(Xây dựng) – Từng là một dự án điểm của UBND Thành phố Hà Nội, là niềm tin, nỗi khát khao của đại đa số công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Thế nhưng, qua nhiều năm đưa vào sử dụng, khu nhà ở công nhân Kim Chung lại đang bộc lộ quá nhiều bất cập về chất lượng công trình cũng như bất cập trong quá trình quản lý vận hành khiến người thuê nhà vô cùng khổ sở.
Từng là niềm hy vọng của nhiều người, nhưng hiện tại khu nhà ở công nhân Kim Chung lại đang bộc lộ nhiều bất cập. |
Hơn 100 hộ dùng chung 1 thang máy
Thời gian qua, phản ánh tới Báo điện tử Xây dựng, nhiều cư dân là công nhân thuê nhà tại khu nhà ở công nhân thôn Bầu, Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) tỏ ra vô cùng bức xúc vì những bất cập trong việc vận hành, quản lý tòa nhà.
Theo một cư dân đang thuê căn hộ tại chung cư CT1A, chung cư này có 15 tầng, hơn 100 căn hộ và có 2 thang máy phục vụ việc đi lại cho cư dân. Thế nhưng, từ tết Âm lịch tới nay một thang máy đã bị hỏng và không được sửa chữa, thang máy còn lại luôn trong tình trạng hoạt động thiếu ổn định… là nỗi khiếp sợ cho những cư dân sinh sống tại đây. Đặc biệt vào mỗi buổi sáng, cả chiếc thang máy còn lại và cư dân đều “kiệt sức” vì quá tải.
Điều khiến người dân bức xúc là dù việc này đã được phản ánh rất nhiều lần tới Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội – Đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà, nhưng không hiểu vì lý do gì việc sửa chữa vẫn vô cùng chậm trễ, mặc cho hàng tháng cư dân vẫn đóng đầy đủ phí dịch vụ với số tiền 4.000 đồng/m2.
Chậm do Thông tư 124?
Đem những thắc mắc của cư dân gửi tới Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Sau nhiều lần đi lại đặt lịch, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với đại diện công ty. Làm việc với phóng viên, đại diện công ty khẳng định phản ánh của cư dân là hoàn toàn chính xác.
Lý giải về việc vì sao dù thang máy đã hỏng từ tết Âm lịch nhưng vẫn chưa được sửa chữa, ông Bùi Minh Tuân - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết: Công ty là đơn vị tiếp nhận lại các toà nhà chung cư này từ tháng 9/2014. Trước đây, khi chưa có Thông tư 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, công ty được tạm giữ khoảng 40% diện tích cho thuê dịch vụ để xử lý tất cả tình huống sự cố. Từ năm 2016 đến nay, toàn bộ tiền thuê nhà thu được, công ty phải thực hiện theo Thông tư 124. Thông tư này hướng dẫn về quản lý số tiền thu được từ cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; thanh toán tiền chênh lệch khi thuê nhà ở công vụ và quản lý tiền thu được từ cho thuê nhà ở công vụ theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Cùng có mặt tại buổi làm việc, ông Bùi Quốc Dũng - Trưởng phòng Quản lý nhà tái định cư - nhà ở xã hội (Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết cụ thể hơn, Thông tư 124 của Bộ Tài chính quy định, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh phải nộp ngay, không được giữ lại. Trước khi có Thông tư, tiền thuê nhà, hoạt động kinh doanh tầng 1 được công ty giữ lại; việc quản lý, sửa chữa thì lấy từ nguồn này, sau đó cuối năm quyết toán.
“Nhưng Thông tư 124 tập trung nguồn vốn Nhà nước lại, Nhà nước quản lý, chi tiêu cái gì thì phải có kế hoạch, thực hiện theo quy trình. Hỏng phải xin, lập phương án, dự toán trình Sở Xây dựng, báo cáo với Sở Tài chính, phê duyệt mới triển khai. Những khâu thủ tục đó kéo dài thời gian, gây ra bất cập dẫn đến việc sửa chữa hư hỏng không được kịp thời, dẫn đến việc người dân phải chờ đợi”, ông Dũng giải thích.
Cũng liên quan tới sự việc nêu trên, ông Nguyễn Lê Minh – Phó phòng Kỹ thuật cho biết thêm: Ngoài những lý do trên, việc chậm trễ một phần do thiết bị phải đặt hàng từ bên nước ngoài vì đơn vị thực hiện việc lắp đặt thang máy trước đây đã không còn.
