Thứ ba 05/11/2024 01:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút

11:16 | 17/03/2023

(Xây dựng) - Hàng trăm ngàn m3 đất khai thác trái phép, rút ruột tài nguyên đất diễn ra rầm rộ, ngang nhiên trên địa bàn xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, thế nhưng các cơ quan chức năng sở tại “làm ngơ”, hoặc xử lý cho có, rồi tình trạng khai thác “đất lậu” lại diễn ra công khai thời gian dài, gây bức xúc dư luận.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Điểm san lấp đất trái phép, hàng trăm mét khối cách UBND xã Trúc Sơn khoảng 500m, nhưng không bị xử lý gây bức xúc cho người dân địa phương (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn xã Trúc Sơn nói riêng, trên địa bàn huyện Cư Jút nói chung nhìn đâu cũng thấy xe đất chạy nhộn nhịp, náo loạn.

Ngày 16/3, có mặt tại xã Trúc Sơn, không khó để phát hiện những bãi san lấp đất trái phép “khủng” như phản ánh của người dân, bởi tình trạng này diễn ra trên mặt tiền đường Quốc lộ 14 (đoạn qua xã Trúc Sơn). Cách UBND xã khoảng 1-2km, dọc tuyến Quốc lộ 14, phóng viên đã ghi nhận rất nhiều điểm khai thác, san lấp vận chuyển đất trái phép với quy mô lớn. Tiếp cận một bãi san lấp đất phía bên phải (hướng Cư Jút đi Gia Nghĩa) chúng tôi “đứng hình” trước quy mô số lượng của điểm san lấp này. Nguyên 1 quả đồi đã bị đục khoét, hàng ngàn m3 đất đã được san lấp xuống khu vực bên cạnh có độ sâu hàng chục mét. “Không chỉ san lấp tại chỗ này đâu, các anh thấy đấy vệt bánh xe ra vào liên tục, hàng ngày có hàng chục xe chở đất ra vào. Đất rơi vãi nhuộm vàng cả mặt đường là biết đưa đi san lấp nơi khác. Ở đây còn nhiều điểm khai thác lắm, khai thác từ năm này qua năm khác, chạy ầm ầm ngoài đường có ai xử lý đâu. Lên xe tôi dẫn các anh đến các điểm khác còn khủng hơn…” - một người dân dẫn đường cho hay.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Một quả đồi đang bị “đất tặc” đục khoét, cách UBND xã khoảng 1km nhưng ông Trần Đình Nam – Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn cho rằng không hề có san lấp đất trái phép trên địa bàn (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Theo quan sát của phóng viên, để vào được điểm san lấp này “đất tặc” đã ngang nhiên phá những cọc tiêu cảnh báo an toàn giao thông bên đường Quốc lộ 14, để đưa các phương tiện vào vận chuyển, san lấp đất trái phép.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Cọc tiêu cảnh báo an toàn, dọc hành lang Quốc lộ 14 nằm xõng xoài do đất tặc mở đường vào khai thác, vận chuyển đất ra ngoài (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Dẫn chúng tôi tới một điểm san lấp khác cách đó mấy trăm mét, phía bên kia đường người dân này cho biết, điểm này khai thác đã mấy năm, hàng trăm ngàn mét khối đất đã được chở đi bán, mỗi xe đất 5m3 được bán với giá 300.000 - 500.000 ngàn đồng/xe, đất được đưa đi san lấp khắp địa bàn huyện.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Hàng ngàn m3 đất được san lấp ngay bên mặt tiền Quốc lộ 14, cách UBND xã Trúc Sơn 1km, nhưng lãnh đạo xã này lại chối “bay” là không có việc san lấp (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, để che mắt, các điểm san lấp này đã đục khoét phía bên trong quả đồi, sau nhiều năm những quả đồi này đã hạ thấp cốt nền, ngang với mặt đường Quốc lộ 14. Mảng đất làm khiên che chắn với Quốc lộ 14 đã dần hiện rõ “bản mặt” bởi những điểm khai thác này đã ăn ra mặt tiền đường quốc lộ.

