(Xây dựng) – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng bên hành lang Quốc hội về những bất cập, hạn chế trong cấp phép xây dựng, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: Một giấy phép xây dựng ra đời, đằng trước nó là cả một hệ thống thủ tục khác nhau. Đặc biệt hiện nay, có tình trạng, cán bộ xét duyệt ở những khâu đầu tiên hay “uốn éo”, “vẹo vọ” người khác để gây khó dễ cho người ta. Vấn đề này phải được quy định chặt chẽ về mặt thẩm quyền, thời hạn và phải được công khai minh bạch thì mới hạn chế được tiêu cực trong cấp phép xây dựng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, có tình trạng cán bộ “uốn éo”, “vẹo vọ” trong cấp phép xây dựng. |
Công khai minh bạch để hạn chế tiêu cực trong cấp phép xây dựng
Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, một giấy phép xây dựng ra đời, đằng trước nó là cả một hệ thống thủ tục khác nhau về quốc phòng, an ninh, chiều cao, tĩnh không, những vấn đề liên quan đến tranh chấp giáp ranh…, có thể nói, rất nhiều thủ tục.
“Đặc biệt, hiện nay có tình trạng, cán bộ xét duyệt ở những khâu đầu tiên anh hay “uốn éo”, “vẹo vọ” người khác, cái này để 3m, 6m, đi đi, lại lại rồi lại quay về 3m … để rồi gây “khó dễ” cho người ta”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Đại biểu cũng cho rằng: “Cần quy định rất chặt chẽ về mặt thẩm quyền, thời hạn. Thứ hai là giảm bớt các thủ tục, chúng ta chỉ nên xem xét những khía cạnh là điểm mấu chốt, còn lại những vấn đề quá chi tiết thì để cho người xin cấp phép chủ động, miễn là cơ quan cấp phép đặt ra những quy chuẩn, ví dụ không được xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo. Và nếu không cho như thế phải tiến hành thanh tra cho đập. Do vậy, vấn đề chính là ở quy chuẩn, tiêu chuẩn và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ấy nó quy định đối tượng cấp phép và không phải cấp phép là như thế nào. Đặc biệt theo tôi là thời hạn, thẩm quyền cấp phép phải công khai minh bạch thì mới đảm bảo hạn chế ít nhất tiêu cực trong cấp phép xây dựng”.
Nói về thực trạng trong việc cấp phép, xin giấy phép xây dựng, trong phiên thảo luận tại tổ ngày 18/11, Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Hiện có tình trạng xin giấy phép xây nhà ở nhưng sau đó lại sử dụng vào mục đích khác như làm nhà xưởng, nhà 3 chung (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà), làm cơ sở thờ tự…, Luật Xây dựng sửa đổi phải điều chỉnh vấn đề này. Quy trình thẩm định cấp phép xây dựng cần cải cách thủ tục hành chính.
Về quy trình, thủ tục trong cấp phép xây dựng, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ và UBND thành phố Hồ Chí Minh mới đây, phía HoREA cũng cho rằng, quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Nhưng, theo Luật Xây dựng hiện nay lại tách thành 3 quy trình, trong đó Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) có thẩm quyền rất rộng trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hoạt động xây dựng, an toàn... Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, thì tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75m) trong toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (2 lượt thẩm định). Đặc biệt, sau khi đã được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng ở địa phương để xin cấp giấy phép xây dựng.
Do vậy, HoREA đưa kiến nghị nên tích hợp quy trình cấp phép xây dựng và nên giao về cho các địa phương để giảm bớt quy trình, thủ tục và Bộ cũng “đỡ việc ”.
Cần những quy định khung trong cấp phép xây dựng tại các vùng nông thôn
Bày tỏ sự tán thành với những điểm mới mang tính đột phá của Dự án Luật Xây dựng sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng lưu ý về vấn đề cấp phép xây dựng nhà ở tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
“Dự án Luật Xây dựng sửa đổi đã tiếp thu được nhiều ý kiến của cử tri cũng như các đại biểu. Trong quá trình thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cũng đánh giá đây là đạo luật có nhiều điểm mang tính tiến bộ, đột phá, tuy nhiên, riêng Luật cần lưu ý một số điểm, trong đó có việc cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn, vấn đề cấp phép hay không cấp phép có nhiều điểm rất đáng lưu ý. Bởi quan điểm của tôi, không phải cứ xây nhà ở nông thôn là không cần cấp phép, mà cần nghiên cứu nhà ở nông thôn ở các khu vực trung tâm, các trung tâm hành chính xã, trung tâm thôn hoặc các vùng thị tứ… nhưng ở các vị trí gần khu di tích, khu bảo tồn thì vẫn phải xem xét cấp phép xây dựng để quản lý nhằm đảm bảo tránh ảnh hưởng cảnh quan chung cũng như quy hoạch xây dựng và tốc độ đô thị hoá ở nông thôn”.
Đại biểu cũng đặc biệt lưu ý: “Nếu vùng sâu vùng xa, đặc biệt vùng dân tộc người ta có phong tục tập quán riêng, điều quan trọng không phải là cấp phép mà như tôi đã nói, ở những vùng đó, khu vực cụ thể nào chúng ta phải xem xét phê duyệt, chứ không phải thủ tục giống như cấp phép ở thành thị. Ở những khu vực đó, thay vì cấp phép, anh phải vừa hướng dẫn, vừa động viên đồng bào, cụ thể, quy định ở đây không được để ngõ nhỏ để đường cho xe phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, hoặc đây là khu vực di tích không được xây, do vậy cần có quy định khung để UBND, chính quyền địa phương dễ tuyên truyền cho bà con”.
Cho ý kiến về vấn đề này, trong phiên thảo luận tại tổ, Đại biểu Đặng Quốc Khánh (Hà Giang) cũng cho rằng: Có nhiều khó khăn đối với việc cấp phép với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, chính vì vậy Luật Xây dựng sửa đổi cần có quy định cụ thể nhằm xử lý được các vấn đề trong thực tế.
Kim Thoa
Theo