Thứ tư 11/12/2024 20:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Bài tham dự cuộc thi “Phát triển công trình xanh”

Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Bản sắc văn hóa kết hợp kiến trúc xanh

14:38 | 20/09/2023

(Xây dựng) - Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) là cửa ngõ quốc tế vào Việt Nam cũng như các thành phố lớn khu vực Đông Nam bộ. Với mô hình kiến trúc độc đáo, sân bay Long Thành sẽ là nơi tạo nên ấn tượng đầu tiên của khách du lịch về những giá trị văn hóa, con người Việt Nam với nét nổi bật của kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Bản sắc văn hóa kết hợp kiến trúc xanh
Điểm nhấn đặc biệt về kiến trúc của sân bay Long Thành (nguồn: ACV cung cấp).

Bản sắc văn hóa kết hợp kiến trúc xanh

Ý tưởng thiết kế một sân bay kết hợp giữa văn hóa truyền thống với hiện đại tiện ích và thân thiện với môi trường, thể hiện văn hóa con người của quê hương Việt Nam được xem là phần giá trị cốt lõi của sân bay Long Thành.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Sau khi đối chiếu và xem xét các tiêu chí đánh giá, các thành viên hội đồng đánh giá xếp hạng đã chấm điểm độc lập về các phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách, phương án thiết kế sự phá cách về kiến trúc nhằm tăng thêm tính thẩm mỹ, công năng sử dụng tối đa của cảng hàng không và đặc biệt là thân thiện với môi trường cũng hết sức được quan tâm. Vượt qua 9 phương án kiến trúc sân bay được trưng bày triển lãm tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam để lấy ý kiến của người dân. Ý tưởng bông hoa sen cách điệu do Công ty Heerim Architects & Planners (Hàn Quốc) thiết kế đã được nhiều chuyên gia, người dân đánh giá cao bởi mang biểu tượng văn hóa và thân thiện với môi trường. Toàn bộ thiết kế hoa văn trang trí của sân bay được sử dụng thống nhất với hình tượng hoa sen truyền thống Việt Nam.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Bản sắc văn hóa kết hợp kiến trúc xanh
Khu vực lấy ánh sáng trung tâm kết hợp với hồ nước tạo nên điểm nhấn thân thiện với môi trường.

Điểm nhấn của nhà ga là khu vực bố trí ô lấy sáng trung tâm tại khu vực làm thủ tục hàng không và ô thông tầng cảnh quan trung tâm nhà ga từ tầng 3 xuống tầng 1. Với việc bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn, kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên ô lấy sáng chiếu xuống sẽ làm cho hành khách cảm thấy thoải mái như hòa với thiên nhiên. Giải pháp thiết kế kết hợp hệ vách kính bao che với các lam chắn nắng sẽ làm giảm ánh sáng mặt trời, tăng trải nghiệm cho hành khách, thuận tiện bảo trì và tiết kiệm năng lượng.

Phương án bố trí mái sảnh chính với độ vươn lớn và thiết kế mái nhỏ tại khu vực cầu cạn tương đối hài hòa, giống như những lớp xếp của bông sen. Thiết kế độc đáo này, sân bay Long Thành sẽ mang lại những ấn tượng đáng nhớ mang đậm dấu ấn về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.

Bên ngoài mang dáng vẻ truyền thống nhưng “cốt lõi” của sân bay Long Thành lại bao gồm những phương án hiện đại mang tính bền vững. Đó là, hàng loạt những thiết kế mang tính chiến lược tiết kiệm năng lượng và các hệ thống tái tạo năng lượng tại chỗ. Đáng chú ý nhất là việc sử dụng ánh sáng tự nhiên và các tấm pin năng lượng mặt trời; hệ thống chiếu sáng nhân tạo được giảm thiểu và thay vào đó là ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa, tạo nên sự thoải mái cho hành khách và đặc biệt là giảm nhu cầu năng lượng điện. Ngoài việc sử dụng ánh sáng tự nhiên, các kiến trúc sư cũng tính toán đến việc giảm lượng khí thải cacbonic của sân bay bằng cách sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Bản sắc văn hóa kết hợp kiến trúc xanh
Tổng thể nhà ga hành khách T3 với những mảng xanh hài hòa đẹp về kiến trúc và thân thiện với môi trường.

