Thứ hai 11/11/2024 18:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Điều chỉnh đối tượng giao đất tại dự án Khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5: Thiếu thuyết phục về căn cứ pháp lý

22:50 | 13/12/2020

(Xây dựng) – Ngay sau khi UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5269/QĐ-UBND về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây), nhiều ý kiến luật sư cho rằng, quyết định này thiếu thuyết phục về căn cứ pháp lý và cần phải xem xét, thu hồi.

dieu chinh doi tuong giao dat tai du an khu do thi my hung cienco 5 thieu thuyet phuc ve can cu phap ly
Phối cảnh Khu đô thị Mỹ Hưng.

Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh, Quyết định điều chỉnh đối tượng giao đất số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố Hà Nội tại dự án Khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5 (Hà Đông) không chỉ gây dư luận bức xúc bởi những căn cứ pháp lý thiếu thuyết phục, mà còn gây trở ngại lớn cho hàng trăm hộ dân và doanh nghiệp. Việc thẩm định thiết kế với nhiều căn biệt thự thấp tầng đang bị đình trệ, kéo dài; sự việc còn cho thấy dấu hiệu “lợi ích nhóm” cần phải được xem xét, thu hồi quyết định điều chỉnh.

Nhiều chuyên gia, luật sư có thâm niên trong lĩnh vực nghiên cứu về Luật Đất đai, Luật Xây dựng đồng loạt bày tỏ quan điểm dưới góc nhìn pháp luật về Quyết định 5269/QĐ-UBND.

dieu chinh doi tuong giao dat tai du an khu do thi my hung cienco 5 thieu thuyet phuc ve can cu phap ly
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Công ty Luật TNHH Fanci.

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Công ty Luật TNHH Fanci: “Hà Nội điều chỉnh tên người sử dụng đất Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 là sai hoàn toàn”

“UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định 5269 điều chỉnh Quyết định 3128 của năm 2008, tức là Quyết định năm 2020 điều chỉnh một quyết định cách đây 12 năm. Quan điểm cá nhân tôi là Hà Nội điều chỉnh tên người sử dụng đất Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 là sai hoàn toàn.

Trước hết, điều chỉnh ở đây là điều chỉnh chủ thể đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc điều chỉnh chủ đầu tư, mà chủ đầu tư chính là được quy định hợp đồng BT được ký giữa một bên UBND tỉnh Hà Tây và một bên gồm có hai chủ thể: Tổng Công ty Công trình giao thông 5 và Công ty Địa ốc Cienco 5. Vậy thì bên A là UBND tỉnh Hà Tây, bên B gồm có hai pháp nhân: Tổng Công ty Công trình giao thông 5 được gọi là nhà đầu tư. Họ là người bỏ vốn, tức là có tài chính. Còn doanh nghiệp dự án, tức là chủ đầu tư - Công ty Địa ốc Cienco 5. Họ tiếp nhận nguồn vốn của nhà đầu tư. Họ có tư cách pháp nhân, họ có khả năng quản lý công trình, thực thi dự án, cụ thể là họ có đầy đủ năng lực thực hiện 4 dự án. Vậy thì hợp đồng BT phân hóa hai vai trò rất rõ ràng: Nhà đầu tư là Tổng Công ty Công trình giao thông 5 còn chủ đầu tư là Công ty Địa ốc Cienco 5. Vậy đất phải được giao cho chủ đầu tư, không thể giao cho nhà đầu tư,

Nay Quyết định 5269 lấy dự án Mỹ Hưng chuyển thể sang cho nhà đầu tư là Tổng Công ty Công trình giao thông 5, như vậy là đổi chủ đầu tư. Đổi chủ đầu tư thì phải có một hợp đồng BT làm căn cứ, hợp đồng BT 2008 thì không quy định đây là chủ đầu tư. Ý kiến của Sở Tư pháp Hà Nội là rất chuẩn, phải có một phụ lục có giá trị tương đương với hợp đồng BT năm 2008. Phụ lục đấy chưa có thì chưa có căn cứ để điều chỉnh, không có căn cứ để điều chỉnh.

3 chủ thể bao gồm Công ty Cổ phần Cienco 5 Land, Tổng Công ty Công trình giao thông 5 và UBND Thành phố Hà Nội – đơn vị tiếp quản nhiệm vụ của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phải thống nhất nội dung cần điều chỉnh của hợp đồng BT và ký phụ lục hợp đồng. Khi cả 3 bên thống nhất được điều này, ký một bản phụ lục hợp đồng, thì lúc đó mới có căn cứ để điều chỉnh quyết định giao đất.

Nếu như trong Quyết định 5269 của UBND Thành phố Hà Nội chỉ nói đến căn cứ là bản thỏa thuận số 10 của bên B hợp đồng BT năm 2008 thỏa thuận với nhau để ban hành Quyết định điều chỉnh đối tượng giao đất là hoàn toàn sai, sai hoàn toàn về mặt nội dung và quy trình. Vậy thì không có căn cứ về mặt nội dung, cũng không có căn cứ về mặt quy trình, quyết định điều chỉnh không đảm bảo cả về mặt nội dung, thể thức và quy trình”.

