Thứ sáu 27/12/2024 07:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bình Phước: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, hướng tới tăng trưởng bền vững

17:39 | 18/11/2024

(Xây dựng) - Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh Bình Phước đang tập trung thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Bình Phước: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, hướng tới tăng trưởng bền vững
Bình Phước ưu tiên thu hút, phát triển 6 phân ngành công nghiệp hỗ trợ.

UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 08/3/2024 triển khai Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt 800 triệu USD; thu hút các dự án lớn, công nghệ cao và phát triển 6 phân ngành trọng điểm, bao gồm điện tử, dệt may, ô tô, da giày, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi nhấn mạnh, phát triển công nghiệp hỗ trợ là bước đi chiến lược để cung ứng nguyên liệu, linh kiện cho các ngành công nghiệp chủ lực, từ đó tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Tỉnh ưu tiên đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử, lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp khác.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bình Phước đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư và xúc tiến đầu tư. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ phát triển nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Sở Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác sản xuất. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phát triển nguồn nhân lực. Sở Xây dựng sẽ đầu tư hạ tầng. Cuối cùng, Ban Quản lý khu kinh tế sẽ bố trí quỹ đất cho các dự án công nghiệp hỗ trợ.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và đang tập trung sản xuất linh kiện và phụ tùng cho ngành công nghiệp chế tạo và tiêu dùng, hình thành hệ thống sản xuất hỗ trợ. Họ tiếp nhận hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế từ các doanh nghiệp lớn, tham gia vào hợp đồng thầu phụ và tổ chức sản xuất sản phẩm chất lượng cao mà không cần đầu tư toàn bộ quy trình.

Bình Phước tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tận dụng lợi thế của các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ và chi phí thuê đất cạnh tranh. Tỉnh cũng đang hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, khai thác tối đa ưu đãi của Chính phủ.

Tỉnh tập trung thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu nội địa hóa. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với quy hoạch của Quốc gia và vùng Đông Nam Bộ. Các doanh nghiệp lớn sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các nhà sản xuất để nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong GRDP.

Lan Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load