Thứ sáu 22/11/2024 12:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Bình Thuận: Ai “hô biến” đất công thành đất tư

22:00 | 24/12/2020

(Xây dựng) - 90ha đất rừng được thanh lý từ năm 2007, giao về lại cho tỉnh Bình Thuận quản lý, bỗng nhiên có người dân được cấp sổ xây nhà trên diện tích đất rừng. Chuyện lạ đang xảy ra tại tỉnh Bình Thuận.

binh thuan ai ho bien dat cong thanh dat tu
Công trình sai phép của ông Nguyễn Hoành Bỉ nằm chơ vơ giữa đồi trọc.

Đất rừng thanh lý biến thành đất tư…

Căn nhà được xây dựng trái phép của ông Nguyễn Hoành Bỉ (Báo điện tử Xây dựng đã từng đề cập) được xây trên chính thửa đất có diện tích 36.820,1m2. Diện tích này ông Bỉ cho biết mình là chủ sử dụng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CN 250800 do UBND thành phố Phan Thiết cấp năm 2018.

Ông Bỉ nói vậy, nhưng theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú, thửa đất được cấp iấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Bỉ có phần diện tích nằm trong 90ha rừng thanh lý thuộc diện Nhà nước quản lý.

Qua đối chiếu tọa độ, ông Trịnh Thông Thường - Chuyên viên Ban quản lý rừng Hồng Phú còn phát hiện thửa đất 46.759,5m2 ¬được UBND thành phố Phan Thiết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CG 302487 năm 2017 cho bà Nguyễn Thị Thạnh cũng có diện tích nằm trong khu vực 90ha đất rừng thanh lý. Tổng cộng có đến 6,8ha đất thuộc 90ha đất rừng thanh lý đã được cấp quyền sử dụng cho ông Bỉ và bà Thạnh. “Qua kiểm tra, phần lớn đất của 2 thửa này nằm trong diện tích đất rừng trồng đã được thanh lý theo Quyết định của tỉnh vào năm 2007”, ông Thường khẳng định sau khi kiểm tra, đối chiếu tọa độ bằng phần mềm quản lý.

Không chỉ xẻ thịt đất rừng thuộc diện tích 90ha, diện tích đất rừng do Nhà nước quản lý nhiều nơi cũng được “hô biến” sang đất tư nhân. Theo hồ sơ, năm 2018, UBND thành phố Phan Thiết đã cấp 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 hộ dân mà trong đó, có đến 16,16ha thuộc đất công do Nhà nước quản lý. Trong đó 13.919m2 giao cho ông Phan Văn Xí (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CM 27697, ngày 4/6/2018); 986,7m2 giao cho ông Lê Văn Hương (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CP 528404, ngày 26/12/2018) và 1.255,2m2 giao ông Nguyễn Hoài Châu. Phần diện tích đất cấp cho những hộ dân trên thuộc diện tích 19,6ha đất rừng được giao cho UBND thành phố Phan Thiết quản lý.

Ngoài những phần đất đã được cấp sổ, còn rất nhiều thửa đất khác đang nằm chờ sổ tại diện tích đất rừng trên. Theo lời bà Trương Thị Thu Nhi, mẹ ông Nguyễn Hoành Bỉ thì: “Làm sổ được một mớ. Còn 5 - 6ha xin cấp sổ nữa nhưng mấy ông chưa cho. Hình như có chuyện gì đó nên mấy ông không dám ra sổ cho nhà tôi luôn”.

binh thuan ai ho bien dat cong thanh dat tu
Công văn Ban quản lý rừng Hồng Phú trả lời xã Thiện Nghiệp về việc xác định khu đất trước đây do Ban quản lý rừng Hồng Phú quản lý.

Trách nhiệm xoay tròn

Về pháp lý liên quan tới 90ha đất rừng thanh lý, ngày 26/2/2018, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú có Văn bản số 55/BQL-HP trả lời rõ về việc này. Theo đó, năm 2007, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 5/6/2007 về việc thanh lý 1.325,6158ha đất rừng bị chết của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao và Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết, trong đó có 90ha rừng keo lá tràm trồng năm 1998 từ nguồn vốn 327.

Theo quy hoạch đất lâm nghiệp tại Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 13/3/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận, thì toàn bộ 90ha rừng keo lá tràm thuộc Tiểu khu 214 xã Thiện Nghiệp và Tiểu khu 215 phường Mũi Né được thể hiện tại biên bản kiểm tra hiện trạng rừng trồng bị chết lập ngày 26/7/2004 đã được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Trong Công văn đề nghị cung cấp thông tin nguồn gốc đất đối với khu đất 7,5ha của UBND xã Thiện Nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú cũng trả lời rõ diện tích đất 7,5ha thuộc 90ha đất rừng thanh lý trước đây (trong đó có phần đất ông Phan Văn Cá tự ý cho thuê kiếm lợi).

Để tìm hiểu rõ trách nhiệm quản lý diện tích 90ha đất rừng thanh lý, ngày 24/07/2020, UBND xã Thiện Nghiệp có Văn bản gửi Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú.

Trong Công văn 340/BQL-HP trả lời ngày 19/08/2020, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú cho biết, đất trồng rừng keo lá tràm năm 1998 từ vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi khu vực rừng keo lá tràm chết, ngày 13/07/2007, UBND tỉnh Bình Thuận ban Quyết định số 674/QĐ-UBND thanh lý 90ha rừng chết và đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Cũng theo Quyết định này, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận tham mưu cho tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích đất khác.

Tại Khoản 4, Điều 2, Quyết định số 3656/QĐ-UBND ngày 27/12/2018, tỉnh có chỉ đạo giao Thủ trưởng đơn vị chủ rừng và Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Từ thời điểm có quyết định đưa 90 ha đất rừng thanh lý ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú chưa nhận được thông tin, hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến công tác lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất khác như UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo.

Theo Văn bản trả lời này, quyết định điều chỉnh ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đã có, nhưng hồ sơ chuyển mục đích đất lâm nghiệp sang đất khác thì chưa ai lập. Vậy căn cứ vào đâu để UBND thành phố Phan Thiết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số cá nhân, trong đó có gia đình ông Nguyễn Hoành Bỉ và bà Nguyễn Thị Thạnh đã nêu ở trên?

Rất nhiều diện tích đất rừng do Nhà nước quản lý được giao về cho UBND thành phố Phan Thiết quản lý. Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Bình Thuận, 90ha đất rừng thanh lý đã giao về cho thành phố Phan Thiết quản lý. Sau khi được giao quản lý, một phần diện tích đất này đang trở thành đất tư nhân. Không chỉ thế, phần diện tích 19,6ha đất rừng được UBND tỉnh Bình Thuận giao cho UBND thành phố Phan Thiết quản lý theo Quyết định 1653/QĐ-UBND, ngày 20/6/2017 cũng đã được tư nhân hóa phần lớn diện tích. Chỉ với 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 16,16ha đất Nhà nước đã trở thành đất của cá nhân.

Tìm hiểu trách nhiệm trong việc cấp đất rừng cho cá nhân tại cấp xã, mặc dù UBND phường Hàm Tiến thừa nhận số diện tích cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở trên có chồng lấn vào khu vực 19,6ha giao cho UBND thành phố Phan Thiết quản lý theo Quyết định số 1653/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận, nhưng nguyên nhân là do, UBND phường chưa được giao Quyết định số 1653 và bản đồ kèm theo; “quá trình cắm mốc bản đồ bàn giao tại thực địa theo Quyết định số 1653/QĐ-UBND của tỉnh Bình Thuận, UBND phường Hàm Tiến không tham dự” lãnh đạo phường Hàm Tiến nói. Nói là vậy, nhưng UBND phường Hàm Tiến lại thừa nhận công chức địa chính của phường có ký vào biên bản cắm mốc…(?!)

binh thuan ai ho bien dat cong thanh dat tu
Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển, Nông thôn Bình Thuận.

Theo Quyết định số 1653 của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận có trách nhiệm phối hợp cùng UBND thành phố Phan Thiết, UBND phường Hàm Tiến thực hiện việc bàn giao 19,6ha đất này. Tuy nhiên, khi trao đổi thì Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, đã chuyển nội dung đến UBND thành phố Phan Thiết và cơ quan này chịu trách nhiệm trả lời. Liên lạc với UBND thành phố Phan Thiết, thì không nhận được câu trả lời.

Việc “hô biến” đất công thành đất tư hữu ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Dư luận đang mong câu trả lời cụ thể, rõ ràng từ lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận.

Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load