Thứ ba 30/04/2024 01:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần thêm chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư công trình xanh

08:13 | 13/04/2024

(Xây dựng) – Đây là một trong các đề xuất tại Hội thảo quốc tế “Chính sách và pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia” do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation - PKC) tổ chức vừa qua.

Cần thêm chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư công trình xanh
Các diễn giả tại Hội thảo quốc tế về chính sách pháp luật cho công trình xanh ở Việt Nam.

Theo các đại biểu, Việt Nam cần có các quy định pháp luật thực hiện chính sách ưu đãi nhằm phát triển công trình xanh trong thời gian tới. Vì chi phí ban đầu để thực hiện một dự án công trình xanh tại Việt Nam cao hơn từ 1,2 – 10% so với công trình thông thường. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho chủ đầu tư thực hiện dự án công trình xanh là không đáng kể.

Kinh nghiệm quốc tế

Hội thảo quốc tế được tổ chức với mục tiêu nhận diện, phân tích những khía cạnh pháp lý, kinh tế, môi trường và thực tiễn trong việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ngày nay, chúng ta chứng kiến một kỷ nguyên, công trình xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu của chúng ta về phát triển bền vững. Công trình xanh không chỉ mang đến các thay đổi tích cực về cảnh quan, mà còn thiết lập một nền tảng thực tế, năng động để nghiên cứu sự phát triển bền vững. Các thành tựu trên thế giới cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và cơ quan Chính phủ trong việc mở rộng ranh giới của xây dựng xanh.

Tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng xanh, phản ánh cam kết của đất nước về tính bền vững và bảo vệ môi trường. Với bối cảnh đó, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc lồng ghép nội dung phát triển hoạt động xây dựng xanh với hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong khuôn khổ Hội thảo, sự hợp tác tổ chức từ Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, cùng các nghiên cứu và trao đổi sẽ là minh chứng cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác nhằm đóng góp vào sự phát triển chung”.

Cần thêm chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư công trình xanh
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo quốc tế về công trình xanh.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn đọng làm hạn chế sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn nhiều e ngại khi tham gia phát triển lĩnh vực này do kinh phí đầu tư cao, kinh nghiệm phát triển công trình xanh chưa được phổ biến và Bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Các Bộ, ngành vẫn đang xây dựng quy chế ưu đãi, hỗ trợ thuế, phí, nhằm tạo thuận lợi về thủ tục hồ sơ cho công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh.

Ông Owen Wee - Đồng Chủ tịch của BCA GreenMark SLE/ZEB Task Force, Thành viên Hội đồng Công trình xanh Singapore chia sẻ kinh nghiệm: “Kế hoạch tổng thể Công trình xanh Singapore (SGBMP) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được môi trường xây dựng bền vững và ít carbon nhằm hỗ trợ Kế hoạch xanh hóa Singapore 2030 - một phong trào bền vững quốc gia nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Kế hoạch xanh hóa Singapore 2030 gồm: Thành phố thiên nhiên; Lối sống bền vững; Thiết lập lại năng lượng; Kinh tế xanh và tương lai thích ứng.

Trong đó, sáng kiến “Thành phố thiên nhiên” nhằm mục đích tạo ra một môi trường sống xanh, đáng sống và bền vững cho tất cả người dân Singapore. Bằng cách mở rộng không gian xanh, trồng một triệu cây xanh trên khắp hòn đảo và xây dựng thêm nhiều công viên trong khoảng cách đi bộ đến các khu dân cư để thiết lập các bể chứa carbon”.

Kiến nghị từ doanh nghiệp phát triển công trình xanh

Là doanh nghiệp tiên phong phát triển công trình xanh tại Việt Nam, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation đề xuất: “Cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng. Điều này là để ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất”.

Cần thêm chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư công trình xanh
Công trình xanh tiên phong do Phúc Khang phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cũng theo bà Mẫu, cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/ dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Điều này xem như gửi tín hiệu tới khu vực tư nhân và các nhà đầu tư rằng Chính phủ đang nghiêm túc về vấn đề công trình xanh.

Bà Mẫu chỉ ra rằng, chi phí ban đầu để thực hiện một dự án công trình xanh tại Việt Nam là nhiều hơn so với dự án công trình thông thường từ 1,2 - 10%. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho các chủ đầu tư thực hiện dự án công trình xanh là không đáng kể. Từ đó làm cho giá kinh doanh dự án công trình xanh sẽ cao hơn dự án thông thường, tạo nên tâm lý ngại đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư…

“Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư công trình xanh như: Cho vay với lãi suất ưu đãi; Nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; Bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh. Cần tổ chức các giải thưởng liên quan công trình xanh nhằm tôn vinh đóng góp của tổ chức, cá nhân.

Để thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam, ngoài cơ chế chính sách thì cũng cần nâng cao nhận thức về công trình xanh cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng. Việc này bắt đầu từ chương trình đào tạo ở các trường đại học và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội. Có chiến lược truyền thông về công trình xanh, tuyên truyền phổ biến cho người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua công trình hiểu như thế nào là công trình xanh và những lợi ích to lớn mà công trình xanh đem lại về mặt kinh tế, xã hội và môi trường”, bà Mẫu kiến nghị.

Cao Cường – Khuê Các

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load