Thứ ba 30/04/2024 17:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Theo dấu chân Thủ tướng trên những công trình trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 1: Cà Mau sẽ không… xa

15:20 | 15/12/2023

(Xây dựng) - Đồng bằng sông Cửu Long được xem như vựa lúa của Việt Nam, xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, xuất khẩu thủy sản đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian dài, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn “đi trước về sau”. Theo báo cáo ngày 12/12/2023 của VCCI, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng đầu tư thấp hơn so với cả nước khiến tỷ trọng đầu tư giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022. Giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng đầu tư thực trung bình của vùng đạt 5,2%. Làm thế nào để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, tại các lần tiếp xúc cử tri hay những chuyến đi công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính có lịch “đột xuất” kiểm tra công trình, dự án trọng điểm nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” của vùng. Báo điện tử Xây dựng đã ghi lại những đợt thị sát của Thủ tướng tại các công trình trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài 1: Cà Mau sẽ không… xa
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng thành viên Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Cà Mau khảo sát tiến độ thi công Dự án cao tốc Bắc Nam.

Sau khi thị sát một số công trình tại Cà Mau ngày 9/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”. Cà Mau chịu sóng chịu gió tiên phong chống biến đổi khí hậu. Cà Mau cần khai thác tốt thương hiệu “Đất Mũi” - cực Nam của Tổ quốc. “Qua phát biểu, trăn trở, đề xuất từ lãnh đạo tỉnh Cà Mau, tôi đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp ra thông báo triển khai giải quyết trong thời gian sắp tới” - Thủ tướng phát biểu.

Phải nâng cấp, mở rộng sân bay ngay

Cụ thể, sáng 9/12, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng đoàn đến Cà Mau. Theo lịch trình, 14 giờ cùng ngày, Đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau. Đến 19 giờ, Thủ tướng cùng Đoàn công tác dự Lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau. Cũng như những lần trước, tỉnh đã bố trí xe chuẩn bị cho chuyến thị sát tại công trình trọng điểm tỉnh. Đúng như dự báo, lần này, điểm đầu tiên Thủ tướng đến kiểm tra là Cảng hàng không Cà Mau. Bởi trước đó, tỉnh có đề nghị nâng cấp, mở rộng sân bay.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện sân bay Cà Mau có đường hạ cất cánh dài 1.500m, là sân bay hàng không dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay nhỏ có từ thời Pháp. Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) đã khai thác tuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau - Thành phố Hồ Chí Minh, với lịch bay thường lệ là từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần bằng máy bay ATR 72-500. Từ ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội - Cà Mau được đưa vào khai thác với tần suất ba chuyến mỗi tuần. Các chuyến bay luôn đông khách, nhưng do đường cất/hạ cánh sân bay hạn chế, các máy bay phải giảm tải và tần suất. Ngày 22/7, Công ty Cổ phàn Hàng không Tre Việt kết thúc chuyến bay vượt tải.

Tại văn bản gửi Chính phủ, tỉnh Cà Mau cho rằng, Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, việc đầu tư nâng cấp kéo dài đường hạ cất cánh sân bay Cà Mau đạt chiều dài 2.400m, xây dựng khu hàng không dân dụng để đạt cấp sân bay cấp 4C, quân sự cấp 2, phục vụ các loại máy bay như: A320, A321 có thể hạ cất cánh và có thể khai thác các đường bay tầm trung như: Hà Nội - Cà Mau - Hà Nội, Đà Nẵng - Cà Mau - Đà Nẵng... là hết sức cấp thiết.

Sau khi khảo sát tại sân bay Cà Mau, Thủ tướng chỉ đạo chậm nhất trong quý I/2024, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các công việc liên quan điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng; ACV chủ trì thu xếp nguồn vốn cho dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cấp đường băng để tiếp nhận được máy bay lớn như Airbus A321, Boeing 737.

Thủ tướng nêu rõ: “Yêu cầu các đơn vị cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc nâng cấp, xây dựng đường băng này trong 18 tháng; nếu cần có thể nghiên cứu hình thức chỉ định thầu trên tinh thần bảo đảm đúng các quy định. Phần cải tạo nhà ga hành khách sẽ triển khai xây dựng khi lượng hành khách đông hơn”.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về nâng cấp cảng hàng không, Bộ Giao Thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành liên quan và tỉnh khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng phương án nâng cấp trong tháng 12/2023, tuy nhiên, để đảm bảo dự án được triển khai thực hiện đầu tư trong thời gian sớm nhất, Bộ đề nghị Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) phải lập được kế hoạch và các ngành, địa phương phải làm được 3 việc: Giải phóng mặt bằng; chuẩn bị nguyên vật liệu và phải phối kết hợp chặt chẽ.

Bài 1: Cà Mau sẽ không… xa
Chủ đầu tư Dự án đường cao tốc báo cáo tiến độ thi công với Thủ tướng và Đoàn công tác.

Triển khai cao tốc tới tận mũi Cà Mau

Kết thúc thị sát tại sân bay Cà Mau, Thủ tướng tiếp tục khảo sát, động viên cán bộ, công nhân đang thi công dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) có tổng chiều dài 73,22km tuyến chính và 16,6km tuyến nối. Trong đó, chiều dài qua địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 26km; tỉnh Bạc Liêu khoảng 7,7km; tỉnh Kiên Giang hơn 17km và qua Cà Mau gần 22km tuyến chính, 16,59km tuyến nối. Tổng mức đầu tư dự án trên 17.152 tỷ đồng.

Báo cáo với Đoàn công tác, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, đến ngày 16/11, tổng giá trị sản lượng thi công đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 1.390/11.958 tỷ đồng (11,7%). Hiện tại, các nhà thầu đã tổ chức triển khai thi công đồng loạt trên tuyến với 140 mũi thi công, huy động 440 đầu máy thiết bị với 1.000 nhân sự (kỹ sư, công nhân, lái máy) để phát quang, đào hữu cơ, đắp cát nền đường, cắm bấc thấm, thi công móng cọc cầu, đổ bê tông mố trụ, đúc dầm… Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, thời tiết xấu, triều cường dâng cao, nhiều mũi thi công bị gián đoạn. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với các địa phương Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long tăng thêm công suất khai thác và sớm hoàn thành thủ tục để có thể tổ chức khai thác các mỏ cát ngay trong tháng 12/2023. Nhà thầu được đề nghị huy động trang thiết bị, máy móc và nhân lực sẵn sàng thi công khi thời tiết thuận lợi.

Kiểm tra tại dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án. “Phải làm bằng được tuyến cao tốc Bắc Nam, trong đó có đoạn qua Cà Mau, trong nhiệm kỳ này, không lùi tiến độ. Và dứt khoát tháng 6/2025 phải hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo sân bay Cà Mau. Đồng thời, chuẩn bị dự án cao tốc thành phố Cà Mau - Đất Mũi theo hướng ngắn nhất, thẳng nhất có thể và cân nhắc việc nâng cấp phù hợp Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Cà Mau... Đề nghị Cà Mau chủ động chuẩn bị xây dựng dự án cảng Hòn Khoai”, Thủ tướng nhắc nhở.

Bài 1: Cà Mau sẽ không… xa
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc nâng cấp, xây dựng đường băng Cảng hàng không Cà Mau trong 18 tháng.

Về thiếu nguyên liệu cát đắp nền phục vụ dự án đường cao tốc, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về cấp mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà thầu xây dựng đường cao tốc.

Và tại buổi lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, Thủ tướng dành sự quan tâm đặc biệt cho quê hương cuối miền cực Nam của Tổ quốc: “Cà Mau thiếu hạ tầng giao thông, giống như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, đường cao tốc phải làm tới tận Đất Mũi, dứt khoát như thế. Phát triển cảng thủy nội địa và phải làm bằng được đường băng sân bay sớm nhất để máy bay Boeing có thể đáp được, giúp tỉnh Cà Mau phát triển”. Không xa, Cà Mau sẽ rất gần với người dân cả nước.

Sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 12/12, ACV vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp sân bay Cà Mau để khai thác 1 triệu khách/năm. Theo quy hoạch do ACV đề xuất, sân bay Cà Mau đến năm 2030 sẽ có nhà ga công suất 1 triệu khách/năm, xây thêm một đường băng kích thước 2400x45m và hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay mới đáp ứng 4 vị trí đỗ.

Như vậy, đề xuất của ACV sẽ đẩy công suất sân bay Cà Mau lên gấp đôi so với dự tính 500.000 khách/năm trước đó của Bộ Giao thông vận tải. ACV ước tính chi phí đầu tư khoảng 2.253 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp đề xuất UBND tỉnh Cà Mau báo cáo Thủ tướng bố trí vốn để tỉnh đền bù giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho ACV thực hiện đầu tư xây dựng dự án mở rộng sân bay Cà Mau.

Đối với việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát phương án bố trí, cân đối vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12. Về kéo dài đường cao tốc về Đất Mũi, Bộ sẽ trình Thủ tướng việc này, việc triển khai đầu tư sẽ cân đối nguồn kinh phí sau khi bổ sung vào quy hoạch.

Khánh Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load