Mâu thuẫn về tiền đặt cọc
Ngoài bất cập về thang máy, chất lượng công trình, cư dân cũng tỏ ra thắc mắc về khoản tiền đặt cọc. Theo cư dân tại đây, khi thuê nhà, người thuê sẽ phải nộp khoản tiền đặt cọc 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, điều khiến cư dân thắc mắc là khoản tiền này lại không được đề cập trong hợp đồng thuê nhà cũng như khi tiến hành thu không có biên lai hay phiếu thu. Chính vì vậy, khi trả lại nhà nhiều người gặp khó khăn trong việc nhận lại tiền đặt cọc.
Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Minh Tuân cho biết: Việc thu tiền đặt cọc 2.000.000 đồng của cư dân là có. Đây là chủ trương và xí nghiệp là đơn vị thực hiện, xí nghiệp thu và nộp về công ty. Tiền đặt cọc được dùng để dự phòng công tác thu hộ chi hộ tiền điện, tiền nước và khắc phục, sửa chữa hư hỏng nhỏ.
“Thanh lý trường hợp nào là thanh quyết toán luôn, thanh quyết toán xong mới ký thủ tục thanh lý. Việc đó chúng tôi làm kịp thời chứ không phải bê trễ, khó khăn gì cả”, ông Tuân khẳng định.
Mặc dù giải thích như vậy, nhưng theo phản ánh của cư dân, sau khi người dân thắc mắc, phía công ty mới có thêm tờ đơn là đơn tự nguyện nộp tiền. Về tờ đơn tự nguyện nộp tiền này, ông Bùi Quốc Dũng lý giải: Giai đoạn đầu thành phố giao, chúng tôi chỉ ký hợp đồng với cơ quan, doanh nghiệp có trụ sở ở Kim Chung, Đông Anh. Thành phố khi đó chưa có quy định thu tiền đặt cọc. Khi đối tượng được mở rộng, cho thuê đối với từng hộ gia đình, cá thể riêng thì có các thay đổi, chúng tôi báo cáo Sở Xây dựng, đồng thời soạn thảo ra các mẫu về hợp đồng thuê cho cá thể, mẫu về tiền đặt cọc. Trong khi đó, nhu cầu của các hộ là có và thành phố cũng đã đồng ý cho bàn giao vào ở. Do đó, có những việc Xí nghiệp sẽ phải làm sau và có những trường hợp bị sót vì những lý do khách quan (mời đến nhưng bận, hoặc nhờ hàng xóm…). Cái đó chúng tôi sẽ đối chiếu và kiểm tra, nếu có thiếu sót sẽ khắc phục ngay. Chuyện đặt cọc cũng rất công khai và minh bạch.
“Việc quy định thu tiền đặt cọc không được thể hiện bằng văn bản. Trong hoạt động quản lý của chúng tôi cần có những biện pháp để đảm bảo hoạt động chung của tòa nhà, tránh trường hợp rủi ro mà công ty phải gánh chịu”, ông Dũng cho biết thêm.
Trước những bất cấp nêu trên, ông Dũng cho biết phía công ty sẽ cũng yêu cầu các đơn vị quản lý ở đây nâng cao tinh thần, trách nhiệm, kịp thời nắm bắt sự việc, kịp thời phản ánh. Ở trong khả năng có thể giải quyết tình huống được bằng hình thức vận động, xã hội hóa, hoặc kêu gọi các đơn vị bảo trì, sửa chữa ứng khoản kinh phí để sửa chữa kịp thời.
Đại diện công ty trong buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng. |
Báo điện tử Xây dựng cũng đã có nhiều bài viết phản ánh tới những bất cập tại đây như việc hỏng hóc thang máy, “thổi giá” thuê mặt bằng lên gấp 5 lần giá trị ban đầu khiến nhiều tiểu thương đứng bên bờ vực phá sản…
Những bất cập nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của những người thuê nhà, gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt của cư dân tại đây. Trong thời gian tới, thiết nghĩ, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nên có sự quan tâm sát sao hơn tới những phản ánh của người dân. Đồng thời kịp thời linh động đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết nhanh các sự cố. Bên cạnh đó giải thích rõ ràng, minh bạch cho cư dân về các khoản thu, chi để người dân tin tưởng và yên tâm lao động sản xuất.
Thân Nam - Linh Hương
Theo