá tải
Về việc hạn chế các xe quá tải đi vào đường gom, ông Thắng lắc đầu chán nản: Hiện nay, đơn vị không có cách nào để ngăn chặn các xe này đi qua đường gom. Thậm chí, ngay cả khi đang thi công, các xe này vẫn ngang nhiên đi vào công trường mà đơn vị thi công và chủ đầu tư không thể làm gì vì không có quyền hạn và chức năng trong việc xử lý các xe vi phạm như thế này. Đơn vị đã xây dựng các các rào chắn, barie, các trụ bê tông để ngăn chặn nhưng bất thành. Nhiều xe ôtô quá tải đã ngang nhiên xuống tháo bỏ rào chắn, thậm chí lao đổ các barie để đi qua.
Để tìm cách ngăn chặn, không còn cách nào khác, chủ đầu tư phải thông báo và tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền và lực lượng công an tại địa phương.
Theo đại diện chủ đầu tư thì nguyên nhân đường gom xuống cấp là do xe quá tải thường xuyên đi lại. |
Tuy nhiên, theo ông Thắng, đây cũng là vấn đề rất khó khăn. Công ty đã nhiều lần phản ánh tình trạng này và đề nghị sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và công an tỉnh Bắc Giang. Lần gần đây nhất là vào ngày 29/9/2020, đơn vị đã phải gửi Công văn số 262/CV-BQLDA đề nghị công an tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lạng Giang và công an huyện Lạng Giang hỗ trợ kiểm soát xử lý xe chở đất, đá đi vào công trường thi công tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn không hề được cải thiện.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, công trình đường gom cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã đủ điều kiện để bàn giao cho chính quyền địa phương. “Chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang tiếp nhận công trình để quản lý và phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương và đang chờ ý kiến của tỉnh Bắc Giang về vấn đề này”, ông Thắng nói.
Chương Huyền - Thân Nam
Theo