Tại hiện trường một điểm san lấp, chúng tôi sửng sốt trước độ liều lĩnh của “đất tặc”, bởi đường dây cáp quang, đường dây điện chạy dọc Quốc lộ 14, nhiều trụ đã chỏng vó, đổ nghiêng ngả, thậm chí gãy đôi. Những sợi dây điện nằm chơ chõng trên mặt đất khiến chúng tôi rợn tóc gáy.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Cột điện bị đổ, gãy ngang, dây điện nằm là là trên mặt đất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do “đất tặc” đục khoét, nhưng chính quyền địa phương lại phó mặc, không hề hay biết? (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Sau khi được người dân làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” về những điểm khai thác, vận chuyển đất chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Trúc Sơn để nắm thông tin về vụ việc. Ông Trần Đình Nam – Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn, liên tục hỏi phóng viên là những điểm san lấp “ở đâu”, “chỗ nào vậy ta”, “làm gì có”, sau khi chúng tôi đưa những hình ảnh hiện trường thì ông Nam mới mường tượng được những điểm san lấp. “San lấp trước đây thôi, giờ làm gì có. Trước đó, chúng tôi đã lập biên bản xử phạt hành chính. Có chỗ xử phạt 3 triệu đồng. Nhiều chỗ đã xử lý hành chính. Nhiều chỗ số lượng lớn, vượt thẩm quyền thì huyện xử lý” - ông Trần Đình Nam nói.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Một số trụ điện bật gốc nằm vắt ngang trên lưng dốc khiến chúng tôi khiếp vía (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Theo ông Trần Đình Nam, chỗ có cột điện bị đổ gãy là chỗ múc đất của Công ty 323 múc làm đường quốc lộ trước đó, còn hiện trường thể hiện mới múc đất thì chắc “mấy đứa” vét mấy xe thôi.

Sau khi trao đổi, chúng tôi trực tiếp dẫn ông Trần Đình Nam, đi đến các điểm vận chuyển khai thác thì ông Nam vẫn thản nhiên, cho rằng việc san lấp đó là bình thường, ở Tây Nguyên chỗ nào chả có, tình trạng chung. Khi phóng viên chỉ điểm những hộ dân đã san lấp bên mặt tiền đường Quốc lộ 14, với số lượng lớn đất thì ông Nam cũng cho rằng đó là điều đương nhiên, bởi chỉ tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Trụ điện bật gốc, nằm chía ngọn xuống Quốc lộ 14, khiến ai đi qua cũng “vã mồ hôi hột” (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Để làm rõ tình trạng san lấp đất trái phép trên địa bàn cùng nhiều vấn đề liên quan khác, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trực tiếp vào trụ sở UBND huyện Cư Jút để đặt lịch làm việc nhưng Chủ tịch UBND huyện, cùng Chánh văn phòng đi vắng. Phóng viên đã nhiều lần gọi điện, thậm chí nhắn tin rõ ràng, rành mạch về nội dung làm việc nhưng Chánh Văn phòng UBND huyện là ông Võ Xuân Dương, không hề có hồi âm. Tiếp theo đó, phóng viên liên lạc vào số máy của ông Nguyễn Anh Tú – Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, điện thoại đổ chuông nhưng không có người cầm máy. Khi phóng viên nhắn tin nội dung làm việc thì khoảng vài tiếng đồng hồ sau ông Tú mới nhắn tin, báo bận họp. Phóng viên tiếp tục nhắn tin về việc muốn UBND huyện sắp xếp lịch làm việc nhưng ông Nguyễn Anh Tú không có phản hồi nào.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Theo người dân, nguồn thu nhập của đất tặc là rất “khủng” bởi 1 xe đất 5 m3, có giá 300.000-500.000 ngàn/xe. Với việc hàng ngàn m3 đất chuyển đi san lấp thì con số này rất khổng lồ (ảnh ngày 16/3/2023).

Có hay không việc cố tình gây khó dễ, “né” tránh báo chí của lãnh đạo UBND huyện Cư Jút. Bởi trước đó, phóng viên Báo điện tử Xây dựng cũng đã nhiều lần liên hệ để làm việc với huyện này về vụ việc lùm xùm, khiếu kiện kéo dài tại Dự án khu dân cư tổ dân phố 3, thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút) mà Báo điện tử Xây dựng đăng tải trước đó.

Đắk Nông: Thấy gì từ vụ việc “đất tặc lộng hành” tại huyện Cư Jút
Xe đất thong dong chạy trên Quốc lộ 14, thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút nhưng không hề thấy cơ quan chức năng nào xử lý, gây bức xúc dư luận (ảnh chụp ngày 16/3/2023).

Ngọc Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load