Thứ hai 29/04/2024 12:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Cần làm rõ việc “thổi giá” thuê mặt bằng Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung

16:33 | 28/06/2019

(Xây dựng) – Vừa qua, tập thể các hộ kinh doanh thuê mặt bằng tầng 1 tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) vô cùng bức xúc trước việc đơn vị quản lý là Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (gọi tắt Cty Nhà) bất ngờ “thổi giá” thuê mặt bằng lên gấp 5 lần, phương thức thanh toán ký hợp đồng 3 năm trả tiền 1 lần khiến các hộ kinh doanh chưa hết “lao đao”; mới đây các tiểu thương này lại “bất ngờ” nhận được thông báo đề nghị trả lại diện tích và thanh toán tiền thuê sử dụng nhà theo đơn giá mới. Điều này khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình thẩm định giá và phương thức thanh toán liệu có phù hợp với thực tế?


Trường Mầm non Sakura – Hoa Anh Đào đang thuê mặt bằng rất lớn tại tầng 1, khu nhà ở công nhân xã Kim Chung sẽ sớm “đóng cửa” nếu áp đặt mức thuê giá mới, con em công nhân đứng trước nguy cơ không có trường lớp để sinh hoạt và học tập.

Được biết, ngày 20/3/2019, Sở Tài chính Hà Nội ban hành Quyết định số 1796/QĐ-STC về việc phê duyệt giá sàn và bước giá đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng một đối với 28 tòa khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đơn vị tư vấn thẩm định giá là Cty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam.

Cụ thể, các hộ kinh doanh sẽ phải chịu mức áp giá tăng 500% do đề nghị của Cty Nhà, giá thuê ban đầu là 33.000 đồng/m2 nay tăng gấp 5 lần (vào khoảng 160.000 đồng/m2), phương thức thanh toán ký hợp đồng 3 năm trả tiền 1 lần.

Tiếp đó, ngày 14/5/2019, ông Cao Đức Đại – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội ký Thông báo số 1031/QLNXH-TĐC về việc đề nghị trả lại diện tích và thanh toán tiền thuê sử dụng nhà theo đơn giá mới do Sở Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1796/QĐ-STC ngày 20/3/2019 kể từ ngày 01/4/2019. Và các hộ kinh doanh phải khẩn trương di chuyển tòa bộ người và tài sản, hoàn trả lại nguyên hiện trạng phần diện tích ban đầu.

Được biết, phía công ty chưa có bất kỳ cuộc thỏa thuận chính thức với các hộ kinh doanh thuê mặt bằng tại đây. Việc đánh giá tài sản các hộ đã đầu tư kinh doanh cũng chưa được thực hiện, mà theo nguyên tắc, nếu có thu hồi mặt bằng phải có cuộc bàn bạc với các hộ kinh doanh để thống nhất việc bồi thường tài sản gắn với diện tích thuê sau đó mới quyết định thu hồi.

Đại diện Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là ông Bùi Quốc Dũng – Phó phòng Quản lý nhà xã hội – tái định cư cũng thừa nhận: “Các đơn vị thuê kinh doanh tầng 1 chủ yếu phục vụ dân sinh đối với công nhân, lãi suất cũng không phải lớn so với những khu vực khác. Mà thành phố không có lộ trình, bất ngờ đưa lên vào tháng 3 vừa rồi. Các đơn vị cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng ở các phần diện tích phục vụ kinh doanh, lãi đó phải một vài năm kinh doanh mới hoàn lại vốn, mà đã tính đến chuyện thu hồi thì đây cũng là bất cập”.

“Với mức giá cao như vậy và với quy chế trả tiền một lần thì đối tượng tham gia khả năng cực ít, nếu như vậy Nhà nước sẽ để trống nguồn thu. Chúng ta cần cân đối làm sao cho phù hợp cả về phía Nhà nước và về phía các đối tượng doanh  nghiệp thì sẽ không lãng phí”, ông Bùi Quốc Dũng bày tỏ.

