Thứ tư 14/08/2024 19:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cao Bằng: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh

14:45 | 14/08/2024

(Xây dựng) - Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Nà Pồng - Đức Hạnh huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 23km, nối trung tâm 2 xã Lý Bôn - Đức Hạnh. Trong quá trình thi công, dự án gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, bất lợi về thời tiết, vật liệu… chủ đầu tư đang tích cực khắc phục để sớm đưa dự án về đích.

Cao Bằng: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh
Cầu trung tại Km0+470, qua địa bàn 3 xã: Lý Bôn, Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) và xã Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc).

Nhiều đoạn tuyến dần thành hình

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2672/QĐ-UBND ngày 25/12/2020; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 28/12/2021. Tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 249,352 tỷ đồng và tiến độ thực hiện dự án năm 2020-2024.

Dự án có chiều dài tuyến 22,93km từ xã Lý Bôn đến xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, trên tuyến có 1 cầu trung tại Km0+470, qua địa bàn 3 xã: Lý Bôn, Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) và xã Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc). Công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu thi công xây lắp, tư vấn giám sát đã hoàn thành và ký kết hợp đồng với các nhà thầu từ quý III/2021.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ đầu tư đã chỉ đạo thực hiện triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng tuân thủ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020 và Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn có liên quan của Bộ Xây dựng.

Đến nay, tại địa phận huyện Bảo Lâm (chiều dài khoảng 16,93km), chủ đầu tư đã bàn giao cơ bản cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, tồn tại một số vị trí vướng mắc trên địa phận xã Đức Hạnh, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đang tập trung tuyên truyền, vận động hộ dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng để tổ chức triển khai thi công. Địa phận huyện Bảo Lạc (chiều dài khoảng 6km) đã bàn giao toàn bộ cho đơn vị thi công.

Tại gói thầu thi công cầu và đường đầu cầu (dài 2km): Công trình đã cơ bản hoàn thành, đơn vị đang dọn dẹp, vệ sinh công trường và hoàn thiện để làm thủ tục bàn giao.

Cao Bằng: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh
Đoạn tuyến Km0+650 tại xóm Nà Mạt, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm.

Tại gói thầu thi công phần đường, đơn vị thi công đang tập trung máy móc, thiết bị, nhân sự triển khai thi công đào, đắp nền đường, thi công công trình phụ trợ (cống thoát nước, tường chắn…; đúc cấu kiện đúc sẵn). Tỷ lệ hoàn thành đạt khoảng 95,83% giá trị hợp đồng phần nền đường; khoảng 91,72% giá trị phần công trình phụ trợ (cống, tường chắn...), đạt khoảng 71,01% giá trị hợp đồng.

Nỗ lực gỡ vướng

Về công tác giải phóng mặt bằng, địa phận xã Lý Bôn tại Km1+400 tuyến đường đi cạnh khu mộ của người dân địa phương, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khu mộ tuy nhiên các hộ gia đình không đồng ý với phương án thiết kế được duyệt, sau nhiều lần được Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng huyện Bảo Lâm, Ban Quản lý dự án tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chỉ đồng ý phương án cơ bản giữ nguyên như hiện trạng tuyến đường hiện hữu.

Địa phận xã Đức Hạnh: Hộ gia đình ông Nông Văn Tịnh (Km18+300) và Nông Văn Hoan (Km20+400) chưa đồng thuận với phương án đền bù (đoạn này đi theo đường cũ, nhà dân sát đường cũ), Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng đang tập trung tuyên truyền, vận động hộ dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng để tổ chức triển khai thi công.

Trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực triển khai dự án thường xuyên xảy ra mưa lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công trình, ảnh hưởng các đợt mưa bão vừa qua gây sạt lở nghiêm trọng mái taluy và nền đường trên tuyến khoảng 60 vị trí (đặc biệt khu vực xã Lý Bôn và xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm). Các gói thầu phải thực hiện công tác hót dọn sạt lở, dọn dẹp hiện trường, xử lý kỹ thuật, sửa chữa những hư hỏng do sạt lở ảnh hưởng đến nền đường. Do tuyến bị sạt lở nhiều dẫn đến phải tổ chức giải phóng mặt bằng bổ sung mới có thể triển khai thi công đối với những vị trí sạt lở.

Ngoài những khó khăn về giải phóng mặt bằng và thời tiết, dự án còn vướng mắc về vận chuyển vật liệu, nguồn vật liệu. Trong giai đoạn đầu triển khai thi công, khi hạng mục cầu tại Km0+470 chưa thi công xong việc vận chuyển vật liệu để thi công các hạng mục như kè, cống thoát nước phải đi vòng xa nên ảnh hưởng đến tiến độ của dự án (để đảm bảo tiết kiệm chi phí, phù hợp với số vốn được giao thì thiết kế, dự toán được tính theo phương án vận chuyển vật liệu qua cầu sau khi hoàn thành do hiện trạng tuyến đường đang khai thác phải đi qua cầu treo có tải trọng nhỏ).

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm gần đây, mỏ đá (mỏ Vĩnh Phong) mới triển khai hoạt động khai thác đá; huyện Bảo Lạc hiện nay chỉ có 2 mỏ đá là mỏ đá Chẻ Rào, xã Khánh Xuân (cách đầu tuyến công trình khoảng 30km) hiện đang dừng và mỏ đá Phia Bo, xã Kim Cúc (cách đầu tuyến công trình khoảng 35km) hiện đang thực hiện tận thu (dọn bãi) và không sản xuất cấp phối đá dăm nên không cung cấp được cho dự án.

Trong khi đó, riêng phần mặt đường dự án cần khoảng 44.000m3 đá (cấp phối đá dăm loại 1 và loại 2). Mặt khác, huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm cũng đang tập trung triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, nguồn vật liệu đá cấp cho Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng là rất khó khăn.

Cao Bằng: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nà Pồng - Đức Hạnh
Đoạn tuyến Km1+200 tại xóm Nà Mạt, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án, Ban đang khảo sát, thiết kế điều chỉnh, bổ sung các vị trí sạt trượt và một số thiết kế khác cho phù hợp với địa hình. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng đền bù, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng địa phương tuyên truyền vận động người dân có đất bị ảnh hưởng, xử lý các tồn tại, vướng mắc đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng phục vụ công tác triển khai thi công xây dựng.

Về vật liệu phục vụ thi công: Phối hợp, đôn đốc các đơn vị tìm các nguồn cung cấp vật liệu khác để không phụ thuộc vào 1 nhà cung cấp trong khu vực; đảm bảo tập kết đủ khối lượng vật liệu và thi công theo tiến độ thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Về ảnh hưởng thiên tai do mưa bão: Ban Quản lý dự án đã theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các đơn vị thực hiện, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức cắm biển cảnh báo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khắc phục hậu quả mưa lớn, sạt lở đất, dông lốc như: Hót dọn sạt lở, dọn dẹp hiện trường, xử lý kỹ thuật, sửa chữa những hư hỏng do sạt lở ảnh hưởng đến nền đường.

Đinh Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load