Ông Trần Minh Sơn - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương, Trưởng phòng pháp luật lao động, an sinh xã hội và tổng hợp, Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp:

“Để khẳng định quyết định của UBND Thành phố Hà Nội năm 2020 sửa quyết định trước đây đúng hay sai, phải căn cứ vào hồ sơ.

Qua xem xét, tôi thấy hồ sơ có nhiều vấn đề. Thứ nhất, đối tượng liên quan trong hồ sơ chính là Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 - đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của quyết định.

dieu chinh doi tuong giao dat tai du an khu do thi my hung cienco 5 thieu thuyet phuc ve can cu phap ly
Ông Trần Minh Sơn - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương.

Về nguyên tắc, khi cơ quan quản lý Nhà nước có những quyết định hành chính gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến những đối tượng đó, cụ thể trong trường hợp này là Công ty Địa ốc Cienco 5 thì UBND Thành phố Hà Nội phải làm việc, trao đổi thỏa thuận trước và đề nghị Công ty Địa ốc Cienco 5 cung cấp hồ sơ chứng minh, đồng thời đề nghị cả Tổng Công ty Công trình giao thông 5 cung cấp hồ sơ. Sau khi trao đổi, thống nhất với doanh nghiệp, UBND Thành phố Hà Nội mới nên đưa ra quyết định.

Tôi nghĩ đúng hay sai ở đây chưa bàn nhưng UBND Thành phố Hà Nội phải xem xét lại cách làm.

Trong trường hợp này, chưa thể khẳng định là quyết định của Hà Nội đúng hay sai nhưng tôi khẳng định là cách làm chưa chuẩn và cần phải xem xét lại. Còn khi đã ra quyết định rồi, UBND Thành phố Hà Nội phải đối thoại với doanh nghiệp bị ảnh hưởng và cần phải trao đổi rõ các căn cứ pháp lý ra quyết định điều chỉnh như thế nào.

Trong trường hợp doanh nghiệp thấy quyết định đấy là sai, họ có quyền khiếu nại lên cấp trên của Hà Nội có chuyên môn là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu Bộ khẳng định quyết định của Thành phố Hà Nội là sai, UBND Thành phố Hà Nội cần thu hồi quyết định. Nếu Bộ vẫn khẳng định quyết định của UBND Thành phố Hà Nội là đúng, doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa hành chính để hủy.

Tòa sẽ là đơn vị có quyết định cuối cùng sơ thẩm, phúc thẩm, khẳng định là quyết định của UBND Thành phố Hà Nội là đúng hay sai”.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng khoa Luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội:

“Theo quy định của pháp luật nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư dự án BT hoặc BOT mà phải thành lập một pháp nhân thay mặt nhà đầu tư để đầu tư dự án BT, BOT.

Quyết định 5269 của UBND Thành phố Hà Nội sửa nội dung quan trọng nhất của Quyết định 3128 là chủ thể được giao đất. Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội sửa tên chủ sử dụng đất trong Quyết định 3128 từ Công ty Cổ phần Cienco 5 Land thành Tổng Công ty Công trình giao thông 5. Với việc sửa nội dung quyết định hành chính này, chủ sử dụng đất là Công ty Cổ phần Cienco 5 Land bỗng nhiên mất trắng hơn 182ha đất được giao cách đấy 12 năm để làm dự án BT. Ở chiều ngược lại, Tổng Công ty Công trình giao thông 5 được hưởng thụ 182ha đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng”.

“Dù chưa biết quyết định đúng hay sai nhưng việc điều chỉnh ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải phản ứng vì pháp luật quy định doanh nghiệp được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Mà từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tiền, giờ bằng một quyết định hành chính lấy đất giao cho người khác thì tôi cho rằng, câu chuyện bồi thường chắc chắn phải được đặt ra.

Thủ tướng nói Nhà nước kiến tạo, Nhà nước đồng hành, tôi cho rằng ở đây muốn hay không phải đặt ra câu chuyện bồi thường, còn cụ thể bồi thường như nào phải nói chuyện với nhau, thậm chí ra tòa án và doanh nghiệp phải có động tác bảo vệ quyền lợi của mình, cần làm rõ căn cứ pháp lý để ra quyết định này”.

Như vậy, với một quyết định không rõ căn cứ pháp lý, Hà Nội đang gây khó dễ cho nhiều Sở, ngành, trong đó người trực tiếp bị ảnh hưởng là người dân, chủ đầu tư. Việc ra quyết định điều chỉnh cũng cho thấy những căn cứ thiếu thuyết phục, khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi: Có hay không “lợi ích nhóm” trong vụ việc này?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load