Thứ tư 08/05/2024 09:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bình Dương: Khốn khổ khi phải xây nhà “chui”

16:29 | 13/11/2019

(Xây dựng) – Để có nhà ở trên mảnh đất của mình bỏ tiền ra mua, nhiều người chấp nhận xây dựng không phép, xây nhà “chui”, thậm chí phải chung chi để được làm nhà.

binh duong khon kho khi phai xay nha chui
Hạ tầng kỹ thuật nhếch nhác ở khu dân cư An Trung Dĩ An, Bình Dương (Ảnh: Thiên Lý).

Điển hình là dự án Khu nhà ở thương mại An Trung do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Trung đầu tư tại phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương hay dự án Khu dân cư Vĩnh Phú II do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương) xây dựng tại ấp Phú Hội, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương. Đây là những khu dân cư điển hình của 2 đô thị mà năm 2020 sẽ là thành phố của Bình Dương, nhưng người dân thì phải xây nhà lụi và sống thiếu an toàn vì dự án nham nhở không biết ngày hoàn thiện.

Sổ chờ… hạ tầng

Theo phản ánh của người dân, tại Khu dân cư Vĩnh Phú II có hàng nghìn nền đất đã được đầu tư xây dựng từ năm 2003, nhưng đến nay, vẫn còn hơn 100 nền đất thì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng). Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng nham nhở xuống cấp nặng nề, chỉ trừ 1 đoạn đường trục 18 cùng một số đường nhánh nhỏ tại khu vực lối vào của dự án được thảm nhựa năm 2018.

Do hạ tầng không được đầu tư hoàn chỉnh nên sau gần 20 năm triển khai, phần lớn dự án chỉ là bãi đất trống, mấy năm gần đây, do nhu cầu bí bách về chỗ ở nên liều xây nhà. Điều này, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đều biết nhưng ngăn chặn thì thiếu tình người, còn buông lỏng thì dẫn tình tình trạng xây dựng không phép, trái phép. Cho nên biết là không đúng nhưng đôi khi cũng “ngó lơ” và tạo sức ép cho chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng và nghĩa vụ tài chính để cơ quan chức năng nhanh chóng cấp sổ cho người dân để ổn định cuộc sống và xây dựng đúng quy định.

Một người dân sinh sống tại Khu dân cư Vĩnh Phú II (dấu tên) bức xúc: “cực chẳng đã mới phải sinh sống tại đây, bởi lẽ mùa nắng thì nơi này như bãi cát khổng lồ do mặt đường chỉ được trải đá tạm nên gió bụi cuốn theo đất cát bay vào nhà. Vào mùa mưa và những lúc triều cường, nhiều đoạn đường nước đọng thành “ao”, rất nguy hiểm cho người dân sinh sống trong khu dân cư. Nhiều trục đường chính như tuyến ven đê sông Vĩnh Bình, đường 16 do thường xuyên bị ngập, xe tải nặng cày xới nên đến nay gần như không thể sử dụng được”.

Đối với Khu dân cư An Trung thì người không chịu nổi phải làm đơn gửi chính quyền và cơ quan báo chí để kêu cứu. Ông N.Q.H cho biết: Ông và một số người dân khi mua dự án thì được chủ đầu tư hứa hẹn sau 3 - 6 tháng sẽ có sổ hồng. Tuy nhiên, đến nay gần 5 năm, người dân vẫn chưa có sổ đỏ nên đã làm đơn khiếu nại doanh nghiệp và cơ quan chức năng, nhưng đáp lại chỉ là sự… im lặng.

Ông H bức xúc: “Khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ đầu tư cho biết chỉ 3 - 6 tháng sau sẽ bàn giao sổ đỏ cho dân. Thế nhưng đã 4 - 5 năm nay vẫn chưa thấy chủ dự án làm cơ sở hạ tầng bàn giao đất cho dân. Chúng tôi rất bức xúc về vấn đề đó. Chúng tôi muốn chính quyền và chủ dự án có biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng bàn giao đất cho chúng tôi”.

Theo tìm hiểu, dự án An Trung có diện tích 19ha được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2006 và năm 2007 thì UBND thị xã Dĩ An phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị mới, là điểm nhấn trong phát triển đô thị. Nhưng 13 năm sau, dự án vẫn chỉ loang lỗ, nhếch nhác và tiến độ triển khai dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

Mặc dù pháp lý chưa đầy đủ và hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng nhưng chủ đầu tư đã lập hợp đồng bán cho khách hàng từ 300 – 800 triệu đồng bằng hình thức “hợp đồng thoả thuận hợp tác đầu tư”.

