Thứ sáu 19/04/2024 10:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đông Triều (Quảng Ninh): Vì sao bồi thường, hỗ trợ đất giá “bèo”?

23:04 | 30/11/2021

(Xây dựng) - 12 hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án Công viên nghĩa trang nhân dân tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) bức xúc, không đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ của chính quyền địa phương.

dong trieu quang ninh vi sao boi thuong ho tro dat gia beo
Người dân thẫn thờ khi giá bồi thường, hỗ trợ quá “bèo bọt”.

Hỗ trợ giá bèo

Tháng 11/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định chủ trương đầu tư dự án Công viên nghĩa trang nhân dân tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Ninh. Quy mô của dự án là 312.410m2. Dự án có mục tiêu xây dựng nghĩa trang nhân dân sử dụng các hình thức mai táng văn minh, hiện đại; xây dựng công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, khi tiến hành bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, 12 hộ dân có diện tích đất trồng cây ăn quả bị thu hồi lại có đơn kiến nghị việc chính quyền địa phương xác minh nguồn gốc sử dụng đất không đúng thực tế. Các hộ dân cho rằng từ năm 1997 họ đã sử dụng, cải tạo, trồng cây ăn quả và xây dựng các công trình chăm sóc trên diện tích đất được giao nhưng khi bị thu hồi thì mức bồi thường, hỗ trợ chỉ bằng 1/10 so với các hộ gia đình khác. Các hộ dân đứng đơn kiến nghị: “Khi nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ, chúng tôi thường xuyên có đơn đề nghị chính quyền các cấp xem xét về hiện trạng sử dụng đất để có phương án bồi thường, hỗ trợ phù hợp. Chúng tôi không đồng ý phương án bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (30%), tương đương 12.000 đồng/m2, chưa bằng một nửa tiền mua bát phở”.

dong trieu quang ninh vi sao boi thuong ho tro dat gia beo
Người dân ở đây không đồng ý phương án bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (30%), tương đương 12.000 đồng/m2.

Theo các hộ dân, nguyên nhân giá đền bù quá “bèo” là do UBND xã An Sinh xác định nguồn gốc đất của các hộ dân là đất rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều (Công ty Lâm nghiệp Đông Triều) giao khoán cho các hộ dân và chưa thanh lý hợp đồng.

Một hộ dân bức xúc: “Chúng tôi được Lâm trường Đông Triều (nay là Công ty Lâm nghiệp Đông Triều) giao khoán đất trồng cây ăn quả từ năm 1997. Đến tháng 6/2004, Công ty Lâm nghiệp Đông Triều đã trả lại một phần diện tích đất lâm nghiệp, trong đó có diện tích đất của chúng tôi cho xã An Sinh quản lý. Diện tích đất này đã được lập thành bảng biểu tổng hợp với 9 chữ ký xác nhận, có đóng dấu của các cơ quan, ban, ngành, UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) và UBND xã An Sinh”.

Vì đâu nên nỗi?

Ngày 02/11/2017, Công ty Lâm nghiệp Đông Triều có Văn bản số 130/LN gửi UBND xã An Sinh và thị xã Đông Triều, trong đó có nội dung: “Căn cứ vào hồ sơ xin giao đất lâm nghiệp cho Lâm trường Đông Triều trước đây (nay là Công ty Lâm nghiệp Đông Triều) đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2557/QĐ-UBND ngày 3/8/2006 về việc giao và thuê đất của Công ty Lâm nghiệp Đông Triều để quản lý bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng sản xuất kinh doanh tại huyện Đông Triều. Tổng diện tích đất đai, tài nguyên rừng Công ty Lâm nghiệp Đông Triều xin giao trả cho xã An Sinh là 1.436,10ha… Sau hơn 10 năm, các hộ gia đình có sử dụng đất lâm nghiệp trong 1.436,10ha thuộc xã An Sinh không có tranh chấp về diện tích, ranh giới với Công ty Lâm nghiệp Đông Triều. Do vậy, công ty làm văn bản này kính đề nghị UBND xã An Sinh xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình hiện đang sử dụng 1.436,10ha đất lâm nghiệp theo thẩm quyền”.

