Chủ nhật 22/12/2024 13:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Đông Anh (Hà Nội): Đơn vị quản lý Khu nhà ở công nhân Kim Chung bất ngờ “thổi giá” đẩy tiểu thương đến nguy cơ phá sản

14:53 | 23/05/2019

(Xây dựng) – Đầu tư vốn kinh doanh lớn nhưng nhiều năm qua, hàng chục tiểu thương đang thuê mặt bằng tại Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (Đông Anh - Hà Nội) vẫn chưa thể thu hồi được vốn. Khó khăn chồng chất khó khăn khi mới đây đơn vị quản lý là Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội bất ngờ “thổi giá” thuê mặt bằng lên gấp 5 lần giá trị ban đầu, dẫn đến nguy cơ đẩy các tiểu thương đứng trước bờ vực phá sản.

Sau khi Báo điện tử Xây dựng đăng tải loạt bài về những bất cập tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung do đơn vị vận hành làm trái cam kết khiến cho đời sống của hàng trăm công nhân gặp nhiều khó khăn. Báo điện tử Xây dựng tiếp tục nhận được đơn phản ánh của các tiểu thương đang thuê mặt bằng tại Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung.

Theo phản ánh của các tiểu thương, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Xí nghiệp) thuộc Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa thống nhất về việc xem xét thu hồi và áp mức giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 đối với 28 tòa nhà Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung.

Cụ thể, hiện tại các hộ kinh doanh phải chịu mức áp giá tăng 500% theo Quyết định số 1796 của Sở Tài Chính ban hành do đề nghị của Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Giá thuê ban đầu là 33.000 đồng/m2 nay tăng gấp 5 lần (vào khoảng 160.000 đồng/m2) khiến các tiểu thương vô cùng bức xúc.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có buổi khảo sát thực tế tại địa bàn. Theo tìm hiểu, các hộ kinh doanh cho rằng, đơn vị quản lý bất ngờ tăng với mức giá “trên trời” và phải đóng 1 lần thời hạn 3 năm khiến họ không đủ khả năng chi trả, trong khi đang “sống dở chết dở” vì làm ăn thua lỗ.

Chị Phạm Thị Duyên - Đầu tư hệ thống Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập Sakura – Hoa Anh Đào tại đây bức xúc chia sẻ: “Tôi là những người đầu tiên thuê mặt bằng tầng 1 từ năm 2012 đến nay, thời kỳ còn hoang sơ, cỏ mọc um tùm ít người qua lại, những năm trước được thuê với giá 33.000đồng/m2. Trong năm qua bên Xí nghiệp có mời các tiểu thương họp để thống nhất việc thay đổi giá. Nếu mặt bằng tôi thuê phải áp mức giá mới thì sẽ tăng lên gấp 5 lần, vào khoảng160.000đ/m2 thì chúng tôi chỉ còn nước phá sản”.

Chị Duyên cũng cho biết: “Xí nghiệp cũng đưa ra thời điểm thanh toán tiền vô lý, ký hợp đồng 3 năm trả tiền 1 lần. Nếu áp dụng như vậy phí thuê mặt bằng của tôi là 2,7 tỷ đồng, vậy thì chúng tôi sống sao nổi”.

Hệ thống Nhóm trẻ, Lớp mẫu giáo độc lập Sakura – Hoa Anh Đào được đầu tư lên tới hàng tỷ đồng, là nơi học tập và phát triển kỹ năng sống con em công nhân tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung đang đứng trước bờ vực phá sản.

“Địa bàn tại đây chủ yếu phục vụ cho con em công nhân lao động có thu nhập thấp. Vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thể lấy lại được vốn, chúng tôi đề nghị nếu tăng giá thì tăng ở mức độ phù hợp. Tháng trước Xí nghiệp có tổ chức 1 buổi họp và thông báo áp dụng luôn mức giá mới, không có đấu thầu. Tất cả 28 hộ chúng tôi đều không đồng tình với mức giá đó”, chị Duyên phản ánh.

Cùng cảnh ngộ, bà Chính - Phụ trách Phòng khám đa khoa Bắc Thăng Long cho hay: “Thời điểm đầu chúng tôi thuê ở đấy rất hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa có gì. Chúng tôi đã vay mượn để đầu tư rất nhiều về thiết bị, máy móc. Từ đó đến nay việc kinh doanh đều phải bù lỗ, chưa hoàn lại được vốn đầu tư, trong khi lượng người bệnh đến khám thì ít, chủ yếu là công nhân”.

Phòng khám đa khoa Bắc Thăng Long tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung không bóng dáng bệnh nhân.

“Chúng tôi là công chức nghỉ hưu không có tiền. Phòng khám lâu nay hoạt động không có lãi, nếu tăng giá thuê mặt bằng thì cũng phải tính toán cho phù hợp, chứ tăng gấp mấy lần, dân chúng tôi chịu sao nổi”, bà Chính bức xúc.

Anh Lưu Đức Tuấn - Chủ hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống cũng bày tỏ: “Giá tăng gấp 5 lần, chúng tôi đang thuê là hơn 11 triệu đồng/tháng, nếu áp mức giá mới là 65 triệu đồng/tháng thì chúng tôi không thể kinh doanh ở đây được. Ở đây 90% là phục vụ công nhân và con em họ mà áp dụng mức giá mới này thì không đơn vị nào tồn tại được”.

Cũng theo tìm hiểu, nhiều hộ kinh doanh tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung vì khó khăn, làm ăn “bết bát” mà đã phải phá sản.

Hàng loạt ki-ốt tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung phải đóng cửa im lìm do việc kinh doanh “bết bát”.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 20/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tại Điều 8 - Phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở xã hội, Mục 3 nêu: “Trường hợp mức giá cho thuê xác định theo công thức quy định tại Khoản 2 Điều này cao hơn hoặc bằng mức giá cho thuê nhà ở thương mại tương đương trên thị trường thì chủ đầu tư phải xác định lại giá cho thuê cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm thấp hơn giá cho thuê nhà ở thương mại tương đương trên thị trường”.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng nêu rõ: “Nhà nước tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển, bảo đảm ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện, bảo đảm quyền bình đẳng không phân biệt trong cơ hội tiếp cận nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai…”.

Hiện không chỉ có các tiểu thương kinh doanh tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung mà còn có rất nhiều doanh nghiệp cũng đang đặt trụ sở tại đây. Việc Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đột ngột cho tăng giá thuê mặt bằng là căn cứ theo quy định pháp luật hay chỉ vì tư lợi cá nhân trước mắt? Đề nghị UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng sớm có ý kiến chỉ đạo làm rõ vấn đề này.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Khoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load