Trách nhiệm với môi trường để phát triển bền vững

Bên cạnh các giải pháp về điện năng, sân bay Long Thành còn được trang bị hệ thống xử lý nước thải độc lập với quy mô khoảng 50.800m2, gồm: Nhà điều hành, bể tái sử dụng và phòng bơm, trạm bơm bùn, bể xử lý, bãi chứa và làm khô bùn cặn, phòng máy biến thế, bể chứa ngầm nước thải từ máy bay.

Trạm xử lý nước thải của sân bay Long Thành được áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, chất lượng nước thải sau xử lý đạt theo cột B QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp). Nước thải sau xử lý được sẽ được tái sử dụng cho việc xả vệ sinh và tưới cây xanh. Riêng nước thải từ máy bay sẽ được chứa trong một bể chứa riêng và được đưa đi xử lý theo quy trình đặc biệt.

Được biết, hệ thống mạng nước tái sử dụng có công suất khoảng 2.250m3/ngày, được xử lý theo “Hướng dẫn chất lượng nước tái sử dụng đối với nước thải đã qua xử lý”, ban hành bởi Viện Quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng quốc gia, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Với kiến trúc tiếp nối, gắn kết giữa nhà ga hành khách thành một khối công trình liền mạch với công trình nhà để xe được thiết kế như một cánh đồng sen, làm nổi bật hình ảnh hoa sen – nhà ga hành khách. Các đường nét của công trình tạo nên một mảng xanh mềm mại, ngoài công năng chính là để xe phục vụ hành khách, công trình này còn là một tòa nhà phức hợp thương mại, khách sạn quá cảnh để cung cấp đầy đủ các dịch vụ tiện ích về mua sắm, ăn uống, lưu trú và giải trí phục vụ hành khách và người đưa tiễn.

Trong quá trình thiết kế, những kiến trúc sư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã luôn trăn trở với mong muốn làm sao để bất cứ ai đến sân bay Long Thành đều có những trải nghiệm đẹp với những yếu tố tự nhiên. Vì vậy, những mảng xanh, thác nước đã được đưa vào công trình tạo nên “bản nhạc” nhẹ nhàng giữa những dòng người tấp nập.

Giải pháp kiến trúc xanh được chú trọng với hệ thống mái phủ cây xanh và bố trí nhiều khoảng không gian thông tầng, mang đến ánh sáng tự nhiên cho tất cả các khu vực của tòa nhà, từ khu vực để xe đến khu vực thương mại. Cây xanh sẽ được trồng xen kẽ giữa các khu vực nhằm giảm tiếng ồn và khói bụi từ các phương tiện trong nhà để xe và từ hệ thống giao thông.

ACV xác định, công trình xanh không chỉ có cây xanh mà phải “xanh” từ mỗi viên gạch, vì vậy mà Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng bởi những vật liệu thân thiện với môi trường, mỗi khu vực sẽ dùng những vật liệu phù hợp với có công năng riêng nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, độ bền, tính và đặc tính của nhà ga hàng không.

Để chọn vật liệu bao che, ACV đã thực hiện các phân tích ASE (Annual Sunlight Exposure) để phân tích mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hàng năm để bố trí sử dụng vật liệu cho hệ thống bao che tối ưu nhất (kính cách nhiệt, giảm chói, hệ lam chớp che nắng, vật liệu mái cách nhiệt cao…) để giảm tỷ lệ diện tích tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng như chọn vật liệu, có tính chất cách nhiệt cao mang lại hiệu quả về tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT ACV chia sẻ: “Với trách nhiệm bảo vệ môi trường, chúng tôi đã chọn phương án thiết kế theo hướng công trình xanh, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, tích cực góp phần thúc đẩy tiến trình “chuyển đổi xanh” của Việt Nam, thực hiện cam kết về Net Zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới”.

Với trách nhiệm và văn hóa ứng xử với môi trường như của ACV thì Cảng hàng không quốc tế Long Thành hứa hẹn sẽ là một công trình không chỉ mang lại niềm tự hào về kiến trúc đặc sắc, mà còn là một công trình mang tính bền vững với môi trường của Việt Nam.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Yphong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load