(Xây dựng) - Sau khi Báo điện tử Xây dựng đăng bài viết: “Bình Định: Bất ngờ với hàng trăm nóc nhà mọc trên núi Suối Trầu” ngày 2/3/2023, phản ánh về tình trạng xây nhà trái phép trên núi Suối Trầu tại tổ 49, khu vực 5, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, phóng viên tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của người dân về gia chủ của những nóc nhà trên.
Hàng trăm ngôi nhà xây dựng trái phép đã hình thành khu dân cư tự phát trên núi Suối Trầu. |
Theo lẽ thường tình, những gia đình đông con gia cảnh khó khăn hay vợ chồng trẻ chưa có nhà ở thì mới bồng bế nhau lên núi tìm chỗ dựng tạm ngôi nhà, mong có chỗ che nắng che mưa, sinh sống qua ngày. Đợi khi nào gia cảnh đủ điều kiện, kinh tế gia đình có của ăn của để lại xuống núi mua nhà ở khu dân cư, có giấy tờ mua bán chuyển nhượng hợp pháp coi như tài sản quý giá cả đời người.
Thế nhưng lạ đời thay, hàng trăm gia chủ xây nhà trái phép trên núi Suối Trầu và quanh khu vực Suối Trầu tại tổ 49, khu vực 5, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn mà Báo điện tử Xây dựng vừa có bài phản ánh lại không rơi vào những cảnh ngộ như trên, mà thay vào đấy họ là những người từng đảm nhận chức vụ trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, giảng viên, giáo viên, công chức, viên chức, bác sĩ, cán bộ ngân hàng.
Những gia chủ này đã có nhà ở bề thế trong trung tâm thành phố Quy Nhơn, nhưng thích tìm cảm giác mới lạ nơi núi rừng yên tĩnh, hay đơn giản là xây nhà trên núi để làm nơi đọc sách, chữa bệnh hoặc phục vụ nhu cầu thị hiếu của bậc vương giả là ngắm cảnh, trồng cây, chiều chiều lên nhà rẫy tưới cây, nghe chim hót để quên đi nỗi bộn bề lo toan công việc và âm thanh ồn ào nơi phố thị.
Trong thời gian chờ đợi UBND thành phố Quy Nhơn có cuộc tổng thanh kiểm tra rà soát các trường hợp xây dựng nhà trái phép trên núi Suối Trầu tại tổ 49, khu vực 5, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, để có văn bản trả lời chính xác cho Báo điện tử Xây dựng trong bài viết “Bình Định: Bất ngờ với hàng trăm nóc nhà mọc trên núi Suối Trầu” ngày 2/3/2023, thì phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của người dân về gia chủ của hàng trăm ngôi nhà mọc trên núi Suối Trầu.
Người dân cho biết, đây là ngôi nhà của một cán bộ ngành Ngân hàng. |
Qua nhiều lần đi thực tế tại khu vực này, phóng viên không khỏi chạnh lòng, xót xa cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn lên núi Suối Trầu cất nhà tạm để ở nhiều năm nay. Tuy nhiên, những trường hợp gia cảnh khó khăn không có điều kiện mua nhà dưới trung tâm thành phố mà phải lên núi dựng nhà tôn để ở chiếm tỷ lệ không nhiều và không đáng kể so với con số hàng trăm nóc nhà xây dựng trái phép trên núi Suối Trầu của các gia chủ mà chúng tôi đề cập ở trên.
Trong số các gia chủ thuộc bậc vương giả xây nhà trên núi Suối Trầu, phóng viên được nghe người dân phản ánh nhiều nhất là ông N.T – nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định; ông V.V.H - nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Bình Định và ông T.T.L làm bác sĩ mở Phòng khám tư nhân Thành Long và đang công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Ông N.T – nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định xây ngôi nhà để nghỉ ngơi đọc sách, chữa bệnh huyết áp. |
Để xác thực những thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc trực tiếp với ông N.T – nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định về việc người dân phản ánh ông xây nhà trái phép trên núi Suối Trầu. Trò chuyện với phóng viên, ông N.T thừa nhận ông xây ngôi nhà có diện tích khoảng hơn 40m2, trong khu đất rẫy khai hoang mua lại của người quen để làm nơi đọc sách, chữa bệnh cao huyết áp. Ngôi nhà của ông đã bị UBND phường Quang Trung xử phạt về trật tự xây dựng số tiền 5 triệu đồng, đập bỏ phần đổ mê lên tầng và cho tồn tại đến nay.
Ngôi nhà của gia đình ông V.V.H - nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Bình Định. |
Người thứ 2, phóng viên trò chuyện là ông V.V.H - nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Bình Định. Riêng ngôi nhà của ông V.V.H, theo người dân phản ánh trước đó ngôi nhà của ông đã bị UBND phường Quang Trung đập bỏ nhiều lần, sau đó xây mới lại. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông V.V.H cho rằng, ngôi nhà hiện tại trên Suối Trầu là của cha vợ ông, ngôi nhà xây từ năm 2016 và tồn tại cho đến nay.
Ngôi nhà ông T.T.L làm bác sĩ mở Phòng khám tư nhân Thành Long và đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. |
Người thứ 3, phóng viên liên hệ là ông T.T.L làm bác sĩ mở Phòng khám tư nhân Thành Long và đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Ngôi nhà ông T.T.L được người dân cho biết là xây dựng theo kiểu biệt phủ, có hồ nước, chuồng nuôi chim, trồng cây cảnh như vườn sinh thái. Toàn khu đất được bao bọc bởi tường thành chân móng cao chênh vênh trên núi. Qua trò chuyện với phóng viên, ông T.T.L cho biết, ngôi nhà của ông là do một sư thầy xây dựng trước đó cách đây gần 20 năm, xây chân móng cao để ngăn sạt lở đất, còn vườn cây cảnh, hồ nước, chuồng chim là để thỏa mãn thú vui cá nhân ông thích cuối tuần lên rẫy tưới cây, ngắm cảnh, nghe chim hót.
Ngôi nhà dựng tạm bằng tôn của đôi vợ chồng già. |
Nói về những trường hợp này, ông Đoàn Thanh Bình - Đội trưởng Đội trật tự đô thị thành phố Quy Nhơn cho biết: Toàn bộ các trường hợp xây dựng nhà trái phép, kể cả 3 trường hợp này đã có hồ sơ lưu trữ xử lý, xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trước đó. Đội sẽ có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố rà soát, thống nhất hướng xử lý để tham mưu báo cáo UBND thành phố Quy Nhơn.
Nói thêm về vụ việc này, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Quy Nhơn cho biết, trong tuần này Phòng sẽ làm việc với các cơ quan liên quan, thống nhất phương án giải quyết, biện pháp xử lý để tham mưu báo cáo UBND thành phố, hoàn thiện văn bản trả lời cho Báo điện tử Xây dựng về các nội dung mà Báo đã có loạt bài phản ánh xây dựng nhà trái phép trên địa bàn phường Ghềnh Ráng, phường Quang Trung, phường Nhơn Bình thuộc thành phố Quy Nhơn.
Mỹ Bình
Theo