Từ chỗ 2 bàn tay trắng đến Bình Dương làm công nhân, hàng nghìn người lao động nhập cư đã có chỗ ở ổn định tại nhà ở xã hội giá rẻ trong các khu đô thị. Ở đó, người lao động chủ động vun vén xây dựng không gian chung sống cộng đồng ngày một tốt hơn.
Một khu nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: K.V |
Từ ở trọ đến có nhà ở cố định
Trước tình trạng giá nhà đất tăng chóng mặt, người lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương lập nghiệp đa số phải đi ở trọ, không gian sống chật hẹp, thiếu thốn. Từ năm 2015, tỉnh Bình Dương chủ chương xây dựng những khu nhà ở giá rẻ cho người lao động có thu nhập thấp. Từ đây, hàng nghìn công nhân lao động có được cơ hội “an cư lập nghiệp”.
Anh Võ Văn Chỉnh (30 tuổi, quê Thanh Hóa) là một trong những công nhân lao động xa quê đến Bình Dương mưu sinh. Cách đây 5 năm, anh còn ở trọ nhưng nay đã làm chủ căn hộ tại khu nhà ở xã hội Định Hòa (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), đời sống của gia đình anh Chỉnh đã thay đổi rất nhiều.
“Trước đây đi ở trọ phòng chật hẹp, sinh hoạt bất tiện. Bạn bè đến chơi, ở lại cũng khó. Khi vào công ty làm việc mình đọc trên mạng thấy có thông tin dự án nhà ở giá rẻ cho người lao động bán 1 căn chưa đến 100 triệu đồng. Hai anh em mình đã bàn và thấy hợp lý nên vào xem nhà và đăng ký mua. Mình đăng ký mua và trả xong chỉ hết 105 triệu đồng. Cho đến bây giờ đã thực sự “an cư lập nghiệp”. Nhà ở đã rồi, công việc đều và cuộc sống càng ngày càng phát triển hơn. Đáng nói ở trong căn hộ mình làm chủ thì thoải mái hơn về mọi mặt, ăn uống, nấu nướng, sinh hoạt được thuận tiện hơn” - anh Chỉnh chia sẻ.
Cùng là người lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương lập nghiệp, chị Trương Thị Bích Liên (37 tuổi, quê Bình Định) luôn mong muốn có nơi ở ổn định để lo cho con cái học hành. “Hồi đó kinh tế vợ chồng còn khó khăn, cố gắng gom góp được 280 triệu đồng, gia đình mình mua 2 căn liền nhau. Số tiền vừa sức hai vợ chồng vì vậy không phải nợ nhiều. Mua được căn nhà mình rất mừng, trước đây đi ở trọ chỉ mong ước có một nơi ở cố định thì giờ đây đã thực hiện được. Có nhà ở, hai vợ chồng tập trung công việc làm ăn và lo được cho các con học hành tốt hơn” - chị Liên chia sẻ.
Chị Dương Thị Ngọc Quý (39 tuổi, quê Phú Yên) đến Bình Dương sinh sống đã 20 năm. Trước kia chị đi thuê trọ cứ một thời gian lại chuyển nơi ở mới. Nhưng nay, chị Quý xác định sẽ gắn bó với khu nhà ở Định Hòa. “Mình nghe mọi người kháo nhau có căn hộ giá chỉ 100 triệu đồng mà không tin. Khi đi tìm thì mới tin, tuy nhiên lúc đó chưa có ai ở nên ban đầu đắn đo. Sau đó thấy cũng gần nơi đi làm và phù hợp với điều kiện kinh tế mới quyết định mua. Đến nay thì cuộc sống đã ổn định, các con đi học thuận tiện, công việc của mình cũng có sự phát triển để lo cho các con” - chị Quý nói.
Chung tay vun vén cho không gian sống tốt hơn
Trong các dự án nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, có lẽ khu Định Hòa có không gian khang trang hơn cả. Đến nay, sau hơn 4 năm đưa vào vận hành, cư dân đã ở đông đúc. Có khu giữ trẻ, khu tập thể thao, cửa hàng mua sắm... Điều đặc biệt, cư dân ở đây sau những giờ làm việc trở về cùng chung tay vun vén cho không gian sống sạch hơn đẹp hơn và dần gắn kết với nhau hơn.
Ở hành lang lối đi, khu đổ rác luôn được cư dân ý thức giữ vệ sinh sạch sẽ. Trước kia thường xảy ra trộm cắp thì nay đã giảm đi rất nhiều, an ninh trật tự được đảm bảo. Một trang fanpage cộng đồng nhà ở xã hội Định Hòa được thành lập để tiện thông báo và kết nối thông tin trong cư dân. Qua kênh này, những người lao động xa lạ trở nên xích lại gần nhau hơn.
Trước đây, đi làm về ai biết nhà nấy thì nay mỗi buổi chiều, công nhân lao động cùng con em tập trung vui chơi ở khuôn viên ở giữa khu nhà ở. “Công viên mini hình thành có lẽ là sản phẩm thể hiện sự đoàn kết nhất của cư dân ở khu Định Hòa. Người có thì góp tiền, góp vật liệu, người không có điều kiện thì góp công. Các máy tập thể dục, dụng cụ, đồ chơi trẻ em được mua sắm. Mọi người cùng chung tay lắp đặt tạo dựng không gian sinh hoạt chung và thế là công viên mini được hình thành” - anh Nguyễn Hữu Vũ (30 tuổi, quê Quảng Nam chia sẻ).
“Từ đây nếu đi đến các khu vui chơi rất xa, chỉ có chủ nhật mới đưa các cháu đi được. Ban ngày cha mẹ là công nhân đều đi làm, hầu hết các cháu ở trong căn hộ chỉ xem tivi. Các cháu không được giao tiếp với nhau, nhiều cháu bị trầm cảm. Từ khi có công viên nhỏ này, mỗi buổi chiều, từ 16h30 các cháu tập trung xuống đây tập thể dục tham gia các hoạt động vui chơi. Chỉ một thời gian ngắn, những cháu ít nói trở nên hoạt bát và vui vẻ hơn. Người lớn cũng thay nhau trông coi các cháu, hướng dẫn các hoạt động ngoài trời, ca hát, múa và tổ chức sinh nhật hàng tháng cho con em công nhân lao động” - chị Dương Thị Ngọc Quý chia sẻ.
Vận hành khu nhà ở theo hướng “phục vụ” người lao động
Ông Vũ Đăng Khuê - Trưởng Ban vận hành Khu nhà ở xã hội Định Hòa cho biết, đến nay đã có trên 1.700 hộ dân với khoảng 4.200 nhân khẩu là người lao động ngoại tỉnh về đây sinh sống. Ban vận hành phối hợp với Ban quản trị cố gắng tổ chức đời sống cho người lao động ngày một tốt hơn. “Chúng tôi đang xây dựng đơn vị vận hành để làm sao thể hiện được sự phục vụ tốt nhất cho người lao động. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ. Các vấn đề an ninh, môi trường và không gian sống... phát sinh trong quá trình vận hành, đơn vị sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của cư dân và cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất” - ông Khuê cho biết.
Theo ĐÌNH TRỌNG/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/cong-doan/cuoc-song-moi-cua-nguoi-lao-dong-nhap-cu-tai-binh-duong-892070.ldo