Thứ năm 07/11/2024 04:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Dự án Khu dân cư xã Điềm Thụy (Thái Nguyên): Có hay không lợi ích nhóm và dấu hiệu tham nhũng?

11:42 | 05/03/2018

(Xây dựng) - Đó là Dự án Khu dân cư tại xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, nằm ở góc vuông giao cắt giữa đường Quốc lộ 37 và tỉnh lộ 266 có tổng diện tích 15ha, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng và thời gian thực hiện là 4 năm. Dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 2192/QĐ-UBND ngày 28/8/2015 về chấp thuận chủ trương đầu tư do Cty TNHH Tập đoàn Minh Đức là Chủ đầu tư.


Phần đất Dự án (cỏ xanh) dân đang khiếu kiện, phía xa là khu vực đã được Chủ đầu tư đổ đất san nền.

Đến nay, đã gần 3 năm trôi qua, tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì hiện nay công việc mới đang đổ đất san nền ở những chỗ đã đền bù cho dân, chỗ còn lại (gồm 8 hộ dân với gần 2.000m2 đất) thì vẫn chưa làm được vì dân khiếu kiện, không cho chủ đầu tư thi công.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, về chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên và UBND huyện Phú Bình xây dựng Dự án này là điều bình thường nhằm quy hoạch và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập làm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân (đối tượng bị thu hồi đất), khiến dân bức xúc có đơn khiếu nại.

Đương nhiên, dù là dân, chính quyền các cấp hay chủ dự án, chúng ta cũng đều phải làm việc tuân thủ theo pháp luật. Tại khoản 3 điều 74 (Luật Đất đai năm 2013) ghi rõ: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật, vậy mà UBND xã Điềm Thuỵ và Ban giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình  (những cơ quan phải tiếp xúc trực tiếp với dân về Dự án) đã không làm đúng các quy định trên.

Theo phản ánh của bà con, khi bắt đầu triển khai Dự án, UBND xã Điềm Thuỵ gửi thư mời các hộ dân lên xã họp, tại cuộc họp này, các hộ dân không đồng ý phương án thu hồi đất. Đáng lẽ ra, sau đó UBND xã và Ban giải phóng mặt bằng huyện phải tiếp tục tổ chức tuyên truyền vận động, giải thích, đối thoại công khai với dân để dân hiểu thêm, nhưng các cơ quan này lại không làm như vậy, mà cho gọi lẻ tẻ mỗi lần 1, 2 người lên gặp theo kiểu “chia nhỏ - phân hoá để dễ nói chuyện”.

Tuy vậy, các hộ dân vẫn không nghe, tiếp tục đòi quyền lợi của mình. Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/12/2017, bà Dương Thị Điềm - một hộ dân khiếu nại nêu rõ: “Ngày 5/11/2017 ông Dương Đại Đồng - Phó Ban giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình de doạ tôi: “Nếu không ký vào giấy tờ bàn giao mặt bằng sẽ bắt nhốt”. Sợ quá, tôi đã ký liều vào một số giấy tờ mà bà không biết có nội dung gì”. Nếu phát ngôn của ông Dương Đại Đồng là đúng như vậy thì rõ ràng là vi phạm luật tiếp công dân. Cũng trong một buổi khác tiếp các hộ dân, ngày 22/12/2017, ông Dương Văn Soát - Chủ tịch UBND xã Điềm Thuỵ chủ trì đã nói: Không cho phép ông Nguyễn Văn Thịnh (một hộ dân khiếu kiện) ghi âm cuộc toạ đàm, nếu ông Thịnh không nghe thì cho người đuổi ra ngoài cuộc họp. Đó là những ví dụ, do dân phản ánh, còn khi chúng tôi liên lạc với ông Dương Văn Soát - Chủ tịch UBND xã Điềm Thuỵ thì ông cho biết: “Chúng tôi đã làm đúng theo quy định pháp luật, còn các hộ dân do quyền lợi cá nhân nên họ không đồng ý, việc đó ai cấm được người ta”. Rõ ràng là không khí giữa người dân và chính quyền ở đây chưa thể nói là thông thoáng được!

Ở một diễn biến khác, ngày 26/2/2018 UBND tỉnh Thái Nguyên có tổ chức cuộc tiếp công dân theo nội dung đơn của các công dân xã Điềm Thuỵ khiếu nại về đất đai thuộc Dự án trên. Thành phần cuộc họp này gồm có: Ban dân vận Tỉnh uỷ, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên môi trường, Sở xây dựng, UBND huyện Phú Bình, và 5 công dân đại diện khiếu kiện ở xã Điềm Thụy, có cả báo Thái Nguyên và Truyền hình Thái Nguyên dự đưa tin. Khi chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo với mong muốn tìm hiểu thông tin khách quan nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, tố cáo (theo đúng quy định của Luật báo chí) thì đồng chí Nguyễn Thị Phương (Phó Ban tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên) trả lời: “Các anh không thuộc thành phần mời, nếu các anh muốn thì phải đăng ký trước”.

