(Xây dựng) - Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (Trạm bơm Yên Nghĩa), sau thời gian triển khai đã kéo theo hàng loạt những hệ lụy: hạ tầng xuống cấp, nhà cửa lún nứt... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và đời sống người dân. Trước nhiều bất cập, dự án cũng khó đảm bảo được tiến độ là đi vào sử dụng trước mùa mưa năm 2018.
Việc xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tiêu úng chống ngập của người dân khu vực phía Tây Hà Nội.
Thi công gây lún nứt nhưng “không thể đền bù”
Theo phản ánh của một số người dân sống tại tổ 13, phố Yên Lộ, phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), việc thi công Dự án Trạm bơm Yên Nghĩa đã khiến cho hạ tầng, nhà cửa các hộ dân bị rung chấn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Những chấn động do khoan cọc nhồi ngày đêm khiến cho các hộ dân nơi đây ăn, ngủ không yên.
Dự án xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa - một trong 52 công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 - 2020.
Để hiểu rõ hơn về những bức xúc của người dân, thực tế tại hiện trường, Phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận thấy, những phản ánh nêu trên là hoàn toàn có cơ sở. Quan sát tại khu vực nhà bà Nguyễn Thị Hiền sống tại tổ 13, phố Yên Lộ, phường Yên Nghĩa (Hà Đông) cho thấy, hàng loạt những vết nứt dọc ngang xuất hiện xung quanh căn nhà.
Bà Hiền cho biết: “Từ ngày xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa, nhà tôi đã bị lún nứt rất nhiều, nằm giường mà cảm giác như đang động đất, không thể ngủ được. Nhiều đồ vật trong nhà cũng bị rung chuyển mỗi khi có máy móc hay công trình được thi công. Nếu đơn vị thi công không có các biện pháp, thì sớm muộn gì, nhà cũng có ngày sập đổ”.
Hàng loạt vết nứt dọc ngang ở các hạng mục quanh ngôi nhà của các hộ dân.
Bà Hiền cũng cho biết: “Việc thi công trạm bơm khiến cư dân cả dãy phố ven dự án phải khổ sở. Nhiều gia đình nhà cửa “nứt toác” từ trần nhà cho đến phòng ngủ, bếp ăn... Chỉ sợ sau này, trần tường bất ngờ lở xuống thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu đến UBND phường, quận Hà Đông nhưng họ chỉ dừng lại ở bước kiểm tra hiện trạng mà chưa có bất kỳ động thái nào chia sẻ với chúng tôi”.
Bà Ngô Thị Kiên, hàng xóm với bà Hiền cũng than thở: “Chúng tôi lo lắng vì nhà bị nứt, vỡ ở rất nhiều nơi, từ sân, tường, vách cho đến bể nước. Nhiều khi sợ nhà sập, chúng tôi phải chạy ra khỏi nhà để bảo toàn tính mạng”.
Để rộng đường dư luận, sáng 14/5/2018, Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đình Huệ - Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa. Tại buổi làm việc ông Huệ cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của các hộ dân tại tổ 13 về việc thi công trạm bơm Yên Nghĩa gây ảnh hưởng đến hạ tầng và các hạng mục của nhà dân. Phía UBND phường đã có trao đổi với Chủ đầu tư về việc thống nhất trách nhiệm và trách nhiệm của phường đến đâu sẽ xử lý đến đó. Chủ đầu tư cũng đã thuê một đơn vị bảo hiểm độc lập xây dựng kế hoạch, kiểm tra, khảo sát hiện trạng các hộ dân bị lún nứt nhà cửa”.
Ông Nguyễn Đình Huệ - Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Cụ thể, ngày 11/4/2018 UBND phường Yên Nghĩa có văn bản số 90/UBND – ĐCXD gửi chủ đầu tư (đại diện là Ban Duy tu các công trình NN và PTNT thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội – gọi tắt là Ban Duy tu) về việc giải quyết đơn thư của một số hộ dân tổ dân số 13 liên quan đến việc thi công ép cọc của dự án Trạm bơm Yên Nghĩa. Văn bản nêu rõ: “Ngày 03/01/2018, UBND phường Yên Nghĩa có văn bản số 02/UBND-VP gửi Ban Duy tu về việc đề nghị có biện pháp thi công đảm bảo an toàn việc ép cọc Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa với nội dung: “Đề nghị đơn vị cho kiểm tra và có biện pháp khắc phục và trả lời người dân theo quy định. Nhưng đến nay, UBND phường vẫn chưa nhận được kết quả thực hiện của Ban Duy tu”.
Tuy nhiên, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đinh Công Sơn - Giám đốc Ban Duy tu các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại khẳng định: “Ban Duy tu chưa nhận được văn bản từ phía UBND phường Yên Nghĩa về việc giải quyết đơn thư của một số hộ dân tổ dân số 13 liên quan đến việc thi công ép cọc của dự án Trạm bơm Yên Nghĩa”.
Khi được hỏi về vấn đề bồi thường thiệt hại cho những hộ dân bị nứt nhà cửa do quá trình triển khai dự án gây ra. Ông Sơn viện dẫn: “Trách nhiệm thuộc về đơn vị bảo hiểm công trình, bởi khi chưa thi công xong dự án thì chưa thể bồi thường cho từng hộ dân được”.
Ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn viện dẫn cho những quan điểm của mình.
“Khó” đảm bảo tiến độ
Dự án xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa là một trong 52 công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, nhằm tiêu úng cho diện tích rộng 6.300 ha của huyện Hoài Đức, các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (trong đó có khu vực Mỹ Đình và một phần Đại lộ Thăng Long). Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.400 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ năm 2015 nhưng quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng.
Nhắc nhở về tiến độ dự án, trong chuyến kiểm tra thực địa một số điểm đê kè trên địa bàn TP vào đầu năm 2017, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo trước mùa mưa năm 2018, Trạm bơm Yên Nghĩa phải đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trước nhiều vướng mắc khiến công tác thi công bị cầm chừng như hiện nay thì rất có thể, Trạm bơm Yên Nghĩa sẽ khó đảm bảo đúng tiến độ.
Việc xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tiêu úng chống ngập, bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống người dân khu vực phía Tây TP. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chủ đầu tư, các nhà thầu coi thường tính mạng, không có động thái chia sẻ những khó khăn này với các hộ dân. Những rung chấn nghiêm trọng trong quá trình thi công, nếu không có biện pháp kịp thời, rất có thể sẽ gây những hậu quả đáng tiếc.
Đề nghị UBND Quận Hà Đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các đơn vị có liên quan nhanh chóng có phương án xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Việt Khoa
Theo