Thứ ba 23/07/2024 02:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Quản lý chất lượng quy hoạch đô thị theo hướng bền vững

18:17 | 22/07/2024

(Xây dựng) - Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm được phê duyệt quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị trong cả nước, vì vậy công tác quản lý quy hoạch và chất lượng quy hoạch đặt ra nhiều thách thức. Đặc biệt là với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay.

Thanh Hóa: Quản lý chất lượng quy hoạch đô thị theo hướng bền vững
Quá trình thực hiện, quy hoạch đô thị cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo định hướng phát triển chung.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 34 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I; 2 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV và 30 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 39%. Quy hoạch đô thị từng bước được hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất, liên thông trong quy hoạch, việc tổ chức lập, quản lý quy hoạch đã được các địa phương quan tâm, chất lượng công tác quy hoạch đã dần được nâng cao. Hệ thống đô thị phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đầu tư nâng cấp.

Diện mạo đô thị ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại, tạo lập được nhiều không gian đô thị mới với các công trình có điểm nhấn kiến trúc, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương.

Với việc định hướng phát triển chung không gian đô thị toàn tỉnh Thanh Hóa như hiện nay, cơ bản được phát triển hợp lý trong các vùng đô thị hóa quan trọng gắn với 4 cực tăng trưởng; có sự liên kết giữa miền núi, trung du và đồng bằng, giữa phía Đông và phía Tây, gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.

Các đô thị lớn như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn. Cùng với đó là điều kiện tự nhiên đặc biệt như: Thành phố Sầm Sơn thì du lịch đã trở thành động lực phát triển chính. Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật các đô thị loại III trở lên đã được tăng cường, đô thị loại V trở lên đã được nâng cấp, cải thiện điều kiện hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm, môi trường, nước, rác...) nhờ các khoản đầu tư trong và ngoài nước.

Các khu kinh tế cấp quốc gia như Khu kinh tế Nghi Sơn là các khu kinh tế tổng hợp đa ngành có quy mô sản xuất lớn, có hạ tầng quan trọng là cảng biển có diện tích đất đai rất lớn là nền tảng để hình thành và phát triển các đô thị mới.

Cùng với đó là các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã và đang xây dựng các chương trình phát triển đô thị, hình thành các khu vực phát triển đô thị để quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, cơ bản hoàn thành việc rà soát, phân loại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, hướng tới phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức trách nhiệm về tổ chức lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, hệ thống cơ sở pháp lý để thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đồng thời phát huy sức mạnh của toàn thể nhân dân, đổi mới công tác quy hoạch và phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội và người dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số và kinh tế số trong quy hoạch và phát triển đô thị, giúp nâng cao tính chính xác, hiệu quả, minh bạch và dự báo tốt hơn về xu hướng phát triển đô thị.

Thảo Chi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load