Thứ bảy 07/12/2024 21:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

15:38 | 15/04/2017

(Xây dựng) - Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 2783/VPCP-QHĐP ngày 23/3/2017 của Văn phòng Chính phủ chuyển tiếp kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng.


Ảnh minh họa

Nội dung kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương như sau: “Hiện nay tình trạng nợ công của nước ta đang tăng cao và sắp vượt ngưỡng giới hạn an toàn. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có quy hoạch, quản lý chất lượng và tính hiệu quả công trình, tránh thất thoát, lãng phí”.

Về vấn đề này Bộ Xây dựng xin trả lời như sau: Về thực trạng quy hoạch và phát triển đô thị. Trong thời gian qua, công tác quản lý phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng đã được đổi mới, tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị. Đến hết năm 2016, tất cả các tỉnh đã lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh;  tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Năng lực quản lý, tổ chức thực hiện đầu tư phát triển đô thị của một số cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia đã được nâng cao hơn.

Tuy nhiên ở một số địa phương, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng các loại quy hoạch xây dựng theo quy định (nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) còn chậm; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa đồng bộ. Hiện nay, hầu hết các đô thị trên toàn quốc đã lập và phê duyệt quy hoạch chung đô thị làm căn cứ quản lý phát triển đô thị nhưng tiến độ lập và phê duyệt chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị còn rất chậm (mới đạt 30% khối lượng công việc theo yêu cầu).

Do hạn chế về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời còn thiếu nguồn lực cho phát triển đô thị vì vậy việc xây dựng đô thị chưa đồng bộ, nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị triển khai thiếu kế hoạch, chưa xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự án và thiếu kết nối phù hợp với hệ thống hạ tầng chung ngoài khu vực dự án, gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực xã hội, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Về thực trạng quản lý chất lượng công trình xây dựng. Chất lượng công trình xây dựng phụ thuộc vào chất lượng giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công và điều kiện năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác vận hành, bảo trì và sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, hàng năm có khoảng 54.000 công trình được thi công xây dựng trên phạm vi cả nước. Chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản là đảm bảo, chất lượng ngày một nâng cao. Trong 5 năm gần đây, có khoảng trên 97% số lượng công trình đạt yêu cầu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, các công trình còn lại đã được yêu cầu khắc phục tồn tại, sai sót để đảm bảo an toàn trước khi được chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng. Sự cố công trình xây dựng có xu hướng giảm, chiếm tỷ lệ thấp từ 0,1% đến 0,2% trong tổng số công trình được xây dựng hàng năm (năm 2013 có 70 sự cố được ghi nhận. Năm 2014 có 47 sự cố, chiếm khoảng 0,1% tổng số công trình đang xây dựng. Năm 2015 có 58 sự cố, chiếm khoảng 0,15% và không có sự cố công trình xây dựng nghiêm trọng.

Chất lượng các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả. Nhiều công trình xây dựng mới, được đưa vào sử dụng có chất lượng tốt, phát huy hiệu quả kinh tế xã hội như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhà máy thủy điện Lai Châu,...

Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như sau: Tham mưu hoàn thiện thể chế qua đó từng bước hình thành hệ thống công cụ quản lý Nhà nước về quản lý phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng như: Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định hướng dẫn.

Về hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý vi phạm trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn và quy định chi tiết Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, phân định rõ thẩm quyền, quy định cụ thể hành vi vi phạm tiến tới hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, nâng cao hiệu quả quản lý.

 Phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch nhằm xác định các khu vực phát triển đô thị với kế hoạch thực hiện cụ thể trong giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, làm cơ sở triển khai các dự án cụ thể. Kiểm soát việc phân loại đô thị nhằm đảm bảo việc mở rộng phát triển đô thị gắn với nâng cao chất lượng đô thị.

Phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý chất lượng công trình và chi phí xây dựng, thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng theo Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP. Theo đó trong năm 2016, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 0,97% tổng mức đầu tư; thông qua việc thẩm định thiết kế, dự toán đã cắt giảm chi phí khoảng 5,87% so với dự toán. Tỷ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung thiết kế chiếm khoảng 36%, qua đó phòng ngừa được nhiều rủi ro về chất lượng công trình.

Rà soát sửa đổi bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, suất vốn đầu tư, định mức dự toán xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình, định mức chi phí quy hoạch xây dựng và đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí. Đến nay, Bộ Xây dựng đã công bố 12.685 định mức trong hoạt động xây dựng. Riêng trong năm 2016, đã công bố 1.900 định mức vật tư xây dựng, 411 suất vốn đầu tư xây dựng công trình, 185 giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu và suất chi phí xây dựng phù hợp với mặt bằng giá thị trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng. Trong giai đoạn 2011-2015, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã tiến hành 286 đoàn kiểm tra, xử lý kinh tế với 3.300 tỷ đồng trên mức đầu tư 82.000 tỷ đồng, chiếm 4,3% gồm tiền áp sai đơn giá thuê đất, lập dự toán, điều chỉnh dự toán chưa đúng quy định. Đối với một số trường hợp sai phạm, Bộ Xây dựng đã điều tra nguyên nhân, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý như: vỡ đường ống nước Sông Đà, vỡ đập phụ công trình hồ chứa nước Đầm Hà Động tại Quảng Ninh; sập đường hầm công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng); sập giàn giáo công trình tại khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh (khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phát triển đô thị, chất lượng công trình xây dựng và an toàn trong thi công xây dựng công trình. Đề xuất xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng, đảm bảo đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện kiện toàn, nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn về xây dựng đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng cường năng lực cho tổ chức, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng thông qua việc cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, công khai thông tin về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phối hợp với các địa phương thực hiện và đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình, đặc biệt thông qua công tác thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; xử lý nghiêm các vi phạm.

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong đầu tư xây dựng. Tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, đôn đốc xử lý sau thanh tra.

 

Tuyết Hạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load