Thứ bảy 21/12/2024 20:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thảm đỏ cho khu công nghiệp xanh

Bài 1: Hoàn thiện “thể chế xanh”

10:53 | 17/09/2024

LTS: Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để xây dựng “thể chế xanh”, đó là cơ sở để xanh hóa nền công nghiệp với điểm khởi đầu là các khu công nghiệp của Việt Nam. Đó cũng là hành động thể hiện sự nghiêm túc trong thực hiện cam kết “Net Zero” của Chính phủ.

(Xây dựng) - Sau khi Việt Nam phê duyệt Chiến lược phát triển xanh và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết “Net Zero” tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP 26), Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để cụ thể hóa lộ trình xanh.

Bài 1: Hoàn thiện “thể chế xanh”
Nhiều khu công nghiệp xanh được xây dựng và đưa vào vận hành thể hiện quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp trong xanh hóa nền kinh tế.

Xây đường băng cho phát triển xanh

Cần phải khẳng định rằng, phát triển xanh đã trở thành một trong những mục tiêu trọng điểm của cả hệ thống chính trị, vì thế, các cơ quan lập pháp, hành pháp tới cấp thực thi đều nỗ lực xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật cho công tác quan trọng này.

Cao nhất là Luật Bảo vệ môi trường, sau đó là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ và quyết định của UBND các cấp cụ thể hóa từng bước đi cho Chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.

Với quan điểm “tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực”, tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển xanh giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050.

Là một đất nước đang có tốc độ nhanh về quá trình công nghiệp hóa, xanh hóa các cơ sở sản xuất sẽ trở thành một điểm then chốt trong Chiến lược phát triển xanh của đất nước, vì thế, “xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) sẽ vừa là điều kiện bắt buộc vừa là chìa khóa cho tăng trưởng của ngành Xây dựng và khối các doanh nghiệp sản xuất.

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Việt Nam đã thiết lập được một khung pháp lý và chính sách toàn diện ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương cho việc thành lập và vận hành các khu công nghiệp. Theo đó, bao gồm các quan điểm thúc đẩy sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất công nghiệp; giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp; khuyến khích sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững.

Trước tình hình mới, Nghị định 82/2018/NĐ-CP ra đời năm 2018 giới thiệu khái niệm KCN sinh thái vốn được coi là “cột mốc” trong quá trình tiến tới phát triển công nghiệp bền vững tại Việt Nam đã được sửa đổi bằng Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Trong Nghị định mới, ngoài việc nâng cao hơn các tiêu chuẩn về KCN sinh thái, thì tại điểm 3, Điều 39 của Nghị định 35/2022/NĐ-CP, nhà đầu tư KCN sinh thái còn được ưu tiên “vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ, nhà tài trợ trong nước và quốc tế; được cấp tín dụng xanh tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, pháp luật về bảo vệ môi trường để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sinh thái, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp”. Cùng với ưu đãi về nguồn lực, nhà đầu tư còn được “ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan Nhà nước tổ chức, quản lý”. Có thể nói, trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, những ưu đãi trên đã thể hiện những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong phát triển xanh nói chung, trong phát triển công nghiệp sạch nói riêng.

Kết quả đáng khích lệ

Theo thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất (KCX) được thành lập với tổng diện tích khoảng 132.000ha.

Trong giai đoạn 2015-2019, sáng kiến KCN sinh thái được triển khai thí điểm tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ thông qua Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP).

Sau hơn 4 năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm (Khánh Phú và Gián Khẩu tại Ninh Bình, Hòa Khánh tại Đà Nẵng và Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ), các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do dự án đề xuất đã giúp 72 doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000m3 nước, 140 TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp; giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải; cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm.

Từ năm 2020 đến nay, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO thực hiện dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến tháng 4/2024, Dự án đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 663 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 3 KCN Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng), trong đó 217 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải C02 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Dự án cũng đã đề xuất thực hiện 41 cơ hội cộng sinh công nghiệp, 13 cơ hội cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 5 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh và Trà Nóc) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Thực tế cho thấy, với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý cho xanh hóa hoạt động công nghiệp và sự nỗ lực của các nhà đầu tư, năm 2023, trong số các dự án được chứng nhận LEED, các dự án KCN và hậu cần dẫn đầu với 71%, lĩnh vực cho thuê văn phòng đứng thứ hai với 21%, tiếp theo là bệnh viện với 7%, phần còn lại thuộc lĩnh vực giáo dục, dân cư và bán lẻ. Cùng với đó, đã có 38% là khu công nghiệp và hậu cần, 16% là khu dân cư, 13% là dự án 1% là văn phòng và 9% là ở giáo dục và bệnh viện được nhận Chứng nhận EDGE. Cần lưu ý về ý nghĩa của sự tăng trưởng này khi, tỷ lệ tham gia và được nhận chứng chỉ của các cơ sở sản xuất công nghiệp luôn ở vị trí rất cao (71% với Chứng chỉ LEED và 38% với Chứng chỉ EDGE).

Đáng chú ý, theo Báo cáo tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp năm 2024, đánh giá từ UNIDO và Ban Quản lý dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2020, Tập đoàn Amata chỉ đạt 41% điểm chỉ số về KCN sinh thái, nhưng chỉ 3 năm sau, chỉ số này của họ đã lên đến 80%.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, những thành công từ những KCN sinh thái hiện nay mới chỉ cho thấy, kết quả vào cuộc của hệ thống chính trị trong hành trình Net Zero đã có hiệu quả cụ thể, nhưng chặng đường phía trước còn rất dài.

Sẽ cụ thể hơn, minh bạch hơn

Theo thông tin từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái cần nguồn vốn đầu tư, trong khi đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong KCN còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi do thủ tục khắt khe, lãi suất đang có xu hướng tăng cao, thời hạn vay ngắn. Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái; các rào cản về kỹ thuật, năng lực quản lý cũng khiến các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi thực hiện chuyển đổi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các hướng dẫn, cũng như quy chuẩn cần thiết liên quan tới xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải, phế liệu; tái sử dụng chất thải, phế liệu, nước, năng lượng dư thừa trong KCN sinh thái...

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Nghị định số 35/2022/NÐ-CP đưa ra chỉ tiêu “có 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải thực hiện sản xuất sạch hơn”, nhưng lại không cụ thể thế nào là sạch hơn, hay thế nào là sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Trong khi để đáp ứng quy định trên, bản thân KCN và các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn tài chính rất lớn nhằm thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền, máy móc, thiết bị. Nếu không cụ thể hóa quy định thì rất khó khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.

Về điểm này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, trong hệ thống pháp luật hiện hành dường như còn thiếu quy định, tiêu chí nhận diện và điều kiện cho việc chuyển đổi, phát triển khu công nghiệp bền vững.

Theo thông tin mới nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình lấy ý kiến tham vấn dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong đó áp dụng thử nghiệm bộ 23 chỉ số KCN sinh thái của Việt Nam, với 12 chỉ số tham khảo từ khung quốc tế về KCN sinh thái.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tinh thần khẩn trương, quyết liệt đẩy nhanh quá trình xanh hóa bền vững trong các KCN, khu kinh tế trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Ngọc Doanh - Bích Ngọc

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load