Thứ sáu 26/04/2024 05:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?

12:08 | 23/03/2023

(Xây dựng) - Trước thực trạng lợi dụng “sáng kiến” hạ điền để khai thác đất sét trái phép diễn ra hàng chục năm qua trên địa bàn xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền địa phương dường như đã cố tình “làm ngơ” trước vấn nạn này, khiến hàng triệu m3 đất sét đã biến mất, hiện trạng là những “cánh đồng chết”, bụi bặm, ô nhiễm môi trường và các hệ hụy…

Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?
Hàng trăm lò gạch vẫn đang mặc nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường dù đã có chỉ đạo “khai tử”.

Chính sách cải tạo, thu gom đất sét…

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, vào năm 2015, UBND xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Krông Ana cho hạ điền hàng trăm héc-ta tại nhiều cánh đồng chuyên trồng lúa trên địa bàn. Bởi theo các địa phương này, những diện tích trên thường thiếu nước trong vụ Đông Xuân, năng suất thấp, thậm chí mất trắng nên cần hạ thấp để đảm bảo nguồn nước cấy 2 vụ.

Vì vậy, việc hạ điền từ 1 - 2m tại các cánh đồng này sẽ tận dụng được khối lượng đất sét lớn để làm nguyên liệu cho các lò gạch trên địa bàn. Sau khi hạ điền, những diện tích lấy hết cao độ cho phép sẽ được trả lại mặt bằng và tiếp tục sản xuất.

Vào tháng 3/2015, UBND huyện Krông Ana phê duyệt phương án hạ điền trên địa bàn xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp và làm tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk. Tháng 5/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản cho phép huyện thực hiện phương án trên và đề nghị các chủ lò gạch đăng ký khối lượng đất sét thu gom và thực hiện việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?
Theo đề xuất của UBND huyện Krông Ana, việc hạ thấp chỉ được thực hiện từ 1-2m sâu nhưng do buông lỏng quản lý của các cơ quan địa phương, các chủ lò gạch đã khai thác, múc sâu cả chục mét

Đến năm 2018, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngừng toàn bộ các hoạt động liên quan đến khai thác đất sét trên những cánh đồng thuộc xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp. Thậm chí để bảo vệ khoáng sản đất sét UBND huyện Krông Ana đã cấp kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các địa phương trên thành lập tổ ngăn chặn, bảo vệ những “cánh đồng chết” này. Tuy nhiên, tình trạng khai thác đất sét đến nay vẫn diễn ra rầm rộ, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên thiên nhiên nhưng các cơ quan chức năng sở tại lại “làm ngơ” phó mặc.

Cơ quan chức năng nói gì?

Sau khi có quyết định cấm khai thác đất sét trái phép trên địa bàn xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp, thì tình trạng khai thác này vẫn diễn ra rầm rộ, để né dư luận, các chủ lò gạch cho khai thác vào những giờ cao điểm, ngày nghỉ của các cở quan, thậm chí khai thác vào lúc rạng sáng… Nhưng đến nay các chủ lò gạch đã ngang nhiên công khai, khai thác. Cách đồng nhiều nơi đã biến thành mặt hồ do đựng nước, nhiều chỗ bị đào sâu cả chục mét biến thành những vực sâu nguy hiểm…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vấn nạn khai thác đất sét trái phép diễn ra hàng chục năm trên địa bàn huyện, ông Trần Đình Chiến – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana cho biết, những lò gạch chủ yếu tập trung trên 2 địa bàn, xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp. Tính đến nay có gần 140 lò đang hoạt động sản xuất gạch từ vật liệu đất sét.

Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?
Sau khi có chủ trương hạ điền các “đầu nậu” tha hồ băm nát, khai thác đất sét, biến ruộng thành những “cánh đồng chết”

Theo ông Trần Đình Chiến, những lò gạch này hình thành những năm 1998, chủ yếu là các lò thủ công nằm rải rác ở 2 địa bàn xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp hiện nay. “Năm 2018 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến khai thác đất sét ở địa bàn huyện. Hiện nay vẫn còn tình trạng khai thác đất sét là do cách chủ lò gạch kí hợp đồng với các hộ đồng bào trước đó, nhưng do chưa thực hiện nên giờ mới cải tạo để trả lại mặt bằng. Huyện nghiêm cấm mọi hành vi khai thác đất sét, huyện làm rất quyết liệt. Thậm chí, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra xử lý, đánh giá trữ lượng sét còn tồn động, đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập tổ bảo vệ để kiểm tra, xử lý việc khai thác đất sét trên địa bàn”, ông Chiến nói.

Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?
“Cánh đồng chết” biến thành ao hồ hàng ngàn mét nước mặt tại xã Ea Bông do nạn khai thác đất sét trái phép diễn ra nhiều năm qua

Theo trả lời của ông Trần Đình Chiến, thì mọi hành vi cải tạo hay khai thác đất sét trên địa bàn xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp đều vi phạm pháp luật, bởi năm 2018 đã có chỉ đạo buộc dừng thăm dò, khai thác từ UBND tỉnh. Thậm chí, đến năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định 35, buộc chấm dứt mọi hoạt động sản xuất các lò gạch trên địa bàn huyện Krông Ana. Tuy nhiên, điều đáng bàn là mặc cho mọi lệnh cấm đến nay gần 140 lò gạch vẫn mặc nhiên tồn tại, khói bụi ô nhiễm môi trường… Không những thế tình trạng khai thác đất sét trên “cánh đồng chết” xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp, đang diễn ra rầm rộ, công khai mà không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra nào của huyện hay của xã xử lý như trả lời Cơ quan Báo chí của ông Trần Đình Chiến.

Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?
Dù đã ban hành “lệnh cấm” từ năm 2018, nhưng đến nay trước sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng địa phương tình trạng khai thác sét trái phép vẫn diễn ra công khai, rầm rộ.

Tại hiện trường phóng viên ghi nhận, hàng trăm m3 đất sét mỗi ngày vẫn đang bị khai thác trái phép, xe tải ben, máy xúc hoạt động huyên náo, tấp nập như mỏ được cấp phép. Chủ trương hạ điền theo đề xuất của UBND huyện Krông Ana, chỉ được hạ thấp 1-2m, thì đến nay, con số đó đã lên đến hàng chục mét sâu. Những cánh đồng nhiều chỗ đã biến thành những hố sâu hoắm, đựng nước động, mùa mưa biến thành mặt hồ khổng lồ.

Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?
Đắk Lắk: Chính quyền nói gì về “cánh đồng chết” ở Krông Ana?
Hàng trăm lò gạch bị “khai tử”, vẫn hoạt động náo nhiệt như chưa hề có “lệnh cấm”.

Điều đáng nói là việc ra “sáng kiến” hạ điền, sau đó phó mặc cho các lò gạch khai thác đất sét vô tội vạ, gây thất thoát tài nguyên, thất thoát tiền thuế Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, trách nhiệm chính thuộc về UBND huyện Krông Ana, bởi đã buông lỏng quản lý, không kiểm tra xử lý triệt để, để tình trạng khai thác đất sét trái phép vẫn tồn tại và đang tiếp diễn. Không những thế, khu vực xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp có trữ lượng sét rất lớn, vẫn chưa được bất kì cơ quan chức năng nào cấp phép khai thác. Thế nhưng thực trạng lại bị băm nát, tan hoang, biến tướng gây ra nhiều hệ lụy. Vậy ai, đơn vị hay cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm?

Ngọc Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load