(Xây dựng) – Phản hồi về việc chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đã tổ chức thi công thay thế tuyến đường ống cấp nước sạch DN300 (vật liệu nhựa nhựa uPVC) bằng ống gang dẻo DN1000, Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An cho biết: Nguyên nhân là do đường ống tại đây bị vỡ quá nhiều nên cần phải sửa chữa, thay thế khẩn cấp để đảm bảo cấp nước liên tục cho người dân và sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định.
Do bị vỡ liên tục, Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An thay thế tuyến đường ống cấp nước sạch DN300 (vật liệu nhựa nhựa uPVC) bằng ống gang dẻo DN1000. |
Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh: Tháng 11/2020, Cục Quản lý đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An thi công đường ống có đường kính D1000 thay thế D300 trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Vinh đoạn qua thị trấn huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, việc thi công này chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hải – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An cho biết: Nhà nước Hưng Nguyên đưa vào sử dụng năm 1996 với công suất là 600 m3/ngày đêm, ngày 11/01/2007 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 98/QĐ.UBND-CN về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Mở rộng nâng cấp nhà máy nước Hưng Nguyên. Năm 2015, nhà máy nước Hưng Nguyên sáp nhập về Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An (nay là Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An) theo Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 02/6/2011 của UBND tỉnh Nghệ An.
Sau khi nhận bàn giao vào đầu năm 2015, nhà máy nước Hưng Nguyên hoạt động không hiệu quả (công nghệ lắng đứng) nên nhân dân phản ánh rất nhiều về chất lượng nước, nhà máy hoạt động không đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước và áp lực không đạt yêu cầu. Trước thực trạng đó, năm 2018 và 2019 Công ty đã thực hiện thay đổi công suất máy bơm, thay ruột bể lắng, bể lọc và hiện nay nhà máy đã hoạt động ở công suất 20.000 m3/ngày đêm, đáp ứng đủ lưu lượng và áp lực.
Mạng lưới đường ống hiện tại của huyện Hưng Nguyên được lắp đặt trong 2 thời kỳ khác nhau: Giai đoạn từ năm 1996 đến năm 1999 và giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2015, mạng lưới cấp nước được phát triển qua nhiều giai đoạn nên đa dạng về chủng loại đường ống (uPVC, gang dẻo, HDPE, thép...) và không đồng bộ về vật tư thiết bị, chủ yếu là ống nhựa uPVC không chịu được áp lực cao khi cấp nước cho các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
Về việc thay thế tuyến đường ống cấp nước sạch DN300 bằng ống DN1000 là do: Tuyến đường ống cấp nước sạch DN300 (vật liệu uPVC) đi dọc theo đường tránh Vinh ra phía Bắc, Quốc lộ 46 với chiều dài 4,5km trong thời gian qua liên tục bị sự cố vỡ ống, mỗi lần khắc phục sự cố người dân lại bị mất nước từ 1 đến 2 ngày (do địa hình phức tạp).
Trước thực trạng này, Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An đã thực hiện sửa chữa thay thế khẩn cấp một đoạn trên tuyến đường ống DN300 này, với chiều dài 1.620m bằng đường ống DN1000 (vật liệu gang dẻo); vị trí và hướng tuyến ống DN1000 được lắp đặt trùng với tuyến đường ống DN300 cũ. Việc này, Công ty cũng đã làm văn bản và được Cục Quản lý đường bộ II chấp thuận, cấp phép tại Văn bản số 278/GP-CQLĐB II ngày 05/11/2020.
Giấy phép thi công do Cục Quản lý đường bộ II cấp cho Công ty Cổ phần Cấp nước Nghệ An. |
Trả lời về việc thay thế tuyến đường ống cấp nước sạch DN300 bằng ống DN1000 có đúng quy định của pháp luật hay chưa? Ông Hoàng Văn Hải trả lời rằng: Vì đường ống vỡ quá nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân nên chúng tôi phải khắc phục khẩn cấp bằng việc thay thế đường ống, đảm bảo cấp nước liên tục cho người dân. Trong trường hợp phải hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, chúng tôi sẽ hoàn thiện ngay chứ không “trốn tránh”.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng chia sẻ, đối với trường hợp đường ống nước cấp cho người dân bị vỡ thì chủ đầu tư phải khắc phục ngay để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nếu dự án thay thế, sửa chữa mà chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý thì các cơ quan liên quan của địa phương cần phải kiểm tra. Trong trường hợp công ty thiếu hồ sơ thì hướng dẫn họ hoàn thiện theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người dân.
Nam Nhi
Theo