Thứ bảy 21/12/2024 20:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thảm đỏ cho khu công nghiệp xanh

Bài 3: Điều kiện cần và điều kiện đủ

16:57 | 18/09/2024

(Xây dựng) - Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, việc xây dựng và dần hoàn thiện thể chế đã tạo lực đẩy cần thiết cho cỗ xe phát triển xanh của Việt Nam, tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần để tạo nguồn lực cho “cỗ xe” tín dụng xanh bước vào vạch xuất phát, nhưng để cỗ xe đó tăng tốc, tín dụng xanh mới là điều kiện đủ để cụ thể hoá những cam kết của Việt Nam trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bài 3: Điều kiện cần và điều kiện đủ
Sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp cùng các nguồn tín dụng xanh đã tạo nên những “Khu công nghiệp của tương lai” (Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP II Bình Dương).

Chi phí cao, nhưng hiệu quả lớn

Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh, công trình thích ứng rủi ro khí hậu Việt Nam (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho rằng, các doanh nghiệp, khu công nghiệp chuyển đổi xanh đang phải đối mặt với việc phải chi trả chi phí ban đầu cao, bởi việc triển khai công nghệ và hạ tầng xanh đòi hỏi đầu tư lớn.

Tuy nhiên, bà Đỗ Ngọc Diệp cũng cho rằng, suất đầu tư các dự án xanh không vượt quá 3% tổng mức đầu tư thông thường. Chỉ sau 2-3 năm chủ đầu tư thu hồi vốn đầu tư ban đầu. “Nếu các nhà đầu tư đang gặp khó khi huy động vốn trong nước, thì hoàn toàn có thể tìm đến nguồn vốn xanh nước ngoài”, bà Đỗ Ngọc Diệp cho biết.

Để xây dựng một thị trường tài chính xanh lam, đồng thời đẩy mạnh trái phiếu xanh lá và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, tháng 6 vừa qua, IFC đã ký hợp đồng cung cấp gói tài trợ 150 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Gói tài trợ bao gồm khoản đầu tư vào trái phiếu xanh lam (Blue Bond) đầu tiên ở Việt Nam và đó là trái phiếu xanh lá (Green Bond) đầu tiên do một Ngân hàng thương mại tư nhân trong nước phát hành.

Cùng với gói tài trợ, IFC sẽ tư vấn cho SeABank áp dụng các khung trái phiếu xanh lá và xanh lam, đồng thời giúp Ngân hàng xác định các tài sản xanh lá và xanh lam đủ điều kiện tài trợ cũng như xây dựng danh mục các dự án tiềm năng.

Đi đầu trong việc xây dựng các thị trường tài chính xanh lá và xanh lam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC đã hỗ trợ nhiều tổ chức tài chính và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh lá và xanh lam đầu tiên tại các thị trường địa phương.

Năm 2023, IFC đã đầu tư 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) và Công ty con là Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành. Với khoản đầu tư mới vào SeABank, tính đến nay, IFC đã cam kết cấp khoảng 1 tỷ USD vốn dài hạn để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu tại Việt Nam.

Theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, chi phí vận hành tại các khu công nghiệp xanh sẽ cao hơn so với khu công nghiệp bình thường, vì thế, với doanh nghiệp, tiền thuê khu công nghiệp xanh cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, chi phí cao hơn cho khu công nghiệp xanh, thì nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi cao hơn.

“Hơn thế nữa, đây là xu thế tất yếu của xã hội và sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp có đầu tư, có cam kết chuyển đổi xanh thì chắc chắn các nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư có giá trị sẽ tìm đến khu công nghiệp này”, ông Trần Thiên Long nhận định.

Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay của doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp, theo ông Trần Thiên Long, không phải là vấn đề chi phí cao hơn so với đầu tư trước đây, mà ở chỗ làm sao để chủ đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp thuê nhà xưởng, nhà máy trong khu công nghiệp phải thực hiện và cam kết một cách mạnh mẽ để thực hiện chuyển đổi xanh hiệu quả.

