(Xây dựng) – Sau khi Báo Điện tử Xây dựng thông tin về bức xúc của người dân về việc đất chùa Thanh Nhàn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa bị lấn chiếm, di tích xuống cấp nghiêm trọng nhưng chính quyền sở tại chậm xử lý, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND quận Đống Đa triển khai việc di dân, giải phóng mặt bằng khu vực bảo vệ I di tích chùa Thanh Nhàn.
Một số hộ dân xây dựng nhà ở sát với nhà thờ Tổ của chùa Thanh Nhàn. Đây là khu vực cấm xây dựng.
Chùa Thanh Nhàn (số 68, ngõ 318 đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội) là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lê, với diện tích rộng gần 5.000m2. Năm 1989, chùa Thanh Nhàn được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Hiện nay di tích này bị xâm phạm nghiêm trọng khiến không ít người dân và phật tử bức xúc. 22 hộ dân đang sinh sống trên đất của nhà chùa, trong đó có 13 hộ dân sống trong nội tự, cạnh nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ. Nhà chùa đã nhiều lần làm đơn, đến gặp trực tiếp lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa, lãnh đạo quận Đống Đa. Cấp nào cũng hứa sẽ cho người về chùa xem xét tình hình và hứa giải quyết sớm. Nhưng đến nay đã mấy năm sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều hạng mục tại chùa Thanh Nhàn đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau những cơn mưa lớn, nền nhà thờ Tổ ngập úng nước, tường bị ố, nước chảy ròng ròng từ mái xuống. Nhiều xà, kèo, cột đã bị mối mọt lâu ngày, các phật tử cùng với nhà chùa gia cố bằng cách chống các cột tre để giữ không bị đổ sập.
Hiện nhà thờ Mẫu của chùa đã hư hỏng, mái ngói sắp sập từ mấy năm nay nhưng các phật tử cùng nhà chùa không dám tu sửa vì sửa nhà thờ Mẫu sẽ làm đổ nhà dân trong chùa.
Về di tích này, Ban quản lý di tích danh thắng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã kiểm tra hiện trạng và có công văn số 03/BQLDT-NVCS ngày 02/01/2014 đề nghị UBND quận Đống Đa phối chỉ đạo các phòng chuyên môn, phối hợp với UBND phường Ô Chợ Dừa triển khai việc di dân, giải phóng mặt bằng khu vực bảo vệ I di tích chùa Thanh Nhàn, đặc biệt là trong các hạng mục kiến trúc, làm thủ tục tu bổ hạng mục của di tích theo thẩm quyền và các quy định của Luật Di sản văn hóa.
Công văn Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội đề nghị UBND quận Đống Đa di dân, giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích chùa Thanh Nhàn từ tháng 1/2014 đến nay chưa được thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 7 tháng qua, tại di tích chùa Thanh Nhàn, các công trình sai phạm vẫn hiện hữu, chưa có dấu hiệu xử lý của chính quyền sở tại.
Đề nghị UBND quận Đống Đa nghiêm túc thực hiện công văn đề nghị của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, trả lại không gian tôn nghiêm cho nhà chùa, đồng thời, khẩn trương tu bổ các hạng mục xuống cấp, đảm bảo an toàn và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của phật tử.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Phương Liên
Theo