(Xây dựng) - Quận Cầu Giấy dành hơn 100,000m2 đất, chủ đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng để đầu tư Dự án Công viên, hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội thuộc địa phận phường Trung Hòa. Sau hơn 12 năm, tất cả gần như chỉ nằm trên giấy, dự án “lá phổi xanh” của quận Cầu Giấy đang có những đồn đoán bị “chết lâm sàng” khi chưa hẹn ngày tái sinh.
Toàn cảnh khu đất Dự án Công viên, hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội (ảnh: Mạnh Hoàng). |
Theo tìm hiểu được biết, Dự án Công viên, hồ điều hòa khu đô thị (KĐT) Tây Nam Hà Nội thuộc địa phận phường Trung Hòa, giáp ranh phường Yên Hòa (Hà Nội). Phía Bắc công viên là khu đất công cộng, trường học; phía Tây và Nam là khu đô thị Nam Trung Yên; phía Đông là Dự án BĐS, Viện Dầu khí Việt Nam và nhiều nhà ở thấp tầng của cư dân.
Ngày 7/8/2009, UBND quận Cầu Giấy đã ký Quyết định số 1650/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng Công viên hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội (gọi tắt là dự án Công viên hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội) tại phường Trung Hòa và phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo đó, Công ty TNHH VNT được chọn làm chủ đầu tư dự án. Ngày 2/6/2010, UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000777 cho Công ty TNHH VNT để thực hiện dự án Công viên hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội.
Ngày 4/12/2012, UBND quận Cầu Giấy đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công viên, hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội, tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 5279/QĐ-UBND.
Đến ngày 22/4/2013, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký Quyết định số 2725/QĐ-UBND thu hồi 3.182,3m2 đất tại các phường Yên Hòa, Trung Hòa, quận Cầu Giấy, cho Công ty TNHH VNT thuê 102.575,1m2 đất tại các phường: Yên Hòa, Trung Hòa, quận Cầu Giấy để thực hiện dự án Công viên hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội (giai đoạn 1).
Theo đó, dự án này do Công ty TNHH VNT làm chủ đầu tư. Trên website của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) cũng có giới thiệu đây là dự án mà tập đoàn này hợp tác đầu tư với Công ty TNHH VNT (Chủ đầu tư).
Cổng dự án luôn đóng chặt, không có hoạt động đầu tư xây dựng nào diễn ra (ảnh: Duy Thanh). |
Theo giới thiệu của Ocean Group, Dự án công viên có diện tích 112.410m2, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.600 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, đã được cấp phép xây dựng đối với phần công viên.
Đáng chú ý, ngày 30/12/2020, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã thông qua các nội dung sẽ xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản về phương án tái cơ cấu để xử lý các khoản công nợ phải thu và phải trả với VNT. Cụ thể, Ocean Group muốn chấm dứt hợp tác đầu tư và rút vốn của mình tại dự án Công viên hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội.
Theo Ocean Group, do phương án đầu tư tiếp tục với quy hoạch theo phương án Hà Nội đã phê duyệt thay đổi so với phương án đấu giá ban đầu là không có hiệu quả, VNT đề xuất phương án thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo điều kiện cho đối tác chuyển nhượng dự án, hoàn trả các bên tham gia khoản tiền đã góp vào dự án này.
Xét về mặt pháp lý, dự án này đã cơ bản đầy đủ thủ tục để có thể triển khai thực hiện từ năm 2013. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau hơn 12 năm kể từ ngày được lựa chọn làm chủ đầu tư, Công ty TNHH VNT vẫn không đưa dự án vào triển khai xây dựng?
Trong khi đó, 1 thời gian dài dự án này đang được tận dụng để nhiều hộ kinh doanh sử dụng sai mục đích làm sân bóng nhân tạo, bãi đỗ xe… gây lãng phí tài nguyên và có thể phát sinh những vấn đề phức tạp khi dự án đi vào triển khai xây dựng.
Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Xây dựng, dự án đang được bao quanh kín mít bởi các tấm tôn màu xanh, lối vào chính trên đường Nguyễn Chánh luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Bên trong dự án cỏ mọc um tùm, nhiều sân bóng nhân tạo, người dân chiếm đất sử dụng sai mục đích.
Phía bên trong chỉ có cỏ cây mọc um tùm (ảnh: Duy Thanh). |
Gần đây, để giữ đất, Công ty TNHH VNT đã treo các thông báo bên ngoài dự án yêu cầu dừng hoạt động và di dời toàn bộ những trang thiết bị, vật tư… có liên quan đang sử dụng trái phép tại dự án.
Trao đổi nhanh với ông Đinh Viết Đạt, cán bộ Công ty TNHH VNT qua số điện thoại 0945.522.XXX được biết, hiện nay Dự án không triển khai gì, khi nào đến giai đoạn xây dựng Công ty sẽ triển khai. Phần đất người dân tự lấn chiếm công ty đã yêu cầu tháo dỡ hết.
Liên hệ với ông Ngô Doãn Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH VNT qua số điện thoại 0986.768.XXX, ông Phúc lấy lý do bận chưa thể trả lời phóng viên.
Tìm đến Công ty TNHH VNT để truyền đạt những mong mỏi, chờ đợi và hy vọng của người dân vào dự án này. Khi phóng viên đến địa chỉ Công ty TNHH VNT được công bố trên mạng (gồm số 4 Láng Hạ và 18 Ngô Quyền), chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu của mọi người, bởi những nơi chúng tôi đến người dân khẳng định không có Công ty TNHH VNT nào hoạt động tại đó.
Hiện nay, người dân đang rất kỳ vọng vào Dự án công viên khu vực này sớm được xây dựng, bởi Hà Nội nói chung và khu vực lân cận giữa quận Cầu giấy và Thanh Xuân đang rất thiếu công viên, hồ điều hòa, những dự án được ví như lá phổi xanh của khu vực. Trước tình trạng 1 số khu vực của Hà Nội quy hoạch đang rối như “tổ tò vò”. Thực tế đã minh chứng điều đó bởi chính cơ quan chức năng. Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt các dự án xây dựng dọc tuyến đường Lê Văn Lương. Trong đó, rất nhiều sai phạm liên quan đến quy hoạch, thay đổi quy hoạch dẫn đến nâng chiều cao, tăng số tầng, thêm số người khiến cho xe cộ, phương tiện tăng lên đáng kể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, đè nặng lên hạ tầng, rồi thiếu hạ tầng cơ bản như thiếu diện tích cây xanh, trường học, trạm y tế…
Cũng có dư luận cho rằng, đất rộng, vị trí đẹp, biết đâu người ta lại xin chuyển đổi thành chung cư, biệt thự, liền kề để bán. Không cần nói, ai cũng biết vị trí của dự án Công viên hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội nằm ở vị trí rất đắc địa của khu vực quận Cầu Giấy và các quận lân cận Thanh Xuân, Hà Đông.
Đến nay, vẫn chưa rõ vì sao hơn 12 năm trôi qua, dự án công viên được ví như lá phổi xanh của khu vực vẫn nằm im, không có tín hiệu triển khai xây dựng. Liệu rằng những xì xào của dư luận có trở thành hiện thực hay còn có khó khăn, vướng mắc nào khác? Dư luận và bạn đọc câu trả lời chính thức, công khai từ cơ quan chức năng quận Cầu Giấy và Thành phố Hà Nội.
Đỗ Lê – Duy Thanh
Theo