Thứ ba 19/03/2024 17:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cổ phiếu ximăng: Tăng đầu tư công không phải là “cú hích” lớn

15:05 | 13/05/2020

Cổ phiếu ngành ximăng thường kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư khi một thời gian dài có diễn biến “lình xình,” đi ngang với thanh khoản rất thấp, thậm chí có cổ phiếu cả tháng không có giao dịch.

co phieu ximang tang dau tu cong khong phai la cu hich lon
Dây chuyền sản xuất ximăng tại Công ty CP Ximăng Thăng Long, vốn đầu tư của Indonesia tại Quảng Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Cùng với đà hồi phục của thị trường chung, cổ phiếu ngành ximăng có diễn biến tích cực kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn đà tăng của cổ phiếu ngành ximăng có thể gặp khó vì tình trạng dư cung cùng với áp lực cạnh tranh gay gắt đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành ximăng.

Bên cạnh đó, tác động tích cực từ đầu tư công sẽ không phải là một “cú hích” quá lớn dành cho các doanh nghiệp ngành này.

Cổ phiếu ximăng trỗi dậy

Cổ phiếu ngành ximăng thường kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư khi một thời gian dài có diễn biến “lình xình,” đi ngang với thanh khoản rất thấp, thậm chí có cổ phiếu cả tháng không có giao dịch. Dù vậy, từ đầu tháng 4 đến hết phiên giao dịch ngày 12/5, cổ phiếu ngành ximăng tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Có thể kể đến cổ phiếu QNC của Công ty cổ phần ximăng và Xây dựng Quảng Ninh tăng tới hơn 81,81%. Các mã cổ phiếu đầu ngành ximăng như BBC của Công ty cổ phần ximăng Bỉm Sơn cũng tăng hơn 47%. Tiếp đến là cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần ximăng Vicem Hà Tiên tăng 35%.

Trong khi đó, cổ phiếu HCC của Công ty cổ phần Bêtông Hòa Cầm tăng hơn 11,5%, cổ phiếu HOM của Công ty cổ phần ximăng Vicem Hoàng Mai tăng hơn 15,38%...

Thực tế, cùng với sự hứng khởi của thị trường chung, việc một số doanh nghiệp trong ngành ximăng vẫn có lợi nhuận trong quý 1 năm 2020 đã giúp cổ phiếu ngành ximăng bứt phá.

Dù mức lợi nhuận này bị thu hẹp so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chịu thua lỗ từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 thì doanh nghiệp có lãi đã được cho là tích cực.

Công ty cổ phần Vicem Hà Tiên công bố doanh thu quý 1 năm 2020 đạt 1.732 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 295 tỷ đồng, tăng 11,5%. Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, đạt 105 tỷ đồng.

Công ty cổ phần ximăng Vicem Bỉm Sơn đạt gần 1.051 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 129 tỷ đồng. Lãi trước thuế đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 20 tỷ đồng, giảm 15,8%.

Dù vậy, nhận định về thị trường ximăng trong thời gian tới, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT-FPTS cho rằng, lượng tiêu thụ ximăng trên các thị trường sẽ có thể giảm sâu trong năm 2020, đặt áp lực lên khả năng cạnh tranh và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp ximăng Việt Nam trong thời gian tới.

Dù đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát tại Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới, FPTS vẫn không đặt kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng của các cổ phiếu ngành ximăng trong giai đoạn còn lại của năm 2020.

Dư thừa nguồn cung

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), sau giai đoạn mở rộng công suất liên tục, ngành ximăng bắt đầu phải đối mặt với tình trạnh dư cung từ năm 2009, cạnh tranh trong ngành ngày một gay gắt. Năm 2018, Việt Nam chính thức trở thành nhà xuất khẩu ximăng lớn nhất thế giới.

Theo Hiệp hội ximăng Việt Nam (VNCA), sản lượng bán toàn ngành đạt 99 triệu tấn trong năm 2019; trong đó, thị trường nội địa tiêu thụ gần 65 triệu tấn và 34 triệu tấn còn lại được xuất khẩu (tương đương 34% tổng sản lượng tiêu thụ).

Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội ximăng Việt Nam, nhận xét trước đây ximăng thường có mức tăng trưởng cao hơn GDP. Nhưng vài năm gần đây, số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này đã thấp hơn GDP.

co phieu ximang tang dau tu cong khong phai la cu hich lon
Dây chuyền sản xuất ximăng tại Công ty CP Ximăng Thăng Long, vốn đầu tư của Indonesia tại Quảng Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nguyên nhân được chỉ ra là ximăng phục vụ cho nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bất động sản, xây dựng dân dụng…

Thế nhưng những năm gần đây, xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai chậm, bất động sản có dấu hiệu chững lại, xây dựng nhà dân tăng nhưng mức độ tăng chưa nhiều nên tiêu thụ ximăng chậm lại và có xu hướng đi ngang.

Bên cạnh đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán FPT-FPTS, dịch COVID-19 gây ra các tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh; trong đó, bao gồm hoạt động sản xuất và tiêu thụ ximăng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Trong quý 1 năm 2020, các doanh nghiệp ximăng Việt Nam ước tính thiệt hại 2,8 nghìn tỷ đồng về doanh thu.

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp tới các thị trường tiêu thụ của Việt Nam như làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Philippines và Bangladesh; làm chậm tiến độ các công trình trong nước và gây suy giảm về nhu cầu xây dựng nội địa.

Theo số liệu của Hiệp hội ximăng Việt Nam và Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong quý 1 năm 2020 ước tính giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng xuất khẩu giảm 15% và tiêu thụ trong nước giảm 11%. Tồn kho toàn ngành trong quý 1 năm 2020 tăng mạnh lên mức 4,8 triệu tấn, tương đương với khoảng 30-45 ngày tiêu thụ.

Trong khi đó, trong 3 quý còn lại của năm 2020, sẽ có 4 nhà máy mới đi vào vận hành với công suất 8 triệu tấn/năm (tương đương với 9% tổng công suất ximăng của Việt Nam hiện tại) gồm nhà máy 2 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần ximăng Tân Thắng tại Nghệ An, dây chuyền mở rộng 2,5 triệu tấn/năm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Sơn tại Thanh Hóa, dây chuyền mở rộng 1,5 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần ximăng FiCO Tây Ninh tại Tây Ninh và nhà máy 2 triệu tấn/năm của Công ty cổ phần ximăng An Phú tại Bình Phước.

Trước tình hình kém khả quan của ngành ximăng trong năm 2020, lượng công suất tăng thêm đáng kể này có thể dẫn tới tình trạng dư thừa lớn về nguồn cung, đi kèm áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các doanh nghiệp (chủ yếu là cạnh tranh về giá) gây trở ngại tới khả năng hồi phục của các doanh nghiệp ximăng sau đại dịch.

FPTS cho rằng đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức lớn đối với ngành ximăng Việt Nam. Không chỉ là sự kiện làm gián đoạn tới các hoạt động của ngành trong một tháng hoặc quý, dịch COVID-19 còn tác động trực tiếp đến quá trình thoái trào về nhu cầu tiêu thụ ximăng đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.

Điều này đồng nghĩa với việc tiêu thụ ximăng trên các thị trường hiện tại sẽ có thể giảm sâu trong năm 2020, đặt áp lực lên khả năng cạnh tranh và duy trì hoạt động của các doanh nghiệp ximăng Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 101,2 nghìn tỷ đồng sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công. Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý III/2020.

Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc-Nam.

VNDIRECT nhận định khoảng 40% tổng vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và việc xây dựng sẽ cần đến 3.800 tỷ đồng ximăng.

Theo đó, VNDRECT ước tính nhu cầu ximăng trong năm 2020 từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam chỉ tương đương khoảng 2,6% tiêu thụ ximăng hiện tại.

Các dự án khác nằm trong kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020 của Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm nhu cầu tiêu thụ của ngành.

Tuy nhiên, VNDIRECT đánh giá tác động tích cực từ đầu tư công sẽ không phải là một cú hích quá lớn dành cho các doanh nghiệp ngành ximăng, đặc biệt trong bối cảnh 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Philippnies và Bangladesh (chiếm 25,9% tổng sản lượng xuất khẩu và 8,8% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2019) đã bắt đầu áp dụng các biện pháp thuế tự vệ từ nửa cuối năm 2019./.

Theo Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load