Thứ bảy 07/09/2024 18:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cần Thơ: Bao giờ hết đổ rác bừa bãi để thành phố xanh - sạch - đẹp - an toàn?

19:18 | 14/08/2024

(Xây dựng) – Ngày 12/8, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Công văn số 3393/UBND-XDĐT về việc tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn thành phố theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cần Thơ: Bao giờ hết đổ rác bừa bãi để thành phố xanh - sạch - đẹp - an toàn?
Một điểm tập kết rác ở khu dân cư phường Hưng Phú, quận Cái Răng.

Rác thải bừa bãi và điệp khúc biết rồi, khổ lắm

Công văn UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công; khẩn trương hướng dẫn các quận, huyện tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Nhận được Công văn này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện.

Trước đó, ngày 07/8/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ đã ban hành Công văn số 2676/STNMT-CCBVMT về việc điều tiết lượng chất thải rắn sinh hoạt về các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Cần Thơ, gửi UBND thành phố Cần Thơ.

Theo Công văn này, Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ cho biết: Thực hiện Công văn số 2962/VPUB-TH ngày 19/7/2024 của Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ về việc giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Thới Lai và Công văn 3087/UBND-XDĐT ngày 24/7/2024 của UBND thành phố Cần Thơ về việc giải quyết phản ánh của Báo về tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan trên đường Võ Văn Kiệt, thành phố Cần Thơ. Tiếp nhận Báo cáo số 1250/BC-PTNMT ngày 27/6/2024 của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận Bình Thủy, ngày 25/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp với đại diện UBND quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thới Lai; và lãnh đạo các đơn vị liên quan: Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB (Cần Thơ), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Thông, Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ, Công ty TNHH Xây dựng Đỗ Duy để xem xét, giải quyết kiến nghị của quận Bình Thủy, huyện Thới Lai và rà soát, điều tiết chất thải rắn sinh hoạt về các đơn vị xử lý trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo và kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 02 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ thuộc Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ), công suất lò đốt của của nhà máy là 400 tấn/ngày. Công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ” số 76/GXN-BTNMT ngày 01/9/2020. Hiện nay, nhà máy đang tiếp nhận tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình là 525,21 tấn/ngày của 05 quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai và Ô Môn (số liệu từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/07/2024).

Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt) thuộc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Minh Thông, công suất lò đốt của nhà máy là 100 tấn/ngày. Công ty đã được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 2041/QĐ-UBND ngày 25/9/2020. Hiện nay, nhà máy tiếp nhận tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình là 120,58 tấn/ngày của 04 quận, huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh hạnh, Thới Lai và Thốt Nốt (số liệu từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/07/2024).

Nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương và không bị ùn ứ tại hố rác của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ) gây chậm trễ khâu nhận rác vào nhà máy, đảm bảo Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn tồn đọng ở Trạm trung chuyển số 71 Trần Phú, quận Ninh Kiều khoảng 700 tấn và để duy trì xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình khoảng 520-530 tấn/ngày của Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương chất thải rắn sinh hoạt của quận Ô Môn sẽ được điều tiết về Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt) thuộc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Minh Thông để xử lý bằng phương pháp đốt. Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày UBND thành phố có văn bản chấp thuận chủ trương đến khi có thông báo mới.

Giao UBND quận Ô Môn: Thực hiện việc thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB (Cần Thơ) và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày, thanh toán chi phí thu gom vận chuyển và xử lý cho Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Minh Thông.

Phối hợp Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Minh Thông kiểm tra đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển (đăng ký danh sách xe vận chuyển kèm theo biển số xe), lịch trình tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày, tránh trường hợp nhầm lẫn xe rác từ các địa phương khác về Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ.

Giao UBND huyện Cờ Đỏ chỉ đạo UBND xã Đông Thắng tổ chức họp dân, thông tin cho người dân tại khu vực xung quanh bãi rác xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ nắm được chủ trương điều tiết lượng chất thải rắn sinh hoạt từ Ô Môn về Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Minh Thông xử lý.

Cần Thơ: Bao giờ hết đổ rác bừa bãi để thành phố xanh - sạch - đẹp - an toàn?
Hầu như các khu dân cư, đô thị mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều vứt rác bừa bãi.

Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ đã có những động thái tích cực để thu gom, vận chuyển và xử lý rác để đảm bảo vệ sinh môi trường thành phố Cần Thơ nhưng thực tế hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều điểm tập kết rác chưa có quy hoạch nên chỗ nào trống thì các doanh nghiệp tập kết làm hôi thối, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cư dân.

Không chỉ rác tập kết ở các điểm thu gom rác mà hiện nay hầu như các khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều có tình trạng đổ rác bừa bãi, vừa mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Rác bừa bãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã trở thành chuyện biết rồi - khổ lắm…

Bao giờ hết cảnh vứt rác bừa bãi?