Theo giải thích của đồng chí Lã Quốc Hương (Trưởng phòng Tổng hợp hành chính – Ban tiếp công dân Tỉnh) trực ban thì chủ trì cuộc tiếp công dân là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc. Ngay sau đó, phóng viên gọi điện thoại trực tiếp cho đồng chí Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên và được đồng chí cho biết: “Tôi đang đi dự Lễ hội Chè, cuộc họp hôm nay ủy quyền cho Thanh tra tỉnh và hẹn phóng viên sẽ có cuộc gặp khác”.

Sau đó, các hộ dân đã mô tả lại nội dung cuộc họp như sau: Chủ trì cuộc tiếp dân do ông Cao Minh Luận - Phó Chánh thanh tra tỉnh Thái Nguyên. Ông Luận có thái độ khách quan rõ ràng và đúng theo quy định tiếp dân. Ông Nguyễn Bá Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình phát biểu trình bày nội dung phần đất của các hộ dân khiếu kiện sẽ làm công viên, trồng hoa, cây cảnh... Ông Luận gạt đi: “Anh không phải trình bày cái đó, cái chính là dân đang thắc mắc, anh có chấp nhận ý kiến của dân để về báo cáo với đồng chí Chủ tịch tỉnh không?”.

Ông Chính nói: “Tôi sẽ tiếp thu”. Đại biểu Sở Tài nguyên Môi trường nói: “Đất các hộ dân ở dự án này là làm đúng pháp luật. Các hộ dân không đồng ý, cho rằng, không đúng pháp luật và viện dẫn Luật đất đai 2013: Nghiêm cấm việc mở khu dân cư trên đất nông nghiệp...”. Phóng viên gọi điện thoại trực tiếp gặp đồng chí Cao Minh Luận - Phó Chánh thanh tra tỉnh Thái Nguyên và được đồng chí cho biết: “Sau cuộc họp này chúng tôi sẽ gửi các đơn vị, ngành liên quan rà soát lại tất cả các nội dung hôm nay, có cả chủ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện và các vấn đề khác mà công dân có ý kiến để tổng hợp báo cáo Chủ tịch tỉnh trước ngày 10/3/2018”.


Các hộ dân khiếu kiện đang phản ánh sự việc với nhà báo.

Như vậy là, cuộc khiếu kiện đất đai của 8 hộ dân ở xã Điềm Thuỵ (gồm ông Nguyễn Văn Thực (62 tuổi) là Cựu chiến binh có 317m2, bà Dương Thị Ngân (59 tuổi) có 450m2, ông Nguyễn Văn Thính (45 tuổi) có 195m2, bà Hà Thị Hồi (55 tuổi) có 557m2, bà Dương Thị Thái (53 tuổi) có 575m2, bà Dương Thị Điềm (66 tuổi) có 1.300m2, bà Nguyễn Thị San (77 tuổi) có 288m2 đất thổ cư, và ông Dương Văn Ngọc (63 tuổi) có 800m2) đến thời điểm này (đầu tháng 3/2018) vẫn còn đang khắc khoải nằm chờ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên sau báo cáo của thanh tra tỉnh trước ngày 10/3/2018 như tinh thần Chánh Thanh tra tỉnh thông báo.

Có một điều lạ là, khi phóng viên gặp ông Nguyễn Đức Việt - Giám đốc Dự án (đại diện cho Tập đoàn Minh Phúc) ông Việt đã trao đổi rõ ràng và có những ý khác với các văn bản của Dự án.

Phóng viên: Ông có thể cho biết tiến độ của Dự án?

Ông Nguyễn Đức Việt – Giám đốc Dự án: Chúng tôi đã hoàn thành 60%, hiện chỉ còn một số hộ cạnh Quốc lộ 37 là chưa bàn giao đất, cái này thuộc về UBND xã và Ban Giải phóng mặt bằng huyện.

Phóng viên: Vốn của Dự án lấy từ đâu?

Ông Nguyễn Đức Việt – Giám đốc Dự án: Vốn của doanh nghiệp, sau khi đầu tư hạ tầng xong, chúng tôi sẽ bán đất thương mại để thu hồi vốn (điều này khác với ý kiến của ông Dương Văn Soát - Chủ tịch UBND xã Điềm Thuỵ nói là: Vốn của Nhà nước và khác với QĐ số 2192/QĐ-UBND ngày 28/8/2015 của UBND tinh Thái nguyên nói doanh nghiệp chỉ có 20% vốn đầu tư).

