Thứ năm 21/11/2024 20:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Hà Nội: Cần xem xét thu hồi quyết định chỉnh đối tượng giao đất gây dư luận bức xúc

12:12 | 10/12/2020

(Xây dựng) – Quyết định điều chỉnh đối tượng giao đất số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố Hà Nội tại dự án Khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5 (Hà Đông) không chỉ gây dư luận bức xúc bởi những căn cứ pháp lý thiếu thuyết phục, mà còn gây trở ngại lớn cho hàng trăm hộ dân và doanh nghiệp. Việc thẩm định thiết kế với nhiều căn biệt thự thấp tầng đang bị đình trệ, kéo dài; sự việc còn cho thấy dấu hiệu “lợi ích nhóm” cần phải được xem xét, thu hồi quyết định điều chỉnh.

Hà Nội: Cần xem xét thu hồi quyết định chỉnh đối tượng giao đất gây dư luận bức xúc
Phối cảnh dự án Khu đô thị Mỹ Hưng.

Quyết định điều chỉnh “vô lý” của UBND Thành phố Hà Nội

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, ngày 25/11/2020, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5269/QĐ-UBND về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây).

Tại Điều 1 của Quyết định: “Điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây về việc thu hồi 1.820.433m2 đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng – Cienco 5, như sau: Từ Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng Công ty xây dựng giao thông 5 – CTCP”.

Đây là một Quyết định điều chỉnh vô lý, bởi lẽ, trước hết Quyết định số 3128/QĐ-UBND thu hồi 1.829.433m2 đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng; Quyết định 3129/QĐ-UBND thu hồi 789.012m2 đất trên địa bàn huyện Thanh Oai để thực hiện dự án Khu đô thị Thanh Hà A và Dự án Khu đô thị Thanh Hà B; Quyết định 3130/QĐ-UBND thu hồi 1.080.255,6m2 để thực hiện dự án Khu đô thị Thanh Hà A và dự án Khu đô thị Thanh Hà B. Mục tiêu thu hồi đất để xây dựng 3 dự án này nhằm thực hiện 1 dự án BT với việc xây dựng tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có chiều dài 41,5km.

Vậy lý do nào để UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5269/QĐ-UBND nhằm chuyển giao dự án Khu đô thị Mỹ Hưng với diện tích 1.829.433m2 cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP? Trong khi, dự án BT do doanh nghiệp Cienco 5 là doanh nghiệp thực hiện dự án BT đang dở dang.

Theo hợp đồng BT được ký kết ngày 18/4/2008, do Sở Xây dựng Hà Tây – đại diện bên A và Nhà đầu tư là Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5; Doanh nghiệp dự án: Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 – đại diện bên B.

Hai bên thống nhất ký kết nội dung thực hiện hợp đồng BT là xây dựng trục đường phía Nam tỉnh Hà Tây với chiều dài 41km (theo thiết kế). Khu đất có diện tích 570,73ha trong đó bao gồm: Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 (gồm dự án khu A có diện tích 195,51ha và dự án khu B có diện tích 193,22ha) 987 và Khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5 có diện tích 180ha đã được quy hoạch để làm dự án.

Sở dĩ có sự xuất hiện của doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5trong hợp đồng BT, bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/11/2009 quy định: Các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dự án được thỏa thuận theo 1 trong các cách thức sau:

a, Doanh nghiệp dự án sau khi được thành lập, ký hợp đồng dự án cùng với nhà đầu tư thành một bên của hợp đồng dự án;

b, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án ký kết văn bản cho phép doanh nghiệp dự án tiếp nhận và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định tại hợp đồng dự án. Văn bản này là bộ phận không thể tách rời của hợp đồng dự án.

Mặt khác, cũng tại hợp đồng BT (mục 5.11) quy định, doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng này, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư và phải liên đới cùng với nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước bên A và pháp luật về các công việc do doanh nghiệp dự án thực hiện theo hợp đồng này…

Cũng tại Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ ký ngày 31/7/2008 giữa 2 bên: Ông Thân Đức Nam, chức vụ Tổng giám đốc – đại diện cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Bên A). Ông Phạm Văn Mạnh, chức vụ Tổng Giám đốc – đại diện Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Bên B).

Tại Điều 2 của Hợp đồng quy định: Bên A giao cho Bên B chịu toàn bộ trách nhiệm trực tiếp tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng, xây dựng và kinh doanh hợp đồng BT đường trục phía Nam Hà Tây với mức giao khoán lợi nhuận Bên B phải trích cho Bên A là 2% tính trên giá trị hợp đồng BT.

Tại Điều 6 của Hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của Bên B quy định: “Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dự án như quy định tại hợp đồng xây dựng – chuyển giao số 02/HĐBT ngày 18/4/2008.

Như vậy, căn cứ các quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 về việc đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, hợp đồng xây dựng – chuyển giao, căn cứ hợp đồng BT số 02 ngày 18/4/2008 ký kết giữa Sở Giao thông Vận tải Hà Tây và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông Cienco 5; căn cứ vào Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ ngày 31/7/2008 giữa Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thì doanh nghiệp dự án Cienco 5 đã được giao nhiệm vụ là nhà đầu tư của dự án BT .

