(Xây dựng) – UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 6690/UBND-NC về việc thực hiện Kết luận số 841/KL-HĐND ngày 27/9/2024 của Thường trực HĐND tỉnh, về giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024.
Tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện, tổ chức diễn tập về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở và lực lượng dân phòng. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt đến lãnh đạo, cán bộ trong cơ quan, đơn vị, địa phương nội dung Báo cáo số 147/BC-ĐGS ngày 25/9/2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024, trong đó chú ý đến các nội dung đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra biện pháp khắc phục kịp thời.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 328/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Dự án hiện đại hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tập trung hỗ trợ trang cấp cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và lực lượng dân phòng giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn năm 2030; Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 04/4/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 01/7/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Công an tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...); kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho các lực lượng phòng cháy chữa cháy các cấp, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất, nhất là ở cơ sở. Tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện, tổ chức diễn tập về phòng cháy chữa cháy tại cơ sở và lực lượng dân phòng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng là lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ phụ trách quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy ở các địa phương.
Chủ động phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin truyền thông xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng chữa cháy, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; các tài liệu cảnh báo về nguy cơ dễ gây ra cháy, nổ…; có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có hàng hoá nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn...
Thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tăng cường vận động người dân tự giác giao nộp và tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật. Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp theo thẩm quyền được gia. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn theo quy định; kịp thời kiến nghị các biện pháp khắc phục những vi phạm, sơ hở về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình; kiểm soát chặt chẽ điều kiện về phòng cháy chữa cháy đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chung cư, nhà ở liền kề, các cơ sở sản xuất có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ; chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thường trực sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Sở Công Thương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo thẩm quyền; triển khai nghiêm túc, đảm bảo chất lượng công tác huấn luyện và kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ; kết hợp tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, cơ sở bảo quản, kinh doanh vận chuyển hoá chất trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ… Chủ trì tham mưu xây dựng hoàn thiện quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy chế phối hợp huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 5 Điều 12, Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng. Đầu mùa khô hàng năm, tham mưu Ban Chỉ huy phòng cháy và chữa cháy rừng thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy rừng tại các địa phương, đơn vị, chủ rừng; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm kiểm tra đột xuất an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng trong suốt mua khô hanh.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp duy trì và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, nhất là về giao thông, nguồn nước chữa cháy tại các khu công nghiệp. Thường xuyên kiểm tra xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các khu công nghiệp chưa đảm bảo đầy đủ hạ tầng kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy; chú trọng công tác hậu kiểm để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra thực chất hiệu quả. Tăng cường phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
UBND cấp huyện thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời quy định của pháp luật, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống cháy nổ; đổi mới nội dung, hình thức đảm bảo phù hợp với từng đối tượng ở các khu vực, thành phần xã hội; xây dựng và phát huy hiệu quả phòng trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, các mô hình phòng cháy chữa cháy. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và cơ sở thuê trọ theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5905/UBND-NC ngày 15/10/2024. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ sở và chủ rừng chủ động phương án và thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy; đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” trong chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Thảo Phương
Theo