Thứ bảy 21/12/2024 19:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động

Bài 3: Cần thêm những giải pháp đồng bộ

18:03 | 20/09/2024

(Xây dựng) - Mặc dù số lượng và chất lượng công trình xanh (CTX) tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể, nhưng trên thực tế, quá trình phát triển CTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và sự nỗ lực, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các chủ thể liên quan…

Bài 3: Cần thêm những giải pháp đồng bộ
Tòa nhà TechnoPark Tower đạt chứng chỉ Leed Platinum với gần 110.000 m2 diện tích văn phòng xanh.

Vẫn còn nhiều thách thức

Việc phát triển CTX, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, sức khỏe cho cộng đồng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường mà còn thiết thực hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Song theo các chuyên gia, bên cạnh những thành quả đạt được, thực tế phát triển CTX Việt Nam hiện nay vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Chi phí đầu tư ban đầu cho CTX cao hơn so với các công trình thông thường; Khó khăn trong tìm kiếm các loại vật liệu xây dựng (VLXD) xanh, tiết kiệm năng lượng (TKNL); Thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ xây dựng xanh; Thiếu chính sách ưu đãi cho phát triển CTX…

Ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH EDEEC, chuyên gia về hiệu quả năng lượng (HQNL) cho công trình cho biết, chi phí đầu tư CTX, công trình HQNL luôn là câu hỏi đầu tiên của nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện với môi trường.

Còn theo nhận định của bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc của Phúc Khang Corporation, hai thách thức lớn nhất để phát triển CTX là hành lang pháp lý và nguồn nhân lực trong việc phát triển xây dựng xanh tại Việt Nam.

Bài 3: Cần thêm những giải pháp đồng bộ
Dự án trường học the Dewey Schools Ocean Park đã đạt chứng nhận EDGE giai đoạn thiết kế.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Lý Thị Phương Trang, Tổng Giám đốc Công ty Daikin Việt Nam cũng cho rằng, cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp phát triển CTX hiện nay vẫn còn mơ hồ, chưa được rõ nét.

Ông Douglas L.Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng CTX Việt Nam thì nhận định, nguồn vốn rất quan trọng trong việc đầu tư CTX. Để thúc đẩy phát triển CTX diễn ra nhanh hơn, các ngân hàng cần có những khoản vay đặc biệt dành cho khách hàng và chủ đầu tư CTX.

Trong khi đó, ông Patrick Liau, Tổng Giám đốc khu vực miền Bắc của CapitaLand thì cho rằng, rào cản lớn nhất để phát triển CTX chính là nhận thức của người sử dụng về loại hình công trình này.

Đề xuất nhiều kiến nghị

Trước những thách thức trên, bản thân các bên đang tham gia phát triển CTX đã đưa ra một số đề xuất và giải pháp. Bà Lý Thị Phương Trang kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với các địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể cho từng khu vực nhằm giúp cho công tác phát triển CTX đi vào thực tiễn và lan tỏa đến từng địa phương.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc của Phúc Khang Corporation cho rằng, một giải pháp quan trọng cần phải thực hiện là cải thiện hành lang pháp lý và phát triển nguồn nhân lực về xây dựng xanh. “Tôi mong rằng Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ sớm ban hành những quy định pháp luật, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn cụ thể phục vụ việc phát triển CTX, đô thị xanh tốt hơn nữa”, bà Lưu Thị Thanh Mẫu kỳ vọng.

Liên quan đến vấn đề chi phí đầu tư CTX, ông Trần Thành Vũ cho rằng, trước đây các công trình được thiết kế quy trình truyền thống, các giải pháp xanh được bổ sung sau, dẫn đến chi phí tăng lên. Nhưng nếu giải pháp xanh được tích hợp ngay từ giai đoạn thiết kế công trình thì chi phí có thể được giảm thiểu đáng kể.

Theo ông Trần Thành Vũ, việc giảm chi phí đầu tư của công trình TKNL, CTX cần bắt đầu từ việc tìm kiếm tối ưu hóa hệ thống năng lượng, kỹ thuật bằng cách áp dụng phương pháp và quy trình thiết kế mới. Với quy trình thiết kế tích hợp và công cụ mô phỏng năng lượng, hơn 10 năm qua, EDEEC có khả năng thiết kế công trình đạt chất lượng vượt trội, HQNL với chi phí đầu tư hợp lý, thậm chí không làm tăng chi phí so công trình thông thường…

Bài 3: Cần thêm những giải pháp đồng bộ
SLP Park Yên Phong tại tỉnh Bắc Ninh được chứng nhận LEED về thiết kế và xây dựng.

Còn ông Trịnh Tùng Bách, chuyên gia tư vấn CTX khuyến nghị, nhà đầu tư định vị công trình ở phân khúc nào thì lựa chọn một bộ tiêu chí CTX với các giải pháp phù hợp cho dự án đó. Các nhà phát triển bất động sản cần lập kế hoạch phát triển CTX với sự hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt của chuyên gia tư vấn CTX từ giai đoạn thiết kế kiến trúc, thiết kế bản vẽ thi công đến lựa chọn sử dụng vật liệu xanh, thiết bị công nghệ có tính năng TKNL, thi công, hoàn công, thậm chí cả giai đoạn vận hành về sau. Khi đó, việc đầu tư CTX dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và không “đắt”.

Cũng theo ông Trịnh Tùng Bách, công nghệ thiết bị và VLXD xanh trong nước đã phát triển khá đa dạng, đáp ứng yêu cầu đầu tư CTX, không khó để tiếp cận. Các công nghệ thiết bị và VLXD xanh phải nhập khẩu chiếm tỷ trọng không cao.

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Khoa học – Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thì đề xuất, Nhà nước phải có sự tài trợ cho các công trình nghiên cứu về vật liệu mới; cần có những chính sách về giảm thuế cho những đơn vị nhập khẩu vật liệu TKNL. Chính sách giảm thuế và chính sách đầu tư phải đi song song.

Liên quan đến tín dụng cho CTX, ông Trịnh Tùng Bách cho hay, nếu như chủ đầu tư được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển CTX thì chi phí đầu tư sẽ rẻ hơn. Chỉ cần giảm 1% tiền vay thì chủ đầu tư đã có tiền để đầu tư xanh.

“Ngoài hỗ trợ về tín dụng xanh, Nhà nước có thể khuyến khích chủ đầu tư bằng nhiều cách khác như Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng có một danh sách rõ ràng các dự án đã đạt chứng chỉ CTX, gắn mác CTX để làm nổi bật giá trị và ảnh hưởng của các CTX. Quan trọng là chủ đầu tư thấy được lợi ích của CTX để họ đầu tư và vận hành tốt CTX đó”, ông Trịnh Tùng Bách nhận định.

Cũng đề cập đến việc nâng cao nhận thức của các bên, ông Patrick Liau đề nghị: “Chúng ta phải làm sao để nhấn mạnh được nhu cầu, lợi ích của các CTX tới người sử dụng và chủ đầu tư, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp phát triển CTX, khích lệ người dân sử dụng và sống trong các công trình này”.

Các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển CTX

Phát triển CTX chính là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện chuyển đổi xanh nền kinh tế quốc gia và hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đề cập đến giải pháp phát triển CTX nhiều hơn nữa, PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng cần có đột phá ở bốn nội dung.

Một là sớm tạo hành lang pháp lý liên quan đến chính sách về thuế, về lãi suất ngân hàng đối với chủ đầu tư CTX và người mua, sử dụng CTX.

Hai là tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ kỹ thuật liên quan đến sử dụng vật liệu xanh, vật liệu tái chế, quy định về lớp vỏ bao che công trình để đảm bảo công trình SDNL tiết kiệm hiệu quả, các thiết bị sử dụng nước tiết kiệm, sử dụng nước tuần hoàn và các quy định về quản lý vận hành công trình…

Bài 3: Cần thêm những giải pháp đồng bộ
Dự án Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam tại Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội được chứng chỉ LOTUS Vàng.

Ba là cần đào tạo đủ số lượng các chuyên gia, kĩ thuật viên am hiểu về CTX, công trình TKNL để cung ứng cho các tổ chức có liên quan đến khâu khảo sát, thiết kế, thi công và vận hành CTX.

Bốn là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa trong cộng đồng về lợi ích của CTX và duy trì thường xuyên các hoạt động tương tự như Tuần lễ CTX nhằm thúc đẩy phát triển CTX.

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy sử dụng TKNL trong công trình xây dựng, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, tiêu thụ năng lượng trong công trình xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Để đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia SDNL tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, có rất nhiều công việc cần triển khai trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, cần đẩy mạnh các giải pháp từ việc quy hoạch đô thị, kiến trúc, thiết kế trong tòa nhà, công trình xây dựng theo hướng TKNL; sử dụng vật liệu tiêu thụ ít năng lượng, trang thiết bị HQNL như: Thông gió, chiếu sáng, thiết bị gia dụng khác…; áp dụng các giải pháp công nghệ để vận hành các tòa nhà, công trình xây dựng một cách tối ưu, hiệu quả.

Cũng theo ông Trịnh Quốc Vũ, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 đã có những quy định, chính sách thúc đẩy sử dụng TKNL cho tòa nhà, công trình xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nội dung của Luật cần phải được nghiên cứu sửa đổi theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ việc TKNL nói chung, trong lĩnh vực xây dựng, công trình xây dựng nói riêng.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật với một số chính sách dự kiến. Thứ nhất là chính sách xây dựng và hoàn thiện các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn về SDNL tiết kiệm hiệu quả, trong đó có công trình xây dựng.

Thứ hai, chính sách về nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cơ quan tại địa phương vốn có vai trò quan trọng trong việc giám sát thi hành Luật SDNL tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về SDNL tiết kiệm hiệu quả.

Thứ tư, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tài chính và ưu đãi tài chính cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trong đó có việc kiến nghị xem xét hình thành Quỹ thúc đẩy SDNL tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo…

Liên quan đến công tác xây dựng, sửa đổi Luật SDNL tiết kiệm và hiệu quả, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết thêm: Trong dự thảo Luật, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương đang nghiên cứu trình Chính phủ chính sách về dán nhãn năng lượng cho VLXD, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các bên triển khai. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp thực hiện dán nhãn vật liệu trên nguyên tắc tự nguyện, với số lượng còn rất ít…

Bài 3: Cần thêm những giải pháp đồng bộ
Khu văn phòng nhà máy ATAD Đồng Nai - công trình xanh đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ LEED Platinum.

Ngoài ra, ông Nguyễn Công Thịnh cũng cho rằng, cần xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật nhằm xác định, phân định rõ, đánh giá, chứng nhận các loại vật liệu xanh, sản phẩm xanh, CTX…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng các Bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh, trong đó Bộ Xây dựng đề xuất danh mục các dự án, CTX. Khi Chính phủ ban hành, Danh mục phân loại xanh sẽ là căn cứ quan trọng để các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đề xuất Chính phủ việc xây dựng Luật Khu Công nghiệp - Khu Kinh tế nhằm tạo ra hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh…

Với đa dạng các giải pháp tổng thể nói trên, hy vọng trong thời gian tới, sự phát triển CTX tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Tâm Anh – Mạnh Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load