(Xây dựng) – Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập, Công ty Cổ phần Nước môi trường Bình Dương đã công bố nhận diện thương hiệu mới với tên gọi “Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước môi trường Bình Dương” (Biwase).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã chúc mừng những kết quả mà Biwase đã đạt được trong 45 năm qua. Theo ông Dũng, Biwase vốn là một doanh nghiệp Nhà nước, đã thực hiện nhiều công trình hạ tầng đô thị, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Sau cổ phần hóa, Biwase tiếp tục phát huy lợi thế, tìm kiếm thêm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nước sạch, xử lý môi trường. Đóng góp vào mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương thành một đô thị thông minh, văn minh, đáng sống. Không những phát triển ở Bình Dương mà Biwase đã vươn ra khỏi địa giới hành chính tỉnh để bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ người dân, doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận như: Bình Phước, Đồng Nai, Long An…
Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase nhớ lại: “Biwase đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức với sự quyết tâm cao độ, bền bỉ, xác định mục tiêu xây dựng đơn vị vững mạnh để được phụng sự nhiều hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương và đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh.
Năm 1994, Công ty đã bỏ hẳn hệ thống nước ngầm phân tán nhỏ lẻ, chuyển sang nhà máy nước mặt tập trung, công suất ban đầu 7.500m3/ngày đêm. Năm 1997, Biwase hoàn thiện nhà máy nước Thủ Dầu Một với công suất 15.000m3/ngày đêm, đưa tuyến ống dẫn hơn 12km D400 về cấp nước cho Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đầu tiên, đây là bước chuyển mình quan trọng, làm thay đổi tư duy về dịch vụ cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp”.
Theo ông Thiền, những ngày đầu còn nhiều khó khăn nguồn lực nhỏ mà nợ quá hạn nhiều, thất thoát nước 50% vì hệ thống ống cũ, lâu đời, không đảm bảo chất lượng. Khi đưa nhà máy nước mặt vào, áp lực mạng lưới tăng cao, trung bình 20 - 30m nên chỗ nào cũng rò rỉ, đồng hồ đo nước thì sử dụng đồ cũ tận dụng lại vì bị cấm vận không có nguồn nhập đồng hồ mới.
Tuy nhiên, bằng nguồn vốn ODA đầu tiên trị giá 350.000 USD từ tổ chức OECF của Chính phủ Nhật, Biwase đầu tư 10km ống gang Kubota và quyết tâm thay thế toàn bộ ống cũ, hư hỏng. Sự quyết tâm đó đã giúp Công ty giảm thất thoát nước ở mức thấp nhất, góp phần tích lũy vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase ôn lại những ngày đầu chuyển đổi từ cấp nước ngầm sang nước mặt. |
Từ thành công bước đầu, Công ty đã nhận được lòng tin ở các cấp và từ đó các dự án ODA liên tục được duyệt, góp phần xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, môi trường Bình Dương thêm ổn định, vững mạnh. Có thể kể đến 2 dự án tiêu biểu từ nguồn ODA là nhà máy nước Dĩ An do ADB tài trợ và nhà máy nước Thành phố mới Bình Dương do Hà Lan và Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Đến nay, công suất cấp nước của Công ty đã tăng 100 lần với 760.000 m3/ngày đêm; 04 nhà máy nước thải sinh hoạt công suất gần 90.000 m3/ngày đêm, cùng hệ thống thu gom hoàn toàn riêng biệt; công suất xử lý rác thải 2.400 tấn/ngày tái chế làm phân, đốt phát điện, đóng cửa 100% các hố chôn, ủ rác tạm. Tổng doanh thu năm 2022 đạt hơn 3.900 tỷ đồng, tổng tài sản trên 9.434 tỷ đồng.
Với những cách làm hiệu quả đã giúp Công ty ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần cùng Bình Dương bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, cung cấp nước sạch phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cao Cường
Theo