(Xây dựng) – Sau khi được Nhà nước cho thuê đất, không ít đất nền nhà máy, trụ sở công ty sau cổ phần được chuyển đổi mục đích sử dụng, "hô biến" thành dự án chung cư, văn phòng cho thuê. Điều này không chỉ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng giao thông, dân cư của khu vực.
Dự án PCC1 44 Triều Khúc được chuyển đổi từ trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh thành dự án nhà chung cư với chiều cao 27 tầng. |
Tại Chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra đánh giá về việc cổ phần hóa doanh nghiệp: Vừa rồi, chúng ta thất thoát nhiều thông qua cổ phần hóa chủ yếu từ đất, có các vụ án xảy ra chủ yếu liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất. Khi tỉnh phê duyệt, đất đó là đất thuê, doanh nghiệp nộp tiền thuê đất 1 lần là 50 năm, sau khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần thì lại xin địa phương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất, như vậy không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát, tài sản của Nhà nước chuyển qua tài sản của tư nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp cổ phần đều sử dụng đất là đất sở hữu toàn dân, khi doanh nghiệp Nhà nước có đất thuê với mục đích thuê là sản xuất, kinh doanh thì khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần sẽ thực hiện đúng mục đích đó. Còn nếu doanh nghiệp cổ phần không có nhu cầu sử dụng thì trả lại đất cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền với phần tài sản trên đất cho doanh nghiệp và sau đó tổ chức đấu giá đất, thu về ngân sách. Nếu làm như vậy, chênh lệch địa tô sẽ không chảy vào túi doanh nghiệp, mà sẽ do Nhà nước điều tiết.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng giao thông, dân cư của khu vực. |
Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã trục lợi trên đất vàng sau cổ phần hóa, nhiều khu đất vàng bị phù phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Có thể kể đến, khu đất của Nhà máy ô tô Hoà Bình. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 25/1/1994, UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhà máy ô tô Hòa Bình (thuộc Bộ Giao thông vận tải) với tổng diện tích 61.643m2 đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (nay là số 53 và 44 phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân). Trong đó tại 44 Triều Khúc có diện tích là 6.098m2 (Công ty Cổ phần Cơ khí ô tô Hòa Bình được UBND Thành phố cho thuê theo Quyết định 1974/QĐ-UB ngày 26/4/2006 để tiếp tục làm trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh).
Ngày 15/3/2017, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận nguyên tắc đề xuất của Sở Quy hoạch kiến trúc về việc điều chỉnh chức năng từ đất nhà ở sang đất hỗn hợp để lập quy hoạch thực hiện dự án tại 44 Triều Khúc.
Ngày 04/7/ 2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Quyết định số 4070/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-3 khu đất 44 Triều Khúc theo hướng giao cho Công ty Cổ phần Cơ khí ô tô Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) lập dự án đồng bộ (có tính chất nhà ở, thương mại, văn phòng; cao 27 tầng).
Có điều “đặc biệt” là dự án tại 44 Triều Khúc do Công ty Hòa Bình làm chủ đầu tư, nhưng tên dự án lại mang tên một đơn vị khác, đó là Công ty Cổ phần xây lắp điện 1 (PCC1). Lần theo các thông tin, phóng viên được biết, nguyên nhân là từ tháng 9/2016, PCC1 nhận mua bán cổ phần ở Công ty Hòa Bình và phê duyệt vốn đầu tư dự án PCC1 Thanh Xuân. Công ty Hòa Bình (pháp nhân thực hiện dự án) có vốn điều lệ gần 27 tỷ đồng. Và bất ngờ là, PCC1 nắm giữ tới 98,4% vốn điều lệ. Đến đây, có thể thấy khu đất có diện tích 6.098 m2 tại 44 Triều Khúc đã được chuyển hóa lợi nhuận khai thác từ Công ty Hòa Bình sang PCC1.
Khu đất số 9 Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) “mọc” lên cao ốc GP Tower. |
Tương tự, theo quy hoạch phân khu xác định chức năng là đất cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo. Thế nhưng, sau một loạt các quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, khu đất có địa chỉ số 9 Phạm Văn Đồng đã “mọc” lên một tòa nhà hỗn hợp nhà ở, dịch vụ, thương mại, văn phòng cho thuê với tên gọi The Nine Tower.
Tìm hiểu được biết, ngày 2/4/2018, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định chủ trương đầu tư số 1560/QĐ-UBND chấp thuận dự án đầu tư Tòa nhà hỗn hợp GP Tower (khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại địa điểm số 9 đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy). Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu (MST 0107977736).
Tới thời điểm có quyết định trên, doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập có 7 tháng (28/8/2017), sử dụng cùng địa chỉ trên và có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tiến Dũng.
Điều đáng nói, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB 916899 thì chủ sử dụng khu đất lại là Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam.
Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, vì sao không có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu lại được chấp thuận là nhà đầu tư? Theo tìm hiểu của phóng viên thì tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã dừng hoạt động.
Mặt khác đối chiếu với quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở thì chủ đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở. Thế nhưng tại thời điểm phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, loại đất mà Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam có quyền sử dụng là đất nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, mục đích làm trụ sở văn phòng.
Ngày 17/10/2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Hùng lại ký Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Tại quyết định này, Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu bất ngờ “biến mất”, nhà đầu tư được điều chỉnh gồm hai doanh nghiệp gồm: Nhà đầu tư thứ 1 - Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam (đại diện là ông Lê Hồng Minh) và Nhà đầu tư thứ 2 – Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu (đại diện là ông Nguyễn Quốc Hiệp).
Và tới ngày 18/12/2019, Hà Nội mới có quyết định cho phép Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam chuyển mục đích hơn 4900m2 để thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp GP Tower theo chủ trương đầu tư đã cấp. Hay nói cách khác tại thời điểm điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cũng vẫn chưa có “đất ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp” theo quy định của Luật Nhà ở.
Liên quan đến nguồn gốc khu đất số 9 Phạm Văn Đồng, trước đó ngày 9/11/2004, thành phố Hà Nội có Quyết định số 7624/QĐ-UB về việc cho Công ty Cơ khí và Tàu thuyền Thuỷ sản được thuê đất (Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm) tại thửa đất số 37 Km9 đường Phạm Văn Đồng để làm trụ sở văn phòng. Trong đó có hơn 4500m2 là đất thuê 20 năm (tính từ ngày 1/1/2004) mục đích làm trụ sở văn phòng, phần đất còn lại nằm trong hành lang bảo vệ tuyến điện cao thế và mở đường theo quy định là đất thuê hàng năm.
Tìm hiểu thêm được biết, công ty này vốn có tiền thân là Cục cơ khí tàu thuyền thuộc Bộ Thủy sản (cũ). Tới ngày 8/12/2004 (nghĩa là sau Quyết định 7264 gần 1 tháng) công ty mới được Bộ Thủy sản quyết định cho chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty Cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam (Quyết định số 1142/QĐ-BTS).
Đó chỉ là 2 dẫn chứng trong số hàng loạt nhà máy, trụ sở cơ quan sau khi cổ phần hóa đã chuyển đổi mục đích sang nhà ở, thương mại và dịch vụ. Rõ ràng, câu chuyện cổ phần hóa đang bị các doanh nghiệp “làm trò”, nhiều sai phạm trong cổ phần hóa, gây thất thoát ngân sách Nhà nước được chỉ rõ. Đây là những lỗ hổng lớn trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, cần được các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ.
Khánh An
Theo