(Xây dựng) - Dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề thôn Hạ (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng) mới được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND huyện Đan Phượng đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục theo trình tự đầu tư. Nhiều cơ sở sản xuất chưa có phương án di chuyển, lệnh cưỡng chế đã được thi hành.
Như Báo điện tử Xây dựng thông tin ở bài viết trước, ngày 4/5/2016 UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2154/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng. Ngày 8/9/2016 UBND huyện Đan Phượng đã có Quyết định số 5062/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề thôn Hạ.
Ngày 12/4/2017 UBND xã Liên Trung đã ban hành một loạt các quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với 27 hộ dân có xưởng sản xuất chế biến lâm sản tại khu vực hồ Chậu. Ngày 17/4/2017 Đoàn cưỡng chế của UBND huyện Đan Phượng đã bắt đầu kế hoạch cưỡng chế với 27 trường hợp trên.
Những kiến nghị của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng, sáng ngày 17/4 lực lượng cưỡng chế đã cho phương tiện máy móc vào phá dỡ khu nhà xưởng.
Liên quan đến việc thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá QSDĐ phát triển làng nghề thôn Hạ (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng), phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Dự án làng nghề xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, huyện đề nghị thành phố, Bộ Xây dựng quy hoạch diện tích cho nhiều bà con trong xã được vào làng nghề để giảm ô nhiễm môi trường. Dự án xây dựng làng nghề được chúng tôi xây dựng các bước, đã họp Đảng bộ và nhân dân đều thống nhất cao.
Về nguồn gốc đất, các hộ này trước kia được xã cho thuê lại từ diện tích đất công để sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên các hộ dân không sản xuất nông nghiệp mà chuyển sang làm lán, xưởng. Từ năm 2013, chúng tôi yêu cầu xã thanh lý hợp đồng, nhưng các hộ dân không chấp nhận. Các hộ dân xây dựng lán xưởng trong nhiều năm, bây giờ UBND xã mới thực hiện tổ chức cưỡng chế. Trong quá trình làm chúng tôi đã có thông báo nhiều lần, năm nào chúng tôi cũng thông báo để các hộ có điều kiện tìm mặt bằng khác, nhưng các hộ dân không chịu di chuyển mà càng ngày càng làm to hơn.
Đây là việc chúng tôi cưỡng chế xử lý các hộ xây dựng nhà xưởng trên đất công và còn 5 hộ kia là trên đất nông nghiệp. Chính quyền đã có nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, nhưng các hộ không chấp hành. Các hộ vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước hành vi vi phạm của mình. Nay mai chúng tôi giải phóng xong đất, các hộ vi phạm rồi sẽ ngồi lại với dân thống nhất trình tự các bước.
Thứ nhất, 146 hộ có đất được ưu tiên thuê mặt bằng để sản xuất, những hộ này phải đăng ký với chính quyền, dân muốn có mặt bằng phải đăng ký với chính quyền, đóng góp về hạ tầng để Nhà nước làm hạ tầng cho và được Nhà nước cho thuê đất để làm lán xưởng. Không có chuyện đất nông nghiệp cùng làng nghề mà 92 hộ bên kia người ta phải thuê đất, bên này thì không. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm khắc còn thông báo mà các hộ không chấp hành thì phải cưỡng chế. Cưỡng chế chúng tôi làm theo trình tự, hôm nay (ngày 17/4/2017-PV) chỉ đọc quyết định công bố thôi, trong thời gian nhất định các hộ phải cam kết di chuyển, nếu không di chuyển được thì chúng tôi phải làm hàng tháng chứ không chỉ làm một ngày hôm nay.
Không có mặt bằng, phương án hỗ trợ di dời sản xuất, hơn 20 nhà xưởng phải đối mặt với nguy cơ phá sản, hàng trăm lao động mất việc làm
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cũng thông tin: Hiện nay, chúng tôi mới tiến hành các bước như thông báo chủ trương đầu tư, có quy hoạch mà thành phố ủy quyền cho quy hoạch, tất cả các hội nghị đều có văn bản. Nay mai họp các hộ có đất, nếu đồng tình ủng hộ, các hộ có đất sẽ được ưu tiên. Các hộ dân khác chúng tôi sẽ có quy chế, nếu ai được vào khu làng nghề thì sẽ bàn với người dân. Người dân nhất trí, chính quyền xã sẽ thống nhất lập danh sách. Khi hoàn thành các bước phê duyệt thiết kế dự án xong theo quy hoạch, chúng tôi sẽ đấu thầu quyền sử dụng đất theo quy định. Theo đó, phải giải phóng mặt bằng xong thì mới đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng và cho người dân gắp phiếu vị trí. Sau đó tiến hành việc đo đạc hiện trạng để tính suất đầu tư là bao nhiêu, để người dân nộp tiền, trên cơ sở đó quyết định cho người dân thuê đất để làm xưởng.
Trả lời phóng viên liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường, hay những thủ cần thiết trong quá trình đầu tư dự án chưa. Ông Nguyễn Hữu Hoàng khẳng định: Tất cả mọi việc phải hoàn thiện, mới đấu thầu giải phóng mặt bằng. Tóm lại hiện nay dự án mới dừng ở bước công khai dân chủ là quy hoạch, lập thiết kế bản vẽ thi công trên cơ sở dự án được phê duyệt. Tóm lại để thực hiện được dự án thì còn rất là lâu, chứ không phải một sớm một chiều.
Liên quan đến dự án này, người dân đã có đơn thư kêu cứu gửi các cơ quan có thẩm quyền. Ngày 28/3/2017 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký văn bản số 1447/UBND-BTCD gửi UBND huyện Đan Phương yêu cầu tiếp công dân, làm rõ nội dung khiếu nại, kiến nghị xử lý, giải quyết trả lời ông Hoàng Hữu Khánh, ở cụm 3 thôn Hạ, xã Liên Trung có đơn kiến nghị liên quan đến việc thu hồi đất phát triển làng nghề thôn Hạ theo thẩm quyền quy định của pháp luật, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố trước ngày 30/4/2017.
Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, UBND huyện Đan Phượng vẫn chưa có nội dung trả lời công dân, trong khi đó ngày 17/4/2017 lực lượng cưỡng chế đã tổ chức máy móc, phương tiện phá dỡ công trình, nhà xưởng của các hộ dân, hàng trăm lao động mất việc làm, nhiều cơ sở sản xuất phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì không bố trí được mặt bằng sản xuất.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Thành Nam – Thanh Thanh
Theo