Từ các cơ sở pháp lý trên cho thấy rằng, quyền và nghĩa vụ của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 đã cơ bản được chấm dứt đối với hợp đồng BT. Chỉ còn duy nhất là việc thanh toán 2% giá trị hợp đồng BT mà doanh nghiệp dự án Cienco 5 phải thanh toán và quyết toán cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5.

Vậy UBND Thành phố Hà Nội căn cứ vào đâu để ra Quyết định số 5269? Và dư luận đặt câu hỏi, liệu có “lợi ích nhóm” ở đây?

Khiến công tác thẩm định thiết kế hàng nghìn lô đất bị đình trệ

Theo tìm hiểu được biết, công tác thẩm định thiết kế cơ sở đối với hàng nghìn lô biệt thự tại dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 Hà Đông đang bị trì hoãn bởi một quyết định thiếu cơ sở pháp luật do UBND Thành phố Hà Nội ban hành gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đồng Xuân An – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Thành phố họp mấy lần thông báo phải điều chỉnh tên người được giao đất. Sở đã có công văn gửi chủ đầu tư để thực hiện, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện, vì vậy Sở Xây dựng không có cơ sở để thẩm định. Mặt khác, về thủ tục đầu tư, dự án này phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, vấn đề này không thuộc thẩm quyền của sở, mà cuả thành phố và các Sở liên quan”.

Trao đổi thêm về việc thẩm định thiết kế cho dự án, ông Đỗ Chí Hưng – Trưởng phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Trước chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Sở đã thẩm định 500 căn còn một số mẫu, hồ sơ không khớp hồ sơ trình ban đầu nên chúng tôi chưa thẩm định”.

Ông Đỗ Chí Hưng cũng cho biết thêm: Cả khu trong đó có khoảng trên 5.000 căn, đợt 1 chủ đầu tư trình khoảng hơn 500 căn, Sở đã thẩm xong, hiện còn khoảng hơn 4.000 căn nhưng do có thông báo của UBND Thành phố nên sở không tiếp nhận để thẩm định”.

Để làm rõ Quy hoạch phân khu của Hà Nội ký sau Quy hoạch chung Thủ đô ra đời, quy hoạch khu 3 (Khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco5) có thay đổi và nếu thay đổi thì thay đổi những gì, phía Sở Xây dựng cho rằng, vấn đề này cần chờ thêm ý kiến của Sở Quy hoạch Kiến trúc.

“Tất cả việc này, thành phố đã chỉ đạo hết rồi. Sở Xây dựng được Bộ Xây dựng uỷ quyền thẩm định phần thấp tầng còn cao tầng Bộ sẽ thẩm định. Bây giờ, chủ đầu tư phải thực hiện theo góp ý của các sở, ngành. Nếu không có thông báo của UBND Thành phố thì Sở không thực hiện theo ý kiến của chủ đầu tư được”, ông Hưng cho hay.

Dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5 không nhất thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư?

Theo Văn bản số 5049 KH&ĐT-ĐTCT ngày 7/10/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho ý kiến về thực hiện dự án Khu đô thị Thanh Hà, văn bản trích dẫn ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, tại Văn bản số 402/QLĐT-PPP ngày 26/3/2020 của Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về vốn đầu tư theo đối tác công tư. Tại Khoản 4, Điều 33 quy định: “Nhà đầu tư dự án BT không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và ký quỹ theo pháp luật về đầu tư để thực hiện dự án khác”.

Khoản 5, Điều 62, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư nêu rõ: “Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư thuộc diện quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành làm thay đổi nội dung văn bản quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định này”.

Như vậy, theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội thì dự án Khu Đô thị Thanh Hà Cienco 5 không nhất thiết phải điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư vì mục tiêu, quy mô, kinh phí đầu tư của dự án BT này hầu như không thay đổi.

Văn bản hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ: “Đối với việc thẩm định kế nhà ở thấp tầng tại dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5, đề nghị Sở Xây dựng thực hiện theo quy định”.

Hà Nội: Cần xem xét thu hồi quyết định chỉnh đối tượng giao đất gây dư luận bức xúc
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Theo quy định của pháp luật nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư dự án BT hoặc BOT mà phải thành lập một pháp nhân thay mặt nhà đầu tư để đầu tư dự án BT, BOT.

Quyết định 5269 của UBND Thành phố Hà Nội sửa nội dung quan trọng nhất của Quyết định 3128 là chủ thể được giao đất. Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội sửa tên chủ sử dụng đất trong Quyết định 3128 từ Công ty Cổ phần Cienco 5 Land thành Tổng Công ty công trình giao thông 5. Với việc sửa nội dung quyết định hành chính này, chủ sử dụng đất là Công ty Cổ phần Cienco 5 Land bỗng nhiên mất trắng hơn 182ha đất được giao cách đấy 12 năm để làm dự án BT. Ở chiều ngược lại, Tổng Công ty công trình giao thông 5 được hưởng thụ 182ha đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng”.

Như vậy, với một quyết định không rõ căn cứ pháp lý, Hà Nội đang gây khó dễ cho nhiều Sở, ngành, trong đó người trực tiếp bị ảnh hưởng là người dân, nhà đầu tư. Đơn vị đã “danh chính ngôn thuận” ký kết hợp đồng BT. Việc ra quyết định điều chỉnh cũng cho thấy những căn cứ thiết thuyết phục và manh nha động cơ “lợi ích nhóm”; hoặc đã có bàn tay quyền lực nào đó phía sau tác động vào?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Kim Thoa – Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load