(Xây dựng) – Ngày 10/1, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Xây dựng do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc và khảo sát tình hình phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng tham gia có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng và đại diện các Ban, vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tuyến metro số 1 với Đoàn công tác. |
Theo đó, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Khu đô thị Vinhomes Tân Cảng. Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị cũng như làm cơ sở thực tiễn thẩm tra dự án Luật Quản lý phát triển đô thị trình Quốc hội thông qua.
Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị đề cập đến các vấn đề về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển bền vững đô thị, đô thị thông minh, chỉnh trang cải tạo đô thị, tái phát triển đô thị, không gian ngầm đô thị; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý khai thác và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc phát triển đô thị phải gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên; thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải, có khả năng chống chịu thiên tai và dịch bệnh.
Tại buổi làm việc với với Đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Mẫn cho biết: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 đã được UBND Thành phố trình Bộ Xây dựng xem xét thẩm định. Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 và UBND thành phố Thủ Đức là cơ quan chủ trì tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị thành phố Thủ Đức.
Đoàn công tác khảo sát tại ga Ba Son. |
Đến nay, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch nâng loại đô thị, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị; đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp cải tạo chỉnh trang đô thị, thực hiện các khu vực TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) dọc tuyến metro số 1, metro số 2, Vành đai 3…
Góp ý cho Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần bổ sung các quy định giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế phát triển đô thị hiện nay (mô hình đô thị trực thuộc Trung ương, thành phố trong thành phố); trách nhiệm triển khai thực hiện của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn về quản lý phát triển đô thị tại địa phương; Thành phố Hồ Chí Minh có tính chất đặc thù nên cần có thời gian và kinh phí để nghiên cứu triển khai thêm các nội dung.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Quản lý phát triển đô thị ra đời sẽ góp phần phát triển các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn, tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các vùng cũng như đảm bảo chất lượng đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, cũng tạo ra môi trường sống tốt cho dân cư đô thị và đảm bảo lợi ích của cộng đồng dân cư đô thị.
Cao Cường
Theo