Theo ghi nhận thực tế tại dự án, dù cơ sở hạ tầng còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện, nhưng đã có hàng chục ngôi nhà mọc lên kiên cố trong ranh quy hoạch của dự án. Người dân ở đây cho biết, việc họ triển khai xây dựng, là bởi khi ký hợp đồng, chủ đầu tư cam kết bằng miệng cho xây nhà. Bỏ hàng trăm triệu đồng ra để dựng nhà “chui” để sinh sống trong dự án An Trung, suốt nhiều năm qua người dân ở đây phải chịu không biết bao nhiêu hệ lụy, nhất là vấn đề xin nhập khẩu để cho con em đi học.

Chủ đầu tư đùn đẩy – chính quyển “bó tay”

Trước thực trạng trên, người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhưng đành “bó tay” trước chủ đầu tư năng lực yếu kém và chây ỳ vì dự án đang dở dang.

Để tìm hiểu thực hư về năng lực chủ đầu tư, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên lạc với ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Trung, chủ đầu tư dự án Trung An. Ông Lê Thanh Tùng cho biết: Năm 2014, Công ty mua lại dự án này từ ông Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc cũ của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng An Trung). Đây là dự án thương mại nên chủ đầu tư phải trực tiếp thỏa thuận mức giá bồi thường nhưng một số hộ dân chưa chấp thuận mức giá Công ty đưa ra, dẫn đến việc chậm trễ các bước theo quy trình dự án được phê duyệt.

Lý giải cho việc dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý nhưng đã rao bán, nhận tiền của khách hàng, cho xây dựng nhà ở, ông Tùng cho rằng: Chủ đầu tư không bán mà chỉ hợp tác đầu tư với khách hàng. Cũng theo ông Tùng, phía Công ty đã kiến nghị đến cơ quan chức năng điều chỉnh dự án, bỏ diện tích đất chưa được giải tỏa ra khỏi dự án. Sau đó, Công ty tiếp tục làm hồ sơ thủ tục giao đất, đóng thuế, cố gắng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dự kiến đầu năm 2020 sẽ bàn giao đất, sổ đỏ cho khách hàng.

“Trách nhiệm chủ đầu tư phải hoàn thành thuế sớm, chờ bên thuế thông báo sẽ đóng thuế ra sổ cho khách hàng. Phần đền bù không được sẽ xin UBND cắt ra khỏi dự án để không kéo dài nữa”, ông Tùng cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Võ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An cho biết: Sau khi nhận được đơn thư của bà con thì đã mời chủ đầu tư lên làm việc. Lý giải của doanh nghiệp với chính quyền như thế nào? Ông Tuấn cũng cho hay, chính quyền Dĩ An sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đề nghị Sở Xây dựng điều chỉnh lại quy hoạch dự án để thời gian tới sẽ giải quyết dứt điểm cảnh người dân bỏ tiền ra để rồi phải dựng nhà “chui” trong dự án treo.

“Chủ đầu tư không có khả năng thỏa thuận với dân theo đền bù toàn dự án thì bắt buộc điều chỉnh dự án, điều chỉnh theo hướng bó nhỏ. Điều chỉnh phải xin chủ trương, tách ra cho điều chỉnh dự án. Yêu cầu chủ đầu tư sớm liên hệ các ngành để được giao đất mới có cơ sở cấp giấy chứng nhận cho dân”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phản ánh việc xây dựng “chui”, xây nhà không phép tới Thanh tra Xây dựng Bình Dương thì lãnh đạo Thanh tra cho biết là đã nắm được vụ việc và đang trong quá trình thụ lý hồ sơ. Vì trong quá trình thụ lý sẽ có nhiều tình tiết, nếu phát hiện vi phạm nào trong thẩm quyền thì Thanh tra xử lý theo quy định, còn vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị cơ quan cấp trên theo quy định.

Mua được mảnh đất tưởng an cư, nhưng gặp ngay chủ đầu tư yếu kém như Công ty Thái Bình Dương hay Công ty An Trung thì người chỉ còn biết trông chờ vào sự tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng. Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc, hy vọng chính quyền các cấp ở Bình Dương nhanh chóng có giải pháp để giải quyết dứt điểm những dự án “rùa bò” trên địa bàn.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load