Phóng viên: Quan hệ pháp lý giữa Tập đoàn Minh Phú với huyện Phú Bình là thế nào?

Ông Nguyễn Đức Việt – Giám đốc Dự án: Chúng tôi ký hợp đồng với Ban giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình.

Phóng viên: Hồi cuối năm 2017 có một vụ xô xát giữa các hộ dân với chủ đầu tư khi tổ chức đổ đất san lấp mặt bằng có gây thương tích, ông có thể cho biết cụ thể việc này?

Ông Nguyễn Đức Việt – Giám đốc Dự án: Lúc ấy, một bà quản lý xe vận chuyển đất san nền đang điều hành thì có một người dân đến can ngăn đổ đất. Sự việc lời qua tiếng lại rồi to tiếng với nhau và xảy ra xô xát, chính quyền xã phải cho người xuống giải hoà. Phía Cty có cán bộ giám sát, thấy rằng, dân tát bà quản lý xe trước (nhưng dân thì không thừa nhận và nói bà quản lý xe rất hách dịch, chắc là có người “chống lưng”).

Sự việc này sau đó, lắng xuống, nhưng dân vẫn ghi nhận và đòi kiện cáo tiếp.

Phóng viên: Theo ông, Dự án này sẽ đem lại lợi ích gì cho địa phương?

Ông Nguyễn Đức Việt – Giám đốc Dự án: Là phát triển kinh tế hạ tầng và thu thuế đất bổ sung vào ngân sách, Ban giải phóng mặt bằng được hưởng 2% chi phí giải phóng mặt bằng.

Phóng viên: Ông có ý kiến gì về Dự án này?

Ông Nguyễn Đức Việt – Giám đốc Dự án: Về phía doanh nghiệp, chúng tôi phải tính toán lợi nhuận, nhưng về xã hội thì chúng tôi muốn góp phần xây dựng Điềm Thị đến năm 2020 thành thị trấn với số dân cư từ 2000 đến 2500 người theo mục tiêu của Dự án. Chúng tôi mong được báo chí và các cơ quan truyền thông tuyên truyền ủng hộ giúp đỡ.


Mặc dù Dự án còn đang triển khai, nhưng đã có thông tin rao bán trên mạng đất liền kề với giá từ 7 triệu/m2 - 25 triệu/m2.

Một điều rất vô lý nữa là, trong quyết định số 2192/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án của UBND tỉnh Thái Nguyên cho Chủ tịch Dương Ngọc Long ký ngày 28/8/2015 (tức là từ ngày 28/8/2015 QĐ này mới có hiệu lực), nhưng trong mục 9 về tiến độ thực hiện Dự án lại được ghi rất rõ: Giai đoạn 1 (từ Quý I/2015 đến Quý I/2016): Hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2 (từ Quý 1/2016 đến Quý 4/2018): Khởi công xây dựng và hoàn thành. Như vậy có phải là "Tiền trảm hậu tấu" không? Về nguyên tắc, chỉ khi nào Quyết định có hiệu lực (như là giấy phép có hiệu lực) thì tất cả các công việc mới được bắt đầu triển khai, vậy mà ở đây, Quyết định chưa có hiệu lực mà đã cho triển khai trước ít nhất là 6 tháng! Có vấn đề gì không? Có thiếu sự minh bạch không?

Việc Thái Nguyên chủ trương mời gọi đầu tư nhiều dự án để xây dựng và phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá địa phương là hoàn toàn đúng với chỉ đạo của Trung ương. Song, ở từng dự án cụ thể, như dự án khu dân cư Điềm Thụy trên đây, tuy vẫn còn đang thực hiện, nhưng rõ ràng đã bộc lộ những thiếu sót, trong đó, mấu chốt là thiếu dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch như Luật đất đai đã ghi rõ, khiến các hộ dân không đồng tình khiếu kiện, tố cáo quyết liệt.

Theo chúng tôi, nguyên nhân chính ở đây là chính quyền các cấp ở Thái Nguyên mà trực tiếp là UBND xã Điềm Thụy và Ban giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình chưa thực sự “lấy dân làm gốc”, làm không bài bản, bỏ qua những “động tác” cần thiết và cơ bản trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đã có nhiều bài học sâu sắc về sự xung đột trong giải phóng mặt bằng trên cả nước, tại sao xã và huyện không tổ chức đối thoại với dân? Xin nhấn mạnh : Gặp gỡ đối thoại trên cơ sở pháp luật và phải thực sự quan tâm đến với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân chứ không phải dùng áp lực của những quan chức vô cảm để cãi nhau và xung đột, như thế càng xa dân, càng khó giải quyết.

Câu trả lời và cách giải quyết của vụ việc này vẫn còn đang ở phía trước, thuộc về Chủ tịch UBND các cấp: tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Bình và xã Điềm Thụy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đăng Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load