(Xây dựng) - Về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án Trung tâm tài chính TP.HCM theo đề xuất của UBND TP.HCM tại Văn bản số 4088/UBND-DA, vừa qua Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1866/BXD-PTĐT phúc đáp Văn phòng Chính phủ.
Phối cảnh dự án Trung tâm tài chính TP HCM.
Theo đó, về nội dung trên sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng về cơ bản chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP.HCM được lựa chọn Cty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) làm nhà đầu tư dự án Trung tâm tài chính TP.HCM. Để sớm hình thành Trung tâm tài chính TP.HCM trong khu đô thị mới Thủ Thiêm tại các lô đất ký hiệu số (1-7) và số (1-11), việc chọn nhà đầu tư có đủ năng lực về vốn và triển khai các dự án trọng điểm của UBND TP.HCM là cần thiết.
Theo Văn bản số 4088, tổng diện tích các lô đất thực hiện dự án là 14.461 m²; có quy mô và chức năng sử dụng đất cơ bản phù hợp với Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt; đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Việc UBND TP.HCM đề xuất giao đất không qua đấu giá cho HFIC phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng lưu ý, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đề nghị UBND TP.HCM cần lưu ý thực hiện các nội dung như: Việc thực hiện đầu tư dự án phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, đầu tư, đất đai, quản lý đầu tư phát triển đô thị và các pháp luật khác có liên quan, rà soát cơ sở xác định tổng mức đầu tư khoảng 4.898 tỷ đồng (theo Văn bản số 4088). Trung tâm tài chính TP.HCM sẽ là nơi hội tụ, thu hút các tổ chức tài chính, là công trình điểm nhấn tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan hiện đại cho TP.HCM. Do đó, UBND TP.HCM cần thực hiện thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng theo quy định tại Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Đoan Trang
Theo