(Xây dựng) - Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình; tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án.
Công trình xây dựng có địa chỉ số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện (POSTEF). |
Trong thông cáo phát đi chiều 6/4, Thành ủy Hà Nội cho biết, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình số 61 Trần Phú. Kết quả kiểm điểm phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, công trình số 61 Trần Phú vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Công trình là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện (POSTEF). Công ty thuê đất của Nhà nước có thời hạn thuê là 50 năm, ngày hết hạn là 24/6/2067 với tổng diện tích đất là 7.523m2.
Ban đầu, POSTEF dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó POSTEF quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef.
Theo Quyết định 3841/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766m2.
Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè để đỉnh tum thang là 42,9m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.574 tỷ đồng. Liên danh với Postef thực hiện dự án còn có Công ty Cổ phần Liên Việt Holdings và Công ty Cổ phần Him Lam.
Liên quan đến việc phá dỡ các dãy nhà tại số 61 Trần Phú, dư luận đang đặt ra một số vấn đề:
Thứ nhất, liệu có phải chỉ vì suy nghĩ “đơn giản” của những người có thẩm quyền Hà Nội như ý kiến của một chuyên gia nào đó đã phát biểu, hay đằng sau đó còn có một lợi ích nào khác mà chính quyền Hà Nội lại cho phép phá đi một công trình có giá trị về di tích lịch sử, trong khi không xin ý kiến của các chuyên gia về kiến trúc, di tích, bảo tồn…Đây là một điều hết sức đáng tiếc.
Thứ hai, lại là câu chuyện liên danh, lại một câu chuyện cổ phần hóa, họ đã “hô biến” một công trình có tính chất di tích, nằm trên vị trí vàng của thành phố, có giá trị bảo tồn du lịch thành công trình của các cá nhân. Dư luận cho rằng, các ngành Tư pháp cần sớm xem xét, và làm rõ vấn đề chuyển đổi đất từ Nhà nước sang tư nhân để tránh thất thoát cho Nhà nước.
Thứ ba, với công trình có 6 tầng hầm, đây là việc chưa có tiền lệ trong các dự án đầu tư xây dựng tại Hà Nội, đặc biệt là các khu phố cổ. Trong điều kiện nền đất Hà Nội là rất yếu, có khả năng ảnh hưởng đến rất nhiều công trình lân cận; không biết việc này chính quyền Hà Nội đã tính đến chưa? Mặt khác, quy hoạch không gian ngầm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chưa, vị trí này có quy định 6 tầng hầm không, công trình này có được thi tuyển kiến trúc theo quy định không, những vấn đề này cần được làm rõ?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin bạn đọc.
Ngọc Hân – Khánh Hòa
Theo