“Các chủ đầu tư khu công nghiệp cần phải có ràng buộc cụ thể với nhà đầu tư là khách thuê để cùng thực hiện chuyển đổi xanh, lúc đó, giá trị của cả hệ sinh thái sẽ tăng lên rất nhiều, hình ảnh của khu công nghiệp và nhà sản xuất cũng sẽ được tốt hơn rất nhiều trong mắt các nhà đầu tư và đối tác, như vậy tất cả các bên đều có lợi”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Trần Thiên Long cũng khuyến cáo, chuyển đổi xanh cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt, với lộ trình, chiến lược đầu tư hợp lý và dài hơi nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

“Dù là khu công nghiệp hiện hữu hay khu công nghiệp xây dựng mới thì đều phải thực hiện ngay chiến lược chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, nếu không, chắc chắn sẽ không thu hút được khách thuê có giá trị gia tăng cao”, ông Trần Thiên Long nhận định.

Cần thêm những chính sách tạo ưu đãi cho chuyển đổi xanh

Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã tạo tiền đề cho việc phát triển khu công nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, cam kết của Chính phủ về cân bằng carbon vào năm 2050 là yếu tố thúc đẩy xu hướng xanh hóa trong sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thiên Long, cần có sự hỗ trợ tốt hơn nữa từ cơ quan chức năng, Bộ, ngành, địa phương, kể cả Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục rõ ràng, đưa ra các hành động cụ thể hơn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ nguồn tài chính xanh, để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.

“Doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, thực hiện yêu cầu chuyển đổi số đã tốn kém rồi, chuyển đổi xanh còn tốn kém hơn nữa, vì thế, nhiều doanh nghiệp muốn hành động nhưng chưa đủ điều kiện để hành động”, ông Trần Thiên Long cho biết.

Điều đó cho thấy, để thành công trong chuyển đổi xanh, chỉ nỗ lực của doanh nghiệp là chưa đủ, mà phải có sự chung tay của cơ quan Nhà nước để tạo động lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh.

“Theo tôi, Chính phủ nên xây dựng một quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên những doanh nghiệp có chiến lược thực hiện hiệu quả. Quỹ này có thể lãi suất bằng 0, hoặc lãi suất thấp để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thực hiện lộ trình hiệu quả”, ông Trần Thiên Long đề xuất.

Thêm vào đó, các tổ chức tín dụng, từ hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần… cần tăng cường sản phẩm tài chính xanh với thủ tục rõ ràng, minh bạch giúp doanh nghiệp có thêm phương án tiếp cận để thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi của mình.

Về nguồn vốn, Chính phủ có thể liên kết với các quỹ đầu tư nước ngoài, các định chế quốc tế như: WB, IFC, UNIDO để đồng hành trong xây dựng các gói hỗ trợ một cách thích hợp cho doanh nghiệp.

“Theo tôi được biết, các quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến chuyển đổi xanh khu công nghiệp của Việt Nam. Khi họ đã đầu tư vào khu công nghiệp, thì họ đều phải đặt vấn đề về chuyển đổi xanh, khu công nghiệp sinh thái. Dòng vốn từ các quỹ này nếu doanh nghiệp tiếp cận được sẽ rất hiệu quả, thiết thực”, ông Trần Thiên Long cho biết.

Thêm vào đó, theo ông Trần Thiên Long, để thực thi hệ thống luật pháp liên quan đến chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp sẽ liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành, do đó, cần có một “tư lệnh ngành” để chỉ đạo bao trùm tất cả các vấn đề, giải quyết các điểm nghẽn kịp thời, hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp trên lộ trình chuyển đổi xanh. “Tư lệnh ngành” này sẽ giúp Việt Nam triển khai chuyển đổi xanh một cách có hệ thống, tránh chồng chéo gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Luật chính là cơ sở vững chắc về pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện và hỗ trợ nhà đầu tư một cách tốt nhất”, ông Trần Thiên Long nhận định.

Những kỳ vọng từ dòng tín dụng xanh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, sau những thận trọng ban đầu khi nhập cuộc, dòng tín dụng xanh đã bắt đầu được vận hành khá nhuần nhuyễn, với sự gia tăng dù không mạnh như nhiều lĩnh vực khác nhưng lại rất chất lượng.

Thống kê cho thấy, nếu như năm 2019, tổng dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 317.600 tỷ đồng (chiếm 3,87% tổng dư nợ của nền kinh tế) thì tính tới 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng xanh đã lên đến 564.000 tỷ đồng và chiếm 4,4% tổng dư nợ của nền kinh tế, tức là vừa tăng về giá trị tuyệt đối, vừa tăng về tỷ trọng trong dư nợ của nền kinh tế. Theo đó, đã có nhiều tổ chức tín dụng như: Agribank, VietinBank, Vietcombank, HDBank, SHB… có những bước đi vững chắc và đạt được sự tăng trưởng đáng kể cả về số lượng và chất lượng của dòng tín dụng xanh.

Đáng chú ý, một số Ngân hàng đã có những hợp tác với các định chế tài chính quốc tế về tín dụng xanh, trong đó, VPBank ký hợp tác với IFC và Công ty Tài chính Proparco thuộc Cơ quan Phát triển Pháp; HD ký với Proparco, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)…

Với SHB, cùng với việc ký hợp tác với WB, IFC, ADB về tín dụng xanh để tìm kiếm nguồn vốn trung và dài hạn cho các dự án xanh, Ngân hàng này đã lọt vào Top 10 Doanh nghiệp Xanh và phát triển bền vững và đồng thời nằm trong Top 10 Ngân hàng thu xếp vốn đầu tư hiệu quả cho các dự án năng lượng tại Việt Nam. Năm 2024 là năm thứ 2 liên tiếp, SHB vượt qua các tổ chức tài chính tại 13 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để chiến thắng Giải Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất. Với bề dày thành tích đó, SHB đề ra mục tiêu phấn đấu trong vòng 5 năm tới, dư nợ tín dụng xanh sẽ chiếm 10% dư nợ của Ngân hàng. Được biết, theo đuổi Chiến lược tín dụng xanh, SHB đã và đang phấn đấu duy trì vị trí số 1 trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân về tín dụng xanh.

Có thể thấy, cùng với việc đẩy nhanh dòng tín dụng xanh vào nền kinh tế, các Ngân hàng cũng đang tiến hành công tác kiểm soát an toàn, bền vững khi tiến hành tài trợ các dự án. Để nâng cao chất lượng của dòng tín dụng xanh, khi đánh giá các dự án, các Ngân hàng đều sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với IFC ban hành. Ngoài ra, khi ra quyết định tín dụng, SHB sẽ thường bổ sung vào hợp đồng vay vốn các điều khoản về trách nhiệm và cam kết của khách hàng trong việc cải thiện quản lý rủi ro môi trường xã hội, kế hoạch hành động và thời gian biểu để giảm thiểu rủi ro trước hoặc sau khi giải ngân.

Như vậy, với những hành động cụ thể của Chính phủ về hoàn thiện hệ thống pháp luật cùng những ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện, sự vào cuộc thận trọng nhưng tăng dần về mức độ của khối Ngân hàng trong cấp tín dụng xanh đã tạo nên những nét cuối cùng khiến bức tranh phát triển xanh của Việt Nam nói chung và các công trình khu công nghiệp xanh nói riêng đang dần rõ nét và trở nên bừng sáng.

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch, kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB

Cung cấp tín dụng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng, điều đó thể hiện trách nhiệm của Ngân hàng với nền kinh tế, với môi trường của quốc gia và cả thế giới. Tuy nhiên, sẽ ý nghĩa hơn nếu nguồn tín dụng xanh được cấp từ một Ngân hàng xanh, đó là một trong những mục tiêu của chúng tôi.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Ngọc Doanh - Bích Ngọc

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load