Thứ bảy 27/04/2024 21:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài tham dự cuộc thi “Phát triển công trình xanh”

Công trình xanh góp phần nâng cao chất lượng sống (Bài 1)

19:10 | 17/09/2023

Bài 1: Sự cần thiết và lợi ích của công trình “xanh”

(Xây dựng) – Sự ra đời của công trình “xanh” là kết quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở mỗi quốc gia. Công trình xanh đã và đang góp phần lớn vào công cuộc nâng cao chất lượng sống, giảm thiểu tác hại đến môi trường từ các hoạt động sản xuất vật liệu, xây dựng, vận hành công trình.

Công trình xanh góp phần nâng cao chất lượng sống (Bài 1)
Trường The Dewey Shool đạt giải Lotus Certified (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Giảm 56,6% năng lượng tiêu thụ, LPD giảm 74,72%, giảm 55% chỉ số OTTV, COP cải thiện 39,7%; tiết kiệm 33,1% lượng nước tiêu thụ, giảm 62,3% lượng nước dùng cho tưới tiêu. Sử dụng sơn không chứa VOC; sử dụng gạch bê tông không nung, 18,7% tổng lượng vật liệu sử dụng trong công trình là vật liệu tái chế (ảnh: Tiến Hào)…

Kết quả tất yếu của đô thị hóa

Hiện nay, theo số liệu ước tính của Liên hợp quốc, trên thế giới có khoảng 4,2 tỷ người (chiếm hơn 55% số dân) đang sinh sống ở các thành phố, tương ứng vào năm 2050, dân số đô thị toàn cầu lên đến 6,7 tỷ người, tỷ lệ khoảng 70%.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, việc phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng kỹ thuật luôn được Đảng, Nhà nước xác định là lĩnh vực trọng yếu, tạo động lực phát triển chung. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng cũng đã để lại những hậu quả nhất định, như mật độ dân số tăng nhanh, nhà cửa, hạ tầng, nhà máy, dày đặc, khiến môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng như tắc đường, thiếu cơ sở hạ tầng giáo dục, môi trường ô nhiễm, tiêu hao năng lượng, phát thải CO2 lớn kết hợp với biến đổi khí hậu khiến môi trường ảnh hưởng tiêu cực.

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới, các công trình xây dựng đang chiếm tới hơn 35% mức tiêu thụ năng lượng và trên 40% lượng phát thải CO2 toàn cầu (theo Báo cáo năm 2017 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc).

Trong khi đó, ngành công nghiệp chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm này tiết giảm khoảng 2% điện năng tiêu thụ/năm thì tương đương giảm 1,4 tỷ kwh, tức là tiết kiệm được khoảng 2.700 tỷ đồng. Tương tự, với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kwh, tương đương 1.174 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) định nghĩa: Công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua: Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả; Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

Lợi ích từ công trình “xanh”

Từ định nghĩa về công trình “xanh”, chúng ta có thể thấy việc xây dựng lên những dự án xanh đã và sẽ góp phần tạo lên cuộc sống “xanh” tức là giúp môi trường sống ngày càng chất lượng, nâng cao sức khoẻ, hạnh phúc cho con người.

Công trình xanh không chỉ là nhà ở, mà còn là các tòa nhà văn phòng, trường học, chung cư, trung tâm thương mại, nhà máy sản xuất, công trình xanh đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng các đô thị xanh… Vậy những lợi ích nào mà công trình xanh mang lại cho chúng ta?

Đối với môi trường, công trình xanh sẽ đóng góp vai trò rất lớn trong việc giảm khí thải, phát thải, nước thải, chất gây ô nhiễm môi trường, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm sử dụng năng lượng. Đồng thời tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên, năng lượng mặt trời, tuần hoàn gió tự nhiên, tuần hoàn và tái sử dụng nước xám, nước mưa, tăng cường sử dụng hiệu quả các tiện ích giao thông công cộng giúp giảm phát thải, từ đó góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, an toàn.

Ví dụ như để giảm khí thải cần sử dụng các phương tiện ít phát thải (xe đạp, xe điện…), giao thông công cộng, vật liệu có hàm lượng VOCs (chất hữu cơ bay hơi) thấp, giúp giảm khí thải độc hại. Sử dụng năng lượng hiệu quả giúp giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là trong giai đoạn vận hành; hay như việc các tòa nhà cao tầng và vật liệu xây dựng như bê tông hay nhựa đường là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Công trình xanh có thể giải quyết vấn đề nhờ tối ưu thiết kế, giảm bức xạ nhiệt, lựa chọn khu đất, trồng nhiều cây xanh trong khu vực xây dựng; hoặc việc quản lý, phân loại, tái sử dụng nguyên vật liệu, rác thải.

Công trình xanh góp phần nâng cao chất lượng sống (Bài 1)
Nhà máy Phú Cường đạt Lotus Gold (Định Quán, Đồng Nai): Giảm 48,2% tổng năng lượng, giảm 76,4% LPD, hệ thống điện mặt trời với tương đương 115% tổng năng lượng sử dụng ước tính; tiết kiệm 49% lượng nước tiêu thụ; 93% diện tích sử dụng được cung cấp ánh sáng tự nhiên, 83% các vật liệu sử dụng có nguồn gốc là vật liệu bền vững, 71% chất thải xây dựng được vận chuyển đến bãi chôn lấp…

Về lợi ích kinh tế, trong công trình xanh, việc tiết kiệm tài nguyên, năng lượng góp phần đáng kể vào giảm thiểu chi phí xây dựng, vận hành. Đây là yếu tố rất quan trọng mà các nhà đầu tư, nhà thiết kế muốn hướng tới để giảm thiểu chi phí về lâu dài cũng như là tạo điểm nhấn với khách hàng đối với các dự án nhà ở thương mại, văn phòng cho thuê bởi quá trình vận hành.

Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% đến 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0% đến 3% tổng mức đầu tư/công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

Mặt khác, việc tạo ra những công trình xanh có thể tạo ra những điểm nhấn khác biệt trong chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư, ta có thể thấy dự án Ecopark ở Hưng Yên, các dự án khu đô thị của Vincom là một ví dụ điển hình. Dù chưa được chính thức công nhận là công trình “xanh” nhưng hạ tầng, thiết kế, môi trường sống xanh tại Ecopark, Vinhomes đã tạo ra sự khác biệt, hệ quả là giá trị các căn hộ, biệt thự ở đây có giá trị cao hơn nhiều so với các dự án khác ở các địa điểm đắc địa hơn.

Lợi ích xã hội, việc xây dựng, vận hành công trình “xanh” bên cạnh những lợi ích về mặt môi trường và kinh tế mang lại trực tiếp cho chủ đầu tư và người sử dụng, công trình xanh còn mang lại những lợi ích to lớn cho cả cộng đồng như góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng bởi việc môi trường được cải thiện tốt lên thì người thụ hưởng không chỉ là người trực tiếp sống trong dự án xanh mà cả cộng đồng xung quanh cũng được hưởng lợi.

Ví dụ, cứ một tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu 2m, tương đương với 75ha đất nông nghiệp bị mất đi. Nếu trong 1 năm nhu cầu sử dụng gạch nung của nước ta khoảng 42 tỷ viên thì dự kiến sẽ phải tiêu tốn từ 50-70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000ha đất nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2.

Nếu quyết tâm sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường sẽ góp phần sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao mỗi năm để sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Qua đó, tiết kiệm được 1.000ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải, tro, xỉ, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load