Trước đó, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về thực hiện cuộc vận động “Người dân để rác đúng nơi quy định, vì thành phố Cần Thơ xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Theo đó, để chấm dứt tình trạng xả rác không đúng nơi quy định hiện vẫn xảy ra trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và hình ảnh của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể, tập trung triển khai cuộc vận động “Người dân để rác đúng nơi quy định, vì thành phố Cần Thơ xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Cụ thể, Chủ tịch UBND quận, huyện: Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch”; phòng, chống ô nhiễm, ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trên địa bàn để vận động từng hộ dân, doanh nghiệp thực hiện không xả rác ra đường phố, ao, hồ và kênh, rạch, để rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; giám sát, đánh giá và công nhận khu vực, ấp, phường, xã thực hiện hiệu quả cuộc vận động này như một tiêu chí về môi trường trong chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Liên kết với đề án xây dựng đô thị thông minh, triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân qua tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử, mạng xã hội và điện thoại về tình trạng xả rác ra đường phố, ao, hồ và kênh, rạch ở các phường, xã.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, đoàn thể thực hiện các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường, tạo nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị...

Chủ tịch UBND quận, huyện tập trung, quán triệt thực hiện Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 của UBND thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Công văn số 368/UBND-XDĐT ngày 26/01/2022 của UBND thành phố về quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; mở rộng đầu tư các điểm chờ, điểm tập kết và trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo kịp thời so với quy hoạch, tương xứng với tiềm năng và vị trí của “Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm văn hóa vùng sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chỉ đạo tăng cường kiểm tra và rà soát các điểm rác thải đổ trộm, rác vô thừa nhận, phế thải không đúng quy định trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện những hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định, tự ý đốt hoặc chôn lấp rác thải trên địa bàn, đảm bảo mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để; áp dụng biện pháp xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Định kỳ báo cáo việc xử phạt các hành vi vi phạm về thải rác không đúng nơi quy định trên địa bàn trước ngày 31/10 hàng năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp. Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc phối hợp quản lý vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn để rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra vi phạm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn. Quy định trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn; kiên quyết thực hiện kiểm điểm, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý.

Chỉ đạo biểu dương, phổ biến và học tập các điển hình khu phố, ấp, phường, xã và quận, huyện thực hiện có hiệu quả sớm, bền vững cuộc vận động “Người dân để rác đúng nơi quy định, vì thành phố Cần Thơ xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện tổ chức các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân thải bỏ rác thải đúng quy định, tăng cường công tác quản lý phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn theo đúng quy định; không thải rác ra đường phố, khu vực công cộng, cống rãnh, kênh, rạch; không tự ý đốt hoặc chôn lấp rác thải đặc biệt là túi ni lông.

Nghiên cứu xây dựng nội dung truyền thông, tài liệu hỗ trợ công tác tuyên truyền thực hiện gắn với việc vận động người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường; phổ biến cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện đồng bộ và thống nhất.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Chủ tịch UBND quận, huyện, cấp xã, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn. Kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức được phân công quản lý vệ sinh môi trường để xảy ra vi phạm không kịp thời xử lý theo quy định.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức, xúc tiến đầu tư hạ tầng thu gom, tái chế chất thải đối với loại rác tái chế; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố. Chủ trì, tổ chức, giám sát các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người dân để rác đúng nơi quy định, vì thành phố Cần Thơ xanh - sạch - đẹp - an toàn”; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố về hiện trạng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố.

Cần Thơ: Bao giờ hết đổ rác bừa bãi để thành phố xanh - sạch - đẹp - an toàn?
Điểm tập kết rác dưới cầu Hưng Lợi.

Giám đốc Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận, huyện thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết để rác thải đúng nơi quy định. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn xây dựng và quản lý bùn thải theo quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị trên địa bàn. Tăng cường hướng dẫn về công tác quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo các công trình được xây dựng trên địa bàn theo đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng và hồ sơ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

Phối hợp, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Xử lý, kiến nghị xem xét xử lý nếu địa phương để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Cần Thơ: Chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và giám sát các chủ đầu tư xây dựng và công ty hạ tầng khu công nghiệp; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường trên các tuyến đường nội bộ của các khu công nghiệp và khuôn viên các doanh nghiệp.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp trong các khu công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Theo dõi, tổng hợp, định kỳ sáu tháng, một năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố về công tác quản lý chất thải rắn trong khu công nghiệp…

Mặc dù, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ thị như vậy nhưng đến nay các điểm tập kết rác như: Bãi rác dưới cầu Hưng Lợi; bãi rác trước cổng Trường Đại học Cần Thơ (đường Lý Tự Trọng), bãi rác khu dân cư Hưng Phú 1 và các khu đô thị mới khác… ảnh hưởng đến môi trường và đời sống cư dân.

Không chỉ rác tập kết ở các điểm thu gom rác mà hiện nay hầu như các khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều có tình trạng đổ rác bừa bãi, vừa mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ chưa có chế tài xử phạt đổ rác bừa bãi nên các khu dân cư, các khu đô thị đều vứt rác bừa bãi, hôi thối. Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý, chế tài xử phạt hành chính để răn đe tình trạng đổ rác bừa bãi, để vừa bảo vệ vệ sinh môi trường vừa đảm bảo mỹ quan đô thị thành phố Cần Thơ xanh - sạch - đẹp - an toàn như Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load