Thực tế là vậy, nhưng không hiểu lý do vì sao, sau nhiều ngày gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, ngày 31/5/2019 các hộ kinh doanh tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung nhận được Văn bản số 3532/STC-QLG của Sở Tài Chính Hà Nội phúc đáp về việc áp giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 đối với 28 tòa nhà khu nhà ở công nhân xã Kim Chung. Nội dung văn bản nêu rõ: “Việc phê duyệt giá sàn và bước giá để đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tầng một khu tập thể Kim Chung tại Quyết định số 1796/QĐ-STC ngày 20/3/2019 của Sở Tài chính là không trái với quy định hiện hành của pháp luật”.

Bức xúc trước thực tế này, bà Phạm Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sakura – Hoa Anh Đào cho biết: “Ngôi trường này có tới 99% con em của các công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long. Học phí tôi thu của con em công nhân chỉ 1 triệu đồng/ tháng bao gồm cả ăn và học. Tôi đang giúp cho cộng đồng giảm tải áp lực vô cùng lớn về việc thiếu trường học trên địa bàn. Nhưng bất ngờ, Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thay đổi mức giá thuê mặt bằng lên 161.000đ/m2, áp giá từ 01/4/2019, thử hỏi khi lãnh đạo cấp trên đưa ra quyết định như vậy thì có khảo sát thực tế và tìm hiểu về thu nhập của chúng tôi không?”.

“Nếu áp mức giá mới thì tôi sẽ phải thuê 70 triệu đồng/tháng và đóng 3 năm/lần, tức là mỗi lần tôi phải đóng hơn 2 tỷ đồng. Tôi vay ngân hàng để mở trường vì cộng đồng mà áp giá như vậy thì nhân dân chúng tôi liệu có sống được hay không?”, bà Duyên chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Phan Vân Hà – Tổng Giám đốc Cty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam lại khẳng định: “Chúng tôi khẳng định trong chứng thư giá đó là sát thị trường, việc xây dựng giá mới không xét theo yếu tố mức thu nhập”.

Ông Phan Văn Đồng – Phó phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Hà Nội thì cho rằng: “Chúng tôi chỉ thẩm định trên hồ sơ, tờ trình của Cty Nhà và kèm theo chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính căn cứ vào tờ trình của Cty Nhà kèm theo chứng thư, Sở Tài Chính đã tổ chức cuộc họp liên ngành để kiểm tra lại chứng thư và có biên bản thống nhất”.

Ông Đồng cũng cho rằng: Việc có khảo sát thực tế hay lấy ý kiến người dân là trách nhiệm của công ty thẩm định giá, Sở Tài chính chỉ căn cứ vào hồ sơ để ra quyết định về giá.

Qua việc điều tra cụ thể, phóng viên thấy rằng, những người có liên quan trong việc định giá mới của khu vực này ko ai thể hiện là mình phải có trách nhiệm trước tiếng kêu cứu của nhân dân và tất cả đều đổ dồn, tin tưởng vào cơ quan định giá. Về cơ quan định giá cũng giữ quan điểm cho rằng mình làm đúng?

Chúng tôi cho rằng cách làm này là không khách quan, thiếu trách nhiệm trước nhân dân. Cụ thể, tất cả các hộ kinh doanh ở đây chưa ai được một cơ quan, cá nhân có trách nhiệm nào và kể cả những cá nhân làm công tác định giá cũng không hề tham khảo ý kiến, kiểm tra việc thu chi của các hộ kinh doanh để làm cơ sở đề xuất giá hoặc quyết định đơn giá.


Hàng loạt ki ốt tại đây đã phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ.

Mặt khác, trong khi những người dân thuê mặt bằng ở khu vực này, họ đã đầu tư mất nhiều tiền của để thực hiện việc kinh doanh và thậm chí nhiều hộ chưa lấy lại vốn thì Cty Nhà lại thông báo thu hồi các diện tích họ đã kinh doanh, đây là việc làm tùy tiện, áp đặt gây khó khăn ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Chúng tôi cho rằng, UBND TP Hà Nội nên sớm có ý kiến về việc quyết định giá cho thuê đối với những hộ dân đang kinh doanh sinh sống ở khu vực này, bởi đa phần họ là những người dân nghèo khó, việc kinh doanh của họ là phục vụ trực tiếp những công nhân thu nhập thấp sống tại khu vực này (đặc biệt là con trẻ). Không nên căn cứ vào “quy trình trên giấy” để áp đặt giá; việc này sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân nghèo trên thành phố.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin!

Việt Khoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load