(Xây dựng) – Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trở thành một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng quận Cầu Giấy ngày một hiện đại, văn minh.
![]() |
Hạ tầng kỹ thuật đô thị phường Nghĩa Đô đã và đang từng bước được hoàn thiện, góp phần nâng cao điều kiện sống và sinh hoạt của nhân dân. |
Ngày 13/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173/HĐBT về việc phân vạch địa giới một số phường và thị trấn thuộc Thành phố Hà Nội. Thị trấn Nghĩa Đô được thành lập theo Điều 3 của Quyết định trên, bao gồm đất của xã Nghĩa Đô, Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Viện Khoa học xây dựng và Bệnh viện E. Đến năm 1992, sau khi thị trấn Nghĩa Tân được thành lập trên cơ sở chia tách từ thị trấn Nghĩa Đô, địa giới hành chính của Nghĩa Đô có diện tích 130ha, dân số 12 nghìn người; phía Đông giáp phường Bưởi, phía Tây Bắc giáp xã Xuân La (nay là phường Xuân La thuộc quận Tây Hồ), phía Nam giáp thị trấn Nghĩa Tân và xã Dịch Vọng (nay là phường Nghĩa Tân và phường Dịch Vọng), phía Đông giáp phường Cống Vị quận Ba Đình. Năm 1997, sau khi quận Cầu Giấy được thành lập, thị trấn này đã chính thức chuyển thành phường Nghĩa Đô.
Trong suốt quá trình 40 năm xây dựng và trưởng thành, Nghĩa Đô đã có những bước phát triển nhanh song song với quá trình đổi mới của đất nước. Đặc biệt, giai đoạn từ khi chính thức chuyển thành phường đến nay, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù ban đầu gặp nhiều khó khăn như: cơ sở hạ tầng yếu và thiếu, trình độ dân trí không đồng đều, mức sống của đại đa số người dân không cao… Nhưng với ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phường Nghĩa Đô đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Từ một thị trấn nhỏ có hơn 1 vạn dân, đến nay Nghĩa Đô đã trở thành phường đô thị với dân số trên 3,5 vạn người. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn đã từng bước được hoàn thiện, nhiều tuyến đường giao thông mới kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông đô thị của Thành phố, các dự án phát triển đô thị được hoàn thành đưa vào sử dụng tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Hạ tầng kỹ thuật trong các khu dân cư, nhất là hệ thống đường, thoát nước, các thiết chế văn hóa như vườn hoa, sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng góp phần cải thiện nâng cao điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của nhân dân. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn phường đã chuyển hẳn sang thương mại, dịch vụ; thu nhập và mức sống của người dân trong phường được nâng cao. Hàng năm, đóng góp từ hoạt động kinh tế trên địa bàn vào ngân sách nhà Nước tăng trưởng trung bình hơn 10%. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm, đẩy mạnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường được đảm bảo ổn định; công tác cải cách hành chính được coi trọng, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành hướng tới việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Những thành tựu mà Nghĩa Đô đạt được ngày hôm nay đã khẳng định được ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương. Để cùng nhìn lại chặng đường 40 năm đã đi qua, sáng ngày 13/10/2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Nghĩa Đô sẽ tổ chức Hội nghị “Tổng kết phong trào thi đua chào mừng 25 năm thành lập quận Cầu Giấy (1/9/1997 – 1/9/2022) và gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm thành lập thị trấn nay là phường Nghĩa Đô (13/10/1982 – 13/10/2022)” tại Hội trường văn hóa phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Tiến Hào
Theo