(Xây dựng) – Thời gian qua, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã thực hiện các chính sách, chủ trương và chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại đầu tư, thu hút được hàng chục nhà đầu tư tham gia vào các cụm công nghiệp, tạo việc làm và có mức thu nhập khá cho hàng trăm lao động.
Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong. |
Toàn huyện Triệu Phong hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, với các sản phẩm chủ lực như: Gạch nung, cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, may gia công, sản xuất củi trấu... đi vào hoạt động trong nhiều năm nay, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương.
Nhằm hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thời gian qua công tác khuyến công tại huyện Triệu Phong đã được chú trọng, tích cực về việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng bao bì, nhãn mác, từng bước hình thành thương hiệu, góp phần duy trì, mở rộng và phát triển một số ngành nghề ở nông thôn như: Sản xuất bánh kẹo, chế biến lương thực, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Triệu Phong chỉ đạo các địa phương củng cố các cơ sở sản xuất hiện có và khuyến khích hộ gia đình sản xuất hàng tiêu dùng. Xuất phát từ chủ trương đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu xây dựng một số giải pháp nhằm mở rộng và duy trì hình thức liên doanh, đặc biệt chú trọng đến ngành chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng và cơ khí sửa chữa nhỏ. Một số nghề như: Sản xuất gạch ngói, khai thác cát sạn, chế biến lâm, hải sản đã có sự đầu tư mở rộng quy mô và tăng số cơ sở sản xuất. Nhờ đó, giá trị ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp bình quân hằng năm tăng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển.
Cùng với đó, Huyện ủy Triệu Phong cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ cho từng giai đoạn khác nhau. Theo đó, huyện triển khai thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, huy động các thành phần kinh tế, các nguồn lực để phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu như: Chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Nhờ vậy mà đến nay, trên địa bàn huyện này có 2 cụm công nghiệp đó là Cụm công nghiệp Ái Tử và Đông Ái Tử. Đến nay, cụm công nghiệp này đã có 12 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, gồm các ngành nghề như: Cưa xẻ, chế biến gỗ rừng trồng; sản xuất mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng…
Đặc biệt, Cụm công nghiệp Đông Ái Tử đã thu hút được 22 doanh nghiệp vào đầu tư dự án, với đa dạng các ngành nghề như: May mặc, chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ - mộc dân dụng, gia công ván công nghiệp phủ bề mặt, gia công cơ khí, sản xuất thiết bị điện - điện tử, sản xuất khí công nghiệp… Trong đó, các dự án có tổng mức đầu tư lớn như: Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ; Sangshin Electronics Co.Ltd. Tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp đạt 100% với nhiều dự án sản xuất kinh doanh ổn định, hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Hữu Tiến
Theo