Lấy lý do các hộ dân chưa thanh lý hợp đồng giao khoán với Công ty Lâm nghiệp Đông Triều nên Báo cáo số 130/BC-UBND do UBND xã An Sinh gửi UBND thị xã Đông Triều về việc xác minh nguồn gốc đất đã xác nhận đất của các hộ có nguồn gốc là đất nhận giao khoán của Công ty Lâm nghiệp Đông Triều từ năm 1997, loại đất rừng sản xuất. Trên cơ sở đó, ngày 11/8/2020, UBND thị xã Đông Triều đã ra Thông báo số 317/TB-UBND điều chỉnh một phần Thông báo thu hồi đất số 698/TB-UBND ngày 28/12/2017 và Thông báo điều chỉnh số 309/TB-UBND ngày 5/8/2019 của UBND thị xã Đông Triều. Trong thông báo này, loại đất của 12 hộ dân được điều chỉnh từ đất trồng cây lâu năm sang đất rừng sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh cho biết: “Người dân phản ánh đất giao khoán của Công ty Lâm nghiệp Đông Triều đã trả về cho địa phương quản lý từ năm 2006 là chính xác. Thời điểm xác minh nguồn gốc đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ thì 12 hộ dân chưa thực hiện thanh lý hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp với Công ty Lâm nghiệp Đông Triều. Do vậy, UBND xã không thể xác nhận đây là đất trồng cây lâu năm do xã quản lý mà vẫn là đất rừng sản xuất các hộ nhận khoán từ Công ty Lâm Nghiệp Đông Triều”.

Ông Thắng thừa nhận nguyên nhân là do chính quyền địa phương và Công ty Lâm nghiệp Đông Triều chưa xây dựng phương án giao đất và hướng dẫn người dân thanh lý hợp đồng, làm thủ tục chuyển đổi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước phản ánh của người dân về việc 2 gia đình ông Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Kim Chuyển cũng nhận diện tích giao khoán như 12 hộ dân nhưng lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh xác nhận là có và chính quyền xã đang tiến hành xác minh quy trình để báo cáo thị xã.

Ngày 6/10/2021, UBND thị xã Đông Triều có Quyết định số 2056/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của 12 hộ dân. Quyết định nêu rõ: “Trước ngày 31/8/2006 (ngày Quyết định số 2557/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh có hiệu lực), các hộ gia đình, cá nhân đang được giao khoán đất của Lâm trường Đông Triều là đối tượng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 41, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Sau thời điểm ngày 31/8/2006, các hộ gia đình, cá nhân tuy không nằm trong quy hoạch đất rừng được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Lâm trường Đông Triều (nay là Công ty Lâm nghiệp Đông Triều) nhưng cho đến nay chưa đến công ty để thanh lý hợp đồng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính phần diện tích đang sử dụng nên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Khoản 5 Điều 7, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Đối với diện tích đất không nằm trong quy hoạch để giao cho các Công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng thì UBND cấp tỉnh có quyết định thu hồi và ưu tiên giao diện tích đất này cho đồng bào dân tộc tại chỗ, chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất và đất ở theo mức bình quân chung tại địa phương. Việc quản lý và sử dụng những diện tích đất được thu hồi phải theo đúng quy định của luật đất đai…”.

Ông Hoàng Đình Tuấn - Phó Chánh văn phòng UBND thị xã Đông Triều cho biết: “Nếu người dân không đồng tình với Quyết định số 2056/QĐ-UBND của UBND thị xã Đông Triều thì có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, 15 năm qua các hộ dân sử dụng đất trồng cây ăn quả lâu năm nhưng chưa được thanh lý hợp đồng với Công ty Lâm nghiệp Đông Triều, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến những thiệt thòi khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Công viên nghĩa trang nhân dân tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai là câu hỏi cần các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh sớm có câu trả lời để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Lã Vọng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load