(Xây dựng) – Xây dựng những công trình tự cân bằng năng lượng là một giải pháp hay để hướng đến mục tiêu thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực còn rất mới mẻ tại nước ta với nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết.
Công trình tự cân bằng năng lượng là một khái niệm còn mới mẻ tại Việt Nam (ảnh: Sở VHTTDL Điện Biên). |
Các khó khăn để triển khai công trình ZEB tại Việt Nam
Công trình cân bằng năng lượng (Zero Energy Building – ZEB) được hiểu là công trình có mức sử dụng năng lượng thực tế gần như bằng 0, nghĩa là tổng năng lượng sử dụng trong một năm ở công trình xấp xỉ với mức năng lượng tái tạo được sinh ra ở công trình đó. Như vậy, công trình ZEB sẽ hướng đến mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức gần như bằng 0.
Việc thực hiện những công trình này sẽ đòi hỏi việc sử dụng năng lượng cực kỳ hiệu quả và hợp lý để công trình tiêu thụ năng lượng ở mức thấp nhất có thể. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với một quốc gia chưa từng có kinh nghiệm trong việc thực hiện công trình ZEB như Việt Nam.
Với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay đang có một số khó khăn chủ yếu cần phải giải quyết để mở đường cho việc triển khai các công trình ZEB.
Đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế. Trong các văn bản pháp luật hiện nay liên quan đến tiết kiệm năng lượng chưa có một văn bản nào đề cập đến loại hình công trình ZEB. Bây giờ, Chính phủ và các Bộ, ngành cần thiết phải nghiên cứu để đưa khái niệm này vào các văn bản pháp luật, ví dụ như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định hướng dẫn Luật đó hay các Thông tư cần phải có khái niệm, định nghĩa rõ ràng, thế nào là công trình ZEB, từ đó sẽ đề ra các quy định và cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển loại hình công trình này.
Khó khăn tiếp theo liên quan đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Hiện nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về loại hình công trình ZEB. Về mặt văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật… chưa có văn bản nào quy định cụ thể về nội hàm, định nghĩa, các yêu cầu kỹ thuật hay đánh giá, chứng nhận loại hình công trình này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thiếu các công cụ đánh giá, chứng nhận công trình tự cân bằng năng lượng.
Một trở ngại khác để phát triển công trình ZEB tại nước ta là cơ chế ưu đãi cho các chủ dự án phát triển loại hình công trình này, ví dụ như ưu đãi vay vốn tín dụng xanh, ưu đãi về thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng, ưu đãi về chứng chỉ carbon… Việc thiếu cơ chế ưu đãi sẽ khiến các doanh nghiệp thiếu hẳn động lực và điều kiện thuận lợi để đầu tư vào một lĩnh vực mới mẻ có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít rủi ro.
Hơn nữa, vì đây là một lĩnh vực mới mẻ nên vấn đề tăng cường năng lực cho các chủ thể liên quan cũng rất quan trọng, đặc biệt là chủ dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, vận hành công trình ZEB để họ có được những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về mặt thiết kế, thi công, vận hành công trình.
Cuối cùng, Chính phủ và các Hội, Hiệp hội cần chứng nhận, các đơn vị truyền thông, báo chí cần vinh danh các dự án công trình ZEB để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển dạng công trình này.
Việt Nam cần phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau
Để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản có liên quan, trong đó có việc phát triển công trình ZEB và tiến tới công trình trung hòa carbon. Tại Điều 7 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng có quy định cụ thể về cơ chế chính sách khuyến khích các loại hình công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Mỗi Bộ, ngành cũng đã ban hành các văn bản chi tiết để thúc đẩy phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới. Ví dụ, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 có quy định về khuyến khích các loại hình công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Các quy định này chưa có khái niệm về công trình ZEB, nhưng đó cũng là một nội hàm của dạng công trình này.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng nội hàm về công trình ZEB, công trình phát thải ròng bằng 0, từ đó tạo ra khung pháp lý cao nhất để Chính phủ xây dựng Nghị định và các Bộ, ngành ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng, trình Chính phủ xem xét phê duyệt dự thảo Quyết định về cơ chế tín dụng xanh cho các dự án công trình xanh, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm nay.
Để thực hiện công trình ZEB, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ các quốc gia đi trước trong lĩnh vực này, ví dụ như Nhật Bản (ảnh: Dịch Phong). |
Một giải pháp quan trọng khác cần phải thực hiện để thúc đẩy phát triển công trình ZEB là xây dựng công cụ đánh giá các tiêu chuẩn của dạng công trình này. Các nội dung của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD và QCVN 09:2017/BXD) chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn của công trình ZEB. Bởi vậy, Việt Nam bắt buộc phải xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mới có thể tạo điều kiện cho việc triển khai công trình tự cân bằng năng lượng.
Nhưng sau khi hệ thống Luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn “mở đường”, tạo động lực cho việc phát triển công trình ZEB, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng sẽ phải quan tâm đến việc tăng cường năng lực cho các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp. Trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, đào tạo về nội dung tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, công trình ZEB có yêu cầu cao hơn rất nhiều so với công trình tiết kiệm năng lượng theo các Quy chuẩn đã được ban hành. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải cập nhật, đáp ứng những yêu cầu mới khắt khe. Quá trình này sẽ đòi hỏi một thời gian lâu dài và đối với một quốc gia chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mới mẻ này như Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của những quốc gia đi trước, ví dụ như Nhật Bản.
Từ lâu nay, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng như GIZ (Đức), Ngân hàng thế giới (WB), Chính phủ Hoa Kỳ, Đan Mạch… Các khóa đào tạo, tập huấn sẽ tăng cường năng lực cho các bên liên quan, chủ yếu tập trung vào khía cạnh phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng.
Đối với việc phát triển công trình ZEB tại Việt Nam chỉ đang ở những bước đầu tiên, Nhật Bản đã hỗ trợ một khóa tập huấn đầu tiên và Bộ Xây dựng cũng có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với nước bạn về lĩnh vực này trong thời gian tới. Sau khi hệ thống văn bản pháp luật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình ZEB được ban hành, chắc chắn sự hợp tác, hỗ trợ từ quốc tế dành cho Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng lưu ý rằng, Việt Nam và các nước nhiệt đới nói chung có khí hậu nóng ẩm, khác hẳn với khí hậu lạnh khô như ở Nhật Bản. Do đó, các giải pháp về công nghệ để xây dựng công trình ZEB tại Việt Nam sẽ có sự khác biệt so với nước bạn.
Ông Nguyễn Công Thịnh chia sẻ: “Hiện nay, Nhật Bản đang tập trung vào các giải pháp công nghệ và thiết bị. Nhưng Việt Nam thì khác, điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta còn khó khăn, khả năng đầu tư của doanh nghiệp còn kém thì phải lựa chọn những giải pháp phù hợp hơn, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời”.
Nói tóm lại, để có thể triển khai xây dựng công trình ZEB thì Việt Nam sẽ phải kết hợp thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Dịch Phong
Theo