Chủ nhật 06/10/2024 20:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Bình Giang (Hải Dương): Buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, môi trường?

08:08 | 09/08/2023

(Xây dựng) – Thời gian qua, hàng loạt trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường xuất hiện trên địa bàn huyện Bình Giang (Hải Dương) không bị xử lý hoặc xử lý không triệt để đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chuyên môn địa phương này.

Bình Giang (Hải Dương): Buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, môi trường?
Trạm trộn bê tông xây trên đất thổ cư ở thôn Ngọc Tân, xã Thúc Kháng.

Tại xã Tân Việt (Bình Giang), cơ sở sản xuất cọc bê tông ở thôn Bằng Giã xây dựng không phép trên đất được quy hoạch là đất ở, không có các biện pháp bảo vệ môi trường đang ngày đêm hành hạ người dân bằng tiếng ồn và khói, bụi nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của huyện Bình Giang vẫn không có biện pháp xử lý triệt để.

Theo phản ánh của các hộ dân thôn Bằng Giã, cơ sở sản xuất cọc bê tông được xây dựng trên phần đất đã được đấu giá quyền sử dụng đất để người dân làm nhà ở. Hoạt động hàng ngày của cơ sở thải ra môi trường rất nhiều bụi xi măng, bụi cát, đá, nước rửa xe, rửa bồn chứa cặn bê tông. Ngoài bụi, người dân còn khổ sở vì tiếng ồn từ cơ sở sản xuất này. Họ thường xuyên hoạt động vào những giờ mà mọi người cần yên tĩnh để nghỉ ngơi khiến người dân vô cùng căng thẳng, mệt mỏi.

Bình Giang (Hải Dương): Buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, môi trường?
Cơ sở sản xuất cọc bê tông không phép ở thôn Bằng Giã, xã Tân Việt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, cơ sở sản xuất cọc bê tông của Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Hiệu Hòa Hưng được xây dựng trong điểm dân cư mới thôn Bằng Giã, xã Tân Việt, huyện Bình Giang cách nay vài năm. Cơ sở hoạt động khi chưa có sự phê duyệt của cơ quan chức năng, không có đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định. Cơ sở này cũng không có chủ trương đầu tư lại được xây dựng trên phần đất đã được UBND huyện Bình Giang tổ chức đấu giá để người dân làm nhà ở.

Cũng trên địa bàn xã Tân Việt, một trạm trộn bê tông cũng mới được xây dựng trên khu đất chuyển đổi ở thôn Lý Đỏ. Trạm này xây dựng không nằm trong quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, không có biện pháp bảo vệ môi trường. Thế nhưng không hiểu sao chính quyền xã Tân Việt và cơ quan chuyên môn huyện Bình Giang lại chưa có biện pháp hiệu quả để chấm dứt hoạt động của trạm trộn không phép này.

Tại Xã Thúc Kháng cũng mới xuất hiện cơ sở sản xuất không phép, sử dụng đất không đúng mục đích. Đó là trạm trộn bê tông ở thôn Ngọc Tân. Trạm này được xây dựng trên đất được quy hoạch là đất ở, nằm ngay sát khu dân cư, bên cạnh đường tỉnh 394 nên mọi hoạt động đều ảnh hưởng đến người dân và các phương tiện tham gia giao thông. Ngày nắng thì cát, bụi bay mù mịt. Ngày mưa thì lầy lội, bẩn thỉu. Xe chở vật liệu, bê tông thương phẩm đỗ ngay ven đường khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn các nguy cơ dẫn đến tai nạn cho người tham gia giao thông.

Bình Giang (Hải Dương): Buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, môi trường?
Phế thải nhựa chất đầy bờ sông ở thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền.

Tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Nhân Quyền, từ lâu người dân đã rất bức xúc về hai xưởng tái chế nhựa xây dựng không phép, sử dụng đất không đúng mục đích, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động nhưng chỉ bị xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Đó là xưởng tái chế của các ông Vũ Văn Phương và Bùi Ngọc Hậu đều ở thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, cơ sở của ông Phương hoạt động trên đất của gia đình vượt lấp, còn cơ sở của ông Hậu xây dựng và hoạt động trên đất đê, thuê đất trồng cây lâu năm. Mặc dù UBND xã đã nắm được thông tin về 2 xưởng sản xuất này nhưng biện pháp xử lý của chính quyền địa phương khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự quyết liệt, khách quan cũng như tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ công chức chuyên môn. Theo đó, trong các ngày 21/1/2023 và 12/2/2023, UBND xã Nhân Quyền ra 2 quyết định xử phạt hành chính về đất đai, môi trường đối với các ông Vũ Văn Phương, Bùi Văn Hậu với mức xử phạt mỗi người 1 triệu đồng. Kèm theo quyết định xử phạt là yêu cầu cơ sở đóng cửa, dừng hoạt động. Tuy nhiên, thời điểm đầu tháng 8/2023, phóng viên Báo điện tử Xây dựng vẫn ghi nhận hoạt động tấp nập của các cơ sở này. Có vẻ chủ các cơ sở này đã phớt lờ mọi yêu cầu của UBND xã Nhân Quyền và cơ quan chuyên môn huyện Bình Giang.

Tại thị trấn Kẻ Sặt, các sai phạm trong lĩnh vực đất đai xảy ra tại khu vực dự án Sao Khuê (khu Ao Rùa) hiện vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24/4/2012, UBND huyện Bình Giang ban hành Quyết định số 1738/QĐ-UBND "Về việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất khu Trung xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang”. Tổng số lô đất mang bán đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực này là 22 lô.

Trải qua 2 lần tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất vào ngày 8/1/2013 và ngày 23/12/2013, kết quả mới bán được 9 lô, còn lại 13 lô từ đó đến nay chưa thực hiện tiếp việc đấu giá quyền sử dụng đất và vẫn thuộc UBND xã Tráng Liệt (hiện đã sáp nhập với thị trấn Kẻ Sặt) quản lý. Tuy nhiên, hiện nay cả 13 lô đất trên đã có người sử dụng và đã có công trình trên đất. Nhiều lô đất đã được bán cho các cá nhân và hộ gia đình, có giấy xác nhận quyền sử dụng đất do UBND xã ký đóng dấu và ghi rõ "đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính". Điều đáng nói là dự án Sao Khuê (khu Ao Rùa) được UBND huyện Bình Giang phê duyệt năm 2012 và đến năm 2013 mới tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất nhưng phần lớn giấy xác nhận quyền sử dụng đất được UBND xã Tráng Liệt thời kỳ đó cấp cho người mua đều ghi từ năm 2011. Số tiền người dân nộp cũng không được thể hiện trong sổ sách kế toán của UBND xã Tráng Liệt.

Bình Giang (Hải Dương): Buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, môi trường?
Trạm trộn bê tông xây trên đất chuyển đổi ở thôn Lý Đỏ, xã Tân Việt.

Có thể thấy, nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường diễn ra trên địa bàn huyện Bình Giang thời gian qua đều không bị xử lý hoặc xử lý không triệt để theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” khiến người dân rất bức xúc. Đến nay, hầu hết các trường hợp vi phạm vẫn tồn tại. Các cơ sở sản xuất trái phép vẫn diễn ra như chưa hề có sự xuất hiện của cơ quan chuyên môn.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra sai phạm và cơ quan chuyên môn là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang ở đâu là câu hỏi cần sớm được trả lời. Liệu có thể để các sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý cứ xảy ra liên tiếp mà cơ quan chuyên môn vẫn “vô can”, không chịu trách nhiệm?

Thanh Vinh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load