Thứ tư 20/11/2024 19:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cần thêm nhiều ưu đãi thuế phí cho ngành Công nghiệp ô tô

14:51 | 15/11/2024

(Xây dựng) - Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành động lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để hiện thực hóa tiềm năng này, ngành rất cần các chính sách thuế và phí hỗ trợ từ Nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh và gia tăng dung lượng thị trường.

Cần thêm nhiều ưu đãi thuế phí cho ngành Công nghiệp ô tô
Các chính sách ưu đãi về thuế phí không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí mà còn tạo cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.

Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong giai đoạn duy trì thị trường, do đó rất cần những chính sách hỗ trợ hiệu quả. Các chính sách ưu đãi về thuế phí không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí mà còn tạo cơ hội thu hẹp khoảng cách giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và xe lắp ráp trong nước (CKD).

Điều này sẽ đặt nền tảng để các doanh nghiệp ô tô nội địa chuyển sang giai đoạn tăng trưởng, phát triển bền vững hơn. Một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô là hướng tới các dòng xe xanh, thân thiện với môi trường.

Theo đại diện VAMA, các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào một hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ, có tính đột phá, để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe điện và các loại phương tiện giao thông thông minh. Những chính sách này cần khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy liên kết với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, những bước tiến gần đây đã cho thấy tiềm năng lớn. TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô đã tăng từ 12% năm 2018 lên 25% năm 2023.

Xu hướng của các doanh nghiệp hiện nay là gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc sản xuất cụm linh kiện, thiết bị gốc (OEM), và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM). Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương ông Phạm Tuấn Anh, nhận định nhu cầu phương tiện giao thông tại Việt Nam đang tăng nhanh, mở ra thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp ô tô. Cùng với đó, các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang được triển khai mạnh mẽ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là doanh số sụt giảm và sản lượng chưa ổn định. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, các giải pháp kích cầu riêng lẻ từ phía doanh nghiệp là không đủ để duy trì sự ổn định và tạo sức bật cho thị trường.

Vì vậy, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách thuế là yêu cầu cấp thiết. Một trong những giải pháp quan trọng là giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, như đã được thực hiện ba lần trước đây từ năm 2020 đến 2023.

Hiện, Bộ Tài chính đang xin ý kiến về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước trước khi có phương án cuối cùng trình Chính phủ. Trước đó, Chính phủ đã 3 lần giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, lần lượt vào nửa cuối năm 2020, cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022 và nửa cuối năm